- Các trừng phạt của Mỹ đang ngày càng siết chặt lên cổ Gấu Nga. Nhưng 72% người Nga luôn tin rằng đất nước của họ đang đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế hơn cách đây một thập kỷ.

Tại cuộc họp báo thường niên lần thứ 14 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết việc ông tái đắc cử và tổ chức thành công World Cup là hai sự kiện “điểm nhấn” cho năm 2018. Đây là một đánh giá khá lạc quan về một năm khó có thể nói là tốt nhất của ông Putin.

Ông Putin đã tái đắc cử tổng thống hồi tháng 3 với 77% phiếu bầu. Đây là tỷ lệ chưa thực sự cao bằng các lần đắc cử trước của ông, tuy nhiên, việc một tổng thống đắc cử với số phiếu như vậy là đã thành công.

Bên cạnh đó, Nga đã tổ chức thành công World Cup giữa lúc Moscow đang chịu một loạt trừng phạt và sự lạnh nhạt của phương Tây sau vụ hai cha con cựu điệp viên Skripal bị đầu độc tại Anh, mà nhiều nước đồng minh cho rằng Điện Kremlin có liên quan đến vụ ám sát hụt này.

Có thể nói World Cup 2018 đã trở thành “cơ hội vàng” để gặt hái nhiều thành quả ngoại giao ngoạn mục, đặc biệt là cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ông Putin với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 16/7 - sự kiện được coi là phá vỡ thế cô lập của Nga. Hơn thế, World Cup không phải là một điểm nhấn trong năm đối với riêng ông Putin, mà qua sự kiện này, nhiều người Nga bỗng nhiên phát hiện ra rằng đất nước họ có thể mở cửa với thế giới. Việc đội tuyển quốc gia Nga chơi tốt hơn dự báo đã là lý do để người dân cảm thấy vui mừng.

Tuy nhiên, trong năm 2018, ông Putin cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sự bất bình đang gia tăng ở nhiều nơi trong nước Nga sau quyết định của ông về việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 63 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, quyết định mà không chính phủ tiền nhiệm nào kể từ khi Liên Xô tan rã có đủ can đảm để đưa ra.

{keywords}
 72% người Nga luôn tin rằng đất nước của họ đang đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế hơn cách đây một thập kỷ. Ảnh: CNN

Tổng thống đã để cho chính phủ thông báo quyết định trên vào đúng thời điểm cả nước đang hối hả chuẩn bị cho sự kiện thể thao thế giới diễn ra tại Nga nhằm giảm bớt sự phản đối của dư luận. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp ích nhiều: tỷ lệ ủng hộ ông đã sụt giảm mạnh từ mức rất cao mà ông có được sau quyết định sáp nhập Crimea năm 2014.

Trong cuộc thăm dò cuối tháng 11 vừa qua, do Trung tâm Levada tiến hành, 61% cho rằng ông Putin là người có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc gia. Nếu như chính trị gia nào cũng có thể đều hài lòng với tỷ lệ ủng hộ trên 60%, đối với ông Putin thì đây là dấu hiệu đáng lo ngại hơn.

Bên cạnh đó, ông Putin dường như không còn được “miễn trừ” với những lời chỉ trích, đặc biệt là những người Nga trẻ tuổi, vốn chưa bao giờ biết đến một tổng thống nào khác ngoài ông. Sự nổi dậy của một số rapper Nga gần đây, trong đó có cả những người từng một thời sùng bái ông Putin, và những cuộc biểu tình rầm rộ của giới trẻ trong năm qua, là hồi chuông cảnh báo đối với Điện Kremlin. Trả lời câu hỏi “liệu ông có sợ để mất giới trẻ?”, Tổng thống Nga nói rằng cần kiên nhẫn thuyết phục họ hiểu được sự hấp dẫn của các giá trị bảo thủ.

Về đối ngoại, cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ tại Helsinki tháng 7 vừa qua không thực sự thành công như mong đợi. Những sức ép lớn từ trong nước đã khiến ông Trump không thể ký bất kỳ thỏa thuận nào với Tổng thống Nga. Bên cạnh đó, hy vọng tìm ra con đường mới vào châu Âu thông qua các đảng dân túy thân Nga cũng đã thất bại, ngay cả ông Matteo Salvini tại Italy, người đã kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt của EU chống Nga, cũng không làm gì giúp được cho ông Putin sau khi nhậm chức.

Thành công duy nhất của ông Putin tại châu Âu trong năm nay có lẽ là xuất khẩu khí tự nhiên. Việc Đức kiên định không hủy dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bất chấp sức ép của Mỹ, cũng như sự phản đối của Ba Lan, các nước Baltic và Ukraine, là bằng chứng rõ nét. Đức rất cần thêm khí đốt của Nga để đạt các mục tiêu môi trường của mình. Trong khi đó, đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng đã được thi công đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu các đường ống này được thông suốt trong vài năm tới, đây sẽ là một trong rất ít lý do để người Nga biết ơn ông Putin sau khi ông rời nhiệm sở. Tuy nhiên, nếu các dự án này bị “trật đường” bởi những lệnh trừng phạt, thì đây sẽ trở thành những “vết hoen” trong di sản của Putin sau này.

Các trừng phạt của Mỹ đang ngày càng siết chặt lên cổ Gấu Nga. Dù chính quyền Tổng thống Trump có ý định dỡ bỏ trừng phạt đối với Rusal, nhà sản xuất nhôm lớn nhất của Nga, nhưng các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn có thể sẽ xuất hiện sau khi người Dân chủ nắm quyền tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.

Ông Putin cũng chưa thể biến thành công quân sự của Nga ở Syria thành những thành quả chính trị. Dù Mỹ quyết định rút quân, cũng chưa thể nói rằng một giải pháp chính trị có lợi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ dễ đàng hơn. Bởi một thỏa thuận như vậy sẽ không có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ - nước cũng can dự mạnh mẽ tại Syria, hay Đức và Pháp – những nước cũng đang hy vọng giành được một phần “miếng bánh” tái thiết Syria thời hậu chiến. Các cuộc thương lượng sẽ kéo dài lê thê trong năm tới, chưa biết kết quả thế nào.

Ukraine là một mặt trận mà ông Putin không thể coi là một chiến thắng. Người Ukraine nói chung không còn nồng ấm với Nga dù nước họ gặp nhiều vấn đề kinh tế và quân sự. Ngược lại, họ đang ngày càng hội nhập hơn với phương Tây. Ông Putin cho rằng sự khiêu khích của Kiev ở Eo biển Kerch là nhằm giúp tăng sự ủng hộ cho Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko trong cuộc bầu cử tới. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo tổng thống tiếp theo của Ukraine, người sẽ được bầu vào năm 2019, dù là ai cũng sẽ khó mà hòa hợp với ông Putin.

Trước một nền kinh tế đình trệ, không hiệu quả, trong khi người dân sẽ không chịu “thắt lưng buộc bụng” thêm nữa, ông Putin không thể tiếp tục đánh cược ở nước ngoài. Trước tiên, ông sẽ tìm cách giành lại sự ủng hộ của người dân trong nước. Tại cuộc họp báo thường niên, ông Putin đã bắt đầu bằng việc nêu ra những thành quả kinh tế để cho thấy một tia sáng tích cực: tỷ lệ thất nghiệp đang giảm và GDP đang tăng, dù còn khiêm tốn. Ông dự báo tăng trưởng kinh tế Nga năm này sẽ đạt 0,5% và Nga “hoàn toàn có thể trở thành nền kinh tế thứ 5 thế giới về quy mô”. Ông nhắc lại lời kêu gọi “một đột phá” có thể thúc đẩy nền kinh tế và cải thiện đời sống người dân, đó là một “nền tảng công nghệ mới” và tập trung sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Năm 2019 sẽ còn khó khăn hơn đối với Tổng thống Nga. Ông sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến cam go hơn chống lại một phương Tây vẫn chưa hoàn toàn thân thiện, dù ông đã cố duy trì một chỗ đứng tại Trung Đông và châu Phi và giữ cho tài chính trong nước ổn định đủ để cưỡng lại các cú sốc do trừng phạt gây ra và đã có biện pháp để ngăn đà sụt giảm của giá dầu. Nếu không đạt thành quả lớn nào trong thời gian tới, các phe phái trong chính quyền sẽ bắt đầu chuẩn bị mạnh mẽ và công khai hơn cho một kỷ nguyên hậu Putin.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây do trung tâm Pew Research tiến hành tại 25 quốc gia cho thấy số người có cái nhìn tiêu cực đối với nước Nga và Tổng thống Putin trên thế giới khá nhiều. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của nước Nga trên trường quốc tế được cho là đang gia tăng. Điều này cho thấy dù nước Nga phải đối mặt với nhiều “thế cờ” khó - trong đó có các trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ, sự cô lập về địa chính trị và cả những tiếng xấu, dựng chuyện bất ngờ đổ vào đầu – nhưng ông Putin vẫn tìm ra cách thức để gia tăng sức mạnh của Moscow trên toàn cầu. Tại các khu vực quan trọng như Trung Đông, Moscow đang tạo ra một tầm ảnh hưởng lớn chưa từng thấy kể từ thời Liên Xô, và ngày càng thách thức các lợi ích của Mỹ.

Tại 25 quốc gia được thăm dò, 26% bày tỏ tin tưởng vào ông Putin, trong khi 63% nói điều ngược lại. Trrung bình 34% có cái nhìn thiện cảm với Nga.

Tuy nhiên, dù quan điểm tiêu cực về nước Nga gia tăng nhưng đánh giá về tầm ảnh hưởng của Nga cũng tăng. Cuộc thăm dò trên cho thấy trung bình 42% các nước nghĩ rằng vai trò của Moscow trên thế giới đã quan trọng hơn cách đây 10 năm, trong khi 19% nghĩ là ít quan trọng hơn và 28% cho là vẫn như vậy. Đối với Mỹ, trung bình 31% nghĩ rằng Mỹ đã đóng vai trò quan trọng hơn cách đây 10 năm, trong khi 70% thấy rằng Trung Quốc quan trọng hơn.

Nước Nga không phải là siêu cường như Mỹ hay Trung Quốc. Dù đất đai rộng lớn và dân số đông, nhưng GDP của Nga chỉ đạt 1.500 tỷ USD, gần tương đương Hàn Quốc và Canada. Nhưng Nga đã thúc đẩy các động thái chính sách đối ngoại với chi phí cao như can thiệp quân sự tại Syria nhằm tạo ra một vùng ảnh hưởng rộng hơn trong các vấn đề toàn cầu. Bởi vậy, trong nước Nga, ông Putin vẫn là hình ảnh được người dân ngưỡng mộ.

Đáng chú ý là hầu hết các vấn đề của ông Putin dường như là về đối nội, trong khi chính sách đối ngoại giúp tăng uy tín của ông. Theo cuộc thăm dò trên, 72% người Nga tin rằng đất nước họ đang có vai trò quan trọng trên trường quốc tế hơn cách đây một thập kỷ.

Diệu An

Đòn trừng phạt ư? Ông Putin tận dụng chúng để Nga mạnh hơn

Đòn trừng phạt ư? Ông Putin tận dụng chúng để Nga mạnh hơn

Washington nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt sẽ thay đổi các tính toán của Moscow, nhưng nền kinh tế Nga vẫn vận hành tốt.    

Liên minh Nga-Trung: Nắm tay nhau khuynh đảo thế giới

Liên minh Nga-Trung: Nắm tay nhau khuynh đảo thế giới

Các cuộc tập trận Nga – Trung quy mô lớn vừa qua là thông điệp: nếu tiếp tục gây sức ép với chúng tôi bằng trừng phạt, thuế quan và triển khai quân sự, chúng tôi sẽ nắm tay nhau và tiến lên phía trước.

Liên minh Nga-Trung có thể đảo lộn chiến lược quân sự Mỹ

Liên minh Nga-Trung có thể đảo lộn chiến lược quân sự Mỹ

Lần đầu tiên trong lịch sử, 3.200 binh sĩ Trung Quốc tham gia diễn tập bên cạnh khoảng 300.000 binh sĩ Nga ở miền Đông Siberia.

Ông Trump liên tiếp đánh phủ đầu ông Tập, rồi sẽ thế nào?

Ông Trump liên tiếp đánh phủ đầu ông Tập, rồi sẽ thế nào?

Trong bối cảnh Trung Quốc bị đánh theo kiểu ‘hội đồng’ như hiện nay thì việc chấp nhận có giới hạn những yêu cầu của đối phương là điều có thể diễn ra, nếu như muốn tồn tại.   

Sau bầu cử giữa kỳ, nước Mỹ dưới thời Trump vẫn khó lường

Sau bầu cử giữa kỳ, nước Mỹ dưới thời Trump vẫn khó lường

Với thắng lợi tại Hạ viện, liệu đảng Dân chủ có cứu vãn di sản của Chính quyền Obama và thúc đẩy các ưu tiên truyền thống hay không?

Chính sách quốc phòng của Mỹ ngày càng rối

Chính sách quốc phòng của Mỹ ngày càng rối

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã bất ngờ tuyên bố từ chức, làm chao đảo hệ thống chính trị Mỹ, các đồng minh của Mỹ và Phố Wall.