Lòng người muốn bình an, nhưng đầu năm vẫn chen chúc đi tìm xô bồ dù là nơi cửa Phật.

Ở trung tâm thành phố Yangon, Myanmar có ngôi chùa Shwedagon hay còn gọi là Chùa Vàng, tương truyền đã tồn tại hơn 2.600 năm, nơi lưu giữ tám sợi tóc của đức Phật với rất nhiều giai thoại linh thiêng.

Tôi đến thăm chùa Vàng khi đất nước Myanmar vừa bước ra khỏi một cuộc trường chinh cho tiến trình dân chủ. Ở cổng chợ Bogyoke người ta vẫn bán những chiếc túi dết in hình Aung San Suu kyi, người nông dân ở cố đô Bagan vẫn có thu nhập 2.000 Kyats (hơn ba chục ngàn đồng) mỗi ngày công lao động.

Ở Chùa Vàng, từ sáng tinh mơ cho tới tối mịt mờ, lúc nào bạn cũng có thể bắt gặp những phật tử chắp tay khấn niệm. Ở một chốn linh thiêng bậc nhất thế giới ấy, tuyệt nhiên không có cảnh phát lộc hay bày biện đủ thứ đồ lễ để kêu cầu. Những người đi lễ mang theo những cành hoa, lá, hoặc là những bông hoa giấy, hoặc chỉ đến tay không.

{keywords}

Dù đã thắt chặt an toàn, người dân vẫn ra sức tranh cướp hoa tre trong hội đền Gióng để cầu may đầu năm. Ảnh: Trần Thường

Ở Việt Nam, nhất là miền Bắc những ngày sau Tết, cứ là đến hẹn lại lên, khắp nơi ta thán về chuyện đầu năm dân chúng đổ xô đi “hối lộ” thánh thần để xin lộc đầu năm. Đa lễ bất kính. Cổ nhân đã dạy. Tức là vái lắm cũng thành ra thất lễ. Vậy mà người ta đua nhau dâng bánh chưng to, dâng bánh dày lớn, bày biện mâm cao, mã nặng để cố cầu cho được tài lộc, công danh.

Năm nay nhiều vị tăng sĩ có uy tín còn phải đứng ra giải thích cho dân chúng về biết bao việc làm sai của những người đầu năm cầu đảo, giải hạn, dâng sao.

Dân chúng không tự nhiên trở nên sùng tín một cách thái quá như vậy. Mọi việc đều có căn nguyên của nó. Lỗi trước hết thuộc về chính những vị nào mang danh tu hành nhưng lại đắm đuối trong lợi lộc, hư danh.

Khoảng mười lăm năm trở lại đây, những ngôi đền, chùa, phủ, miếu vốn bị đập phá trong cơn phản phong quá khích bắt đầu được phục dựng lại. Những công trình mang chiều sâu văn hóa, dẫu có bị tàn phá bởi con người, hay thiên nhiên, rồi cũng được xây lại là lẽ đương nhiên.

Nhưng không chỉ dừng ở đó, từ việc những vị cao niên uy tín trong làng đi khắp trong nam ngoài bắc để động viên con em dòng tộc tiến cúng phục dựng đã lan thành một phong trào khắp nơi tiến cúng để những ngôi chùa ngày một hoành tráng ra. Để có thêm những công trình sau to hơn công trình trước, những màu áo dị đoan được khoác lên cửa Phật. Người ta rỉ tai nhau, đền này là ông quan kia tiến cúng, phủ nọ có vợ ông nào đó rất to tài trợ tiền.

Các công trình tôn giáo được xây dựng từ tiền công đức của những người giàu có và quyền lực không có gì là lạ. Lạ, là ở một số nơi, đi kèm với đó là màu sắc dị đoan. Ở một số nơi, sự lẫn lộn trong hành lễ cùng với việc lòng tin bị dồn nén đã tạo ra một diện mạo cúng bái cầu đảo không đúng với nghi thức nhà phật.

Lại Trọng Tình