Thế nhưng, cho đến hai tháng sau đó, Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump vẫn không thừa nhận thất bại. 

Kể từ cuộc bầu cử tổng thống 2 tháng trước, ông Trump và các đồng minh trong đảng Cộng hòa đã tiến hành 63 vụ kiện nhằm chống lại kết quả bầu cử. Tuy nhiên, tất cả đơn kiện đều bị bác bỏ. Tòa án Tối cao - nơi có 6 thẩm phán là người của đảng Cộng hoà - cũng ra phán quyết tương tự.

{keywords}
Cảnh bạo lực tại trụ sở Quốc hội Mỹ làm thế giới bị sốc. Ảnh: AP

Ngày đặc biệt trong lịch sử chính trị Mỹ

Ngày 6/1 là một ngày đặc biệt. Thứ nhất, đảng Dân chủ đã giành được quyền kiểm soát Thượng viện sau khi giành được 2 ghế trong 2 cuộc bầu cử bổ sung ở bang Georgia. Như vậy, cả Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện đều nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử năm 2008.

Diễn biến này được cho là sẽ giúp chính phủ Mỹ dưới thời ông Biden thúc đẩy hiệu quả hơn các chương trình nghị sự của mình. Tuy nhiên, một thế đa số hẹp của đảng Dân chủ tại Quốc hội chưa hẳn đã giúp Biden “xuôi chèo mát mái” trong tất cả chương trình mở rộng của ông, nhất là vấn đề chăm sóc y tế và biến đổi khí hậu. 

Tại cuộc bầu cử Thượng viện ở Georgia, hai ứng cử viên Dân chủ là linh mục Raphael Warnock và đạo diễn phim tài liệu 33 tuổi Jon Ossoff đã lần lượt đánh bại hai thượng nghị sĩ đương nhiệm đảng Cộng hòa là Kelly Loeffler và David Perdue.

Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ bỏ phiếu quyết định thế đa số, giúp đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện lần đầu tiên kể từ năm 2014. Thượng nghị sĩ Dân chủ bang New York Charles Schumer dự kiến sẽ trở thành lãnh đạo đa số tại Thượng viện tiếp theo, thay vị trí lãnh đạo đa số Thượng viện hiện tại của thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Kentucky Mitch McConnell.

Với việc đảng Dân chủ hiện nắm quyền kiểm soát hẹp với lưỡng viện, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Schumer, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cùng Biden sẽ có thể dễ dàng triển khai các chính sách của chính quyền, như việc bổ nhiệm các vị trí thẩm phán theo đường lối tự do sẽ được thúc đẩy một cách thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, với thế đa số hẹp khi tỷ lệ số ghế giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện hiện là 50-50, ông Biden vẫn cần phải thỏa hiệp với đảng Cộng hòa để có thể thúc đẩy các chính sách của mình.

Thứ hai, ngày 6/1 vừa qua cũng đánh dấu điều đặc biệt trong lịch sử chính trị Mỹ khi đám đông ủng hộ ông Trump đã xông vào tòa nhà Quốc hội trong một nỗ lực để ngăn cản ông Biden được xác nhận giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Các chính trị gia và dư luận đã lên án cuộc bạo loạn. Quốc hội Mỹ chính thức xác nhận chiến thắng của ông Biden sau đó. Phó Tổng thống Mike Pence, cũng là Chủ tịch Thượng viện, đã tuyên bố ông Joe Biden và bà Kamala Harris là Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ, hai người này sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 tới đây.

{keywords}
Vệ binh quốc gia triển khai tại Washington DC, Mỹ. Ảnh: AP

Chia rẽ sâu sắc

Theo nhiều nhà quan sát, lẽ ra ông Trump có thể ra đi trong danh dự với tư cách “Tổng thống của nhân dân”, với bảng thành tích tuy gây tranh cãi nhưng rất đáng kể. Tuy nhiên, với sự kiện ngày 6/1, tương lai chính trị của ông Trump đã trở nên “xám xịt”.

Trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống thứ 45, có lẽ hình ảnh ngày 6/1 sẽ đọng lại rõ hơn cả những thành tích kinh tế trong 3 năm trước khi dịch Covid-19 gây ra bùng phát ở Mỹ.

Tổng thống Trump có quyền đòi kiểm lại phiếu trước kết quả sát nút và kiện ra tòa. Nhưng khi gây áp lực lên các dân biểu, thượng nghị sĩ trong đảng và thúc đẩy người ủng hộ tiến về Washington, ông đã đi quá xa.

Một số chính khách Mỹ cũng lên án sự hỗn loạn ở Đồi Capitol là một cuộc tấn công vào nền dân chủ Mỹ, như thể nền dân chủ của nước này vẫn còn nguyên vẹn và các cuộc tấn công chủ yếu đến từ bên ngoài. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đây là tín hiệu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc bên trong của hệ thống chính trị Mỹ, và đây mới là mấu chốt của vấn đề.

Phó Tổng thống Mike Pence và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã đổi phe vào phút chót và chấp nhận tính hợp pháp dân chủ của việc thay đổi quyền lực. Bây giờ họ phải sử dụng tất cả quyền hạn của mình để duy trì trật tự công cộng và khôi phục niềm tin vào nhà nước trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Trump. Nếu không, tín hiệu từ Washington có thể lan truyền khắp đất nước và thực sự gây ra tình trạng giống như nội chiến.

Mỹ đã là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ khi nói đến nền dân chủ và sự thay đổi quyền lực có trật tự nhưng những gì xảy ra cho thấy, hệ thống của Mỹ cũng rất mong manh.

Nhiều nhà lãnh đạo của các nước châu Âu thể hiện lập trường rõ ràng rằng Tổng thống Trump và nhiều thành viên Quốc hội Mỹ phải chịu trách nhiệm đáng kể cho những gì vừa xảy ra. Mọi người đều bày tỏ “bị sốc trước cảnh tượng ở Washington” và nhấn mạnh đây là một cuộc tấn công “không thể chấp nhận được đối với nền dân chủ”, và “bạo lực không phải là một giải pháp”.

{keywords}
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump. Ảnh: NYPost

Nhiệm vụ khó khăn

Ông Trump đang đứng trước khả năng bị phế truất khỏi chức vụ Tổng thống mà ông đang chỉ còn giữ hơn 10 ngày tới nữa. 

Có hai khả năng có thể được sử dụng để phế truất ông Trump (nếu không chuyển giao quyền lực đúng quy trình):

Một là luận tội trước Quốc hội. Ông Trump đã phải đối mặt với một tiến trình như vậy hồi đầu tháng 12/2019, khi đảng Dân chủ tại Hạ viện chính thức cáo buộc ông lạm dụng quyền lực và cản trở cuộc điều tra của họ về vụ Ukraine. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa đã ngăn chặn việc luận tội Tổng thống tại Thượng viện vào tháng 2/2020.

Trên thực tế, một cuộc luận tội có thể xảy ra một lần nữa, nếu được đa số trong 435 ghế tại Hạ viện ủng hộ. Tại Thượng viện, 2/3 số nghị sĩ sau đó sẽ phải bỏ phiếu cho cuộc luận tội. Theo chuyên gia hiến pháp Frank Bowman của Đại học Missouri, ông Trump hiện có thể bị cáo buộc cố gắng lật đổ chính phủ, hoặc một cáo buộc chung chung hơn như thiếu trung thành với Hiến pháp hoặc vi phạm lời tuyên thệ nhậm chức. Về lý thuyết, toàn bộ quá trình có thể hoàn thành trong 1 ngày.

Thứ hai là căn cứ theo Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ. Cơ chế này được chính thức phê chuẩn hồi năm 1967 sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy. Nó được áp dụng cho các tình huống mà Tổng thống không còn đủ năng lực lãnh đạo do bệnh tật. Tuy nhiên, chuyên gia Bowman cho rằng việc áp dụng tu chính án này với trường hợp của Trump là điều khó có thể thực hiện.

Chính quyền của ông Biden có một nhiệm vụ trọng đại phía trước - vực lại sự đoàn kết của tất cả người dân Mỹ. Đây có thể là một trong những công việc khó nhất song cũng là cần thiết nhất mà một tổng thống Mỹ phải thực hiện. Chúng ta cùng hy vọng cho điều đó thành công. Và nước Mỹ sẽ hùng mạnh trở lại.

Việt Hoàng

Nước Mỹ 2020: Bức tranh thiếu điểm sáng

Nước Mỹ 2020: Bức tranh thiếu điểm sáng

Chính trị nội bộ trong cuộc bầu cử tổng thống, đại dịch Covid-19, nền kinh tế đóng cửa, biểu tình và bạo loạn sắc tộc... Tất cả khiến 2020 trở thành một trong những năm tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ.