"Tại một cuộc họp ở VCCI, tôi vô tình nói chuyện với một nhóm 20 người ăn mặc trông như nông dân, móng tay vàng khè, quần áo kiểu lao động, nét mặt chất phác. Những người đó về Hà Nội để bày tỏ rằng, nếu những điều kiện kinh doanh gas áp dụng như mỗi doanh nghiệp phân phối phải có đủ 100.000 bình gas 12kg, có đủ diện tích kho để lưu trữ thì họ sẽ phải phá sản"- Nhà báo Hoàng Tư Giang kể. 

LTS: Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng văn bản pháp luật ngày 23/6, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo kiên quyết loại bỏ 3.500 giấy phép con đang gây phiền nhiễu cho Doanh nghiệp.

Nhìn vào thực tế 50 Nghị định về điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ ban hành từ 1/7/2016 vẫn còn vô vàn những "giấy phép con" đang cài cắm trong văn bản Luật. Đây cũng chính là mối quan tâm bàn thảo tại bàn tròn trực tuyến tháng 7 của Tuần Việt Nam.

Mời bạn đọc theo dõi phần I tại  hai clip dưới đây:

Clip 1:

Nhà báo Phạm Huyền: Điều kiện kinh doanh không phù hợp, hay còn gọi là "Giấy phép con" đã và đang trở thành nỗi ám ảnh lớn của doanh nghiệp. Bởi vì nó, doanh nghiệp có thể bị phá sản hoặc sẽ phải giã từ giấc mơ khởi nghiệp.

Năm 2014, Luật Đầu tư sửa đổi được Quốc hội thông qua đã "chuẩn hoá" lại thẩm quyền ban hành các điều kiện kinh doanh đã dấy lên kỳ vọng, hàng ngàn "giấy phép con" trá hình sẽ bị vô hiệu kể từ 1/7/2016. Thế nhưng, chỉ trong 1 tháng qua, một cuộc chay đua cấp tập nâng cấp các Thông tư lên thành Nghị định nhằm hợp pháp hoá giấy phép con của các Bộ ngành đã diễn ra khiến DN mừng hụt.

Và cuộc chiến với hơn 3.000 điều kiện kinh doanh đang được ban hành trái thẩm quyền có lẽ còn kéo dài.

Tham dự bàn tròn Giấy phép con: Cuộc chiến bao giờ có hồi kết có ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chuyên gia về đánh giá tác động của văn bản pháp luật, ông Lê Duy Bình và nhà báo Hoàng Tư Giang, hiện đang công tác tại Thời báo kinh tế Sài gòn.

Xin cảm ơn các ông đã nhận lời tham gia chương trình!

Thưa quý vị và các bạn!

Chúng tôi muốn bắt đầu câu chuyện này từ những diễn biến trên "nghị trường", vâng, đó là cuộc họp tuần trước, ngày 23/6 của Chính phủ về rà soát các điều kiện kinh doanh. Thưa ông Đậu Anh Tuấn, là thành viên tham gia cuộc họp này, ông có thể chia sẻ một chút về không khí của cuộc họp ngày hôm đó?

Ông Đậu Anh Tuấn: Vâng, trước khi nói về không khí cuộc họp đó của Chính phủ, tôi xin nói về tổng quan của tiến trình xây dựng các Nghị định liên quan điều kiện kinh doanh.

Thực hiện Luật Đầu tư sửa đổi 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015, theo đó, từ ngày 1/7/2016, tất cả các điều kiện kinh doanh đang quy định ở cấp Thông tư không còn hiệu lực. Như vậy, hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang nằm ở cấp Thông tư, nếu sau thời điểm 1/7/2016 không được nâng cấp lên Nghị định thì sẽ hết hiệu lực. Chính vì vậy, Chính phủ phải ban hành hàng loạt các Nghị định, hay còn gọi là các "siêu" Nghị định  (49 Nghị định) để hiện thực hoá các điều kiện kinh doanh này.

Giá như, quá trình này được khởi động sớm hơn khi Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực (1/7/2015) thì mọi chuyện có thể đã khác. Việc này vốn có hẳn 1 năm, đủ thời gian để thảo luận, cân nhắc, rà soát thì sẽ tốt hơn. Nhưng phải đến tháng 4/2016, cách đây 2 tháng, các bộ ngành mới khởi động sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiên quyết không chấp nhận rời bỏ thời điểm 1/7/2016.

Chính thế, quá trình soạn thảo các Nghị định về điều kiện kinh doanh được thực hiện rất gấp rút. Hầu hết, tất cả các Nghị định được ban hành đều được thực hiện theo quy trình rút gọn. Đó là quy trình không nhất thiết phải tham vấn các doanh nghiệp... là các đối tượng chịu sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật, không nhất thiết lấy ý kiến rộng rãi. Rõ ràng, các Nghị định này rất quan trọng mà lại được soạn thảo, ban hành theo quy trình rút gọn như vậy thì sẽ rất bất cập.

Thủ tướng đã chỉ đạo sau khi có kết quả thẩm định từ Bộ Tư pháp rồi, các bộ ngành phải ngồi lại cùng với VCCI là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, CIEM (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) là tổ chức nghiên cứu độc lập để nghe phản biện kỹ về các điều khoản trong các Nghị định này.

Tuần trước, đã dành ra 2 ngày rưỡi cho những cuộc họp về vấn đề này. Tôi thấy, đúng là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp ở Việt Nam có một cuộc họp như vậy.

VCCI đã chuẩn bị một bản kiến nghị dài 225 trang với hơn 300 kiến nghị chi tiết về điều kiện kinh doanh. Trong đó, chúng tôi kiến nghị bỏ hơn 75 điều kiện kinh doanh không phù hợp và sửa đổi hàng trăm điều kiện kinh doanh khác. Các bộ ngành đã thảo luận, giải trình trên cơ sở các kiến nghị này, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch - đầu tư.

Không khí tại cuộc họp thẳng thắn, tinh thần xây dựng. Tất nhiên, cũng có rất nhiều kiến nghị của VCCI đã không được các Bộ ngành đồng ý, nhưng đã có sự thảo luận vì mục đích chung, các Nghị định làm sao chất lượng hơn. Điều này đúng với tinh thần mà Thủ tướng đã chỉ đạo, không vì thời gian ngắn gọn, gấp gáp mà hi sinh đến chất lượng các Nghị định.

Cách đây 10 ngày, tôi rất lo lắng về chất lượng các Nghị định này, nhưng hiện tại, từ phía VCCI, chúng tôi đã yên tâm phần nào. Thoả mãn hoàn toàn thì chưa, nhưng yên tâm phần nào vì có sự cọ sát với các tổ chức bên ngoài trong quá trình soạn thảo các Nghị định này.

{keywords}
Nhà báo Hoàng Tư Giang.

Nhà báo Phạm Huyền: Như ông Đậu Anh Tuấn nói, đây là một quy trình rút gọn nhưng điều kiện kinh doanh là vấn đề ảnh hưởng tới sự sống còn của doanh nghiệp. Xin hỏi ông Lê Duy Bình, ông nghĩ sao về việc các văn bản quy phạm pháp luật ảnh hưởng mạnh đến đời sống doanh nghiệp như vậy lại được thực hiện theo quy trình rút gọn, trong đó, tiếng nói của DN không có cơ hội được tiếp thu đầy đủ?

Ông Lê Duy Bình: Tôi nghĩ là, việc thực hiện theo quy trình rút gọn là thực hiện ước muốn của Chính phủ cải cách tổng thể toàn diện hệ thống pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Ở nhiều nước, cũng đã có hình thức cải cách toàn diện như vậy, thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ. Thông thường, khi làm cải cách toàn diện thì vẫn phải có sự hi sinh  nhất định các vấn đề khác.

Quy trình rút gọn thực hiện nhằm đảm bảo tốc độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu có thể đạt được là về số lượng các Nghị định được ban hành. Anh Tuấn có nói rằng, có thể yên tâm phần nào về chất lượng các Nghị định. Nhưng theo quan điểm của tôi, chưa chắc chúng ta đã có thể hoàn toàn yên tâm được.

Khi thực hiện một quá trình nhanh như vậy, chúng ta đã bỏ qua một loạt những yêu cầu, những bước bắt buộc và cần thiết trong xây dựng pháp luật, nhất là trong bối cảnh chúng ta cũng đang xây dựng những quy định cụ thể về quy trình đánh giá tác động, quy trình ban hành văn bản pháp luật để các văn bản tốt hơn.

Ta bỏ qua quá trình tham vấn ý kiến rộng rãi, chi tiết, bỏ qua các dự báo về tác động của chính sách pháp luật thì chúng tôi quan ngại rằng, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách pháp luật này.

Hiện tại, những cơ quan, chuyên gia, hiệp hội bên ngoài rất khó nắm được thông tin những Nghị định nào đang được soạn thảo và sẽ quy định những điều kiện kinh doanh nào. Do vậy, rất khó để chúng tôi đánh giá chất lượng các Nghị định đến đâu khi nó chỉ được tham vấn ý kiến ở diện hẹp.

Tôi cho rằng, những đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp từ các văn bản này thì cần được tham vấn rộng rãi hơn.  Nếu chúng ta đưa ra các chỉ số một cách rõ ràng, có định lượng, đâu là lợi ích với nhóm đối tượng này, đâu là chi phí cho nhóm đối tượng kia thì tôi tin chắc rằng, những tranh cãi về việc nên có điều kiện kinh doanh này, không nên có những "giấy phép" kinh doanh kia sẽ giảm đi rất nhiều. Như vậy, Chính phủ sẽ tạo sự đồng thuận lợi hơn khi ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh.

Clip 2:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Hoàng Tư Giang, vừa rồi, ông cũng đã thực hiện một loạt bài dài kỳ về câu chuyện "giấy phép con", ông đã ghi nhận thế nào về tâm tư của doanh nghiệp khi các Thông tư liên quan điều kiện kinh doanh lại được nâng cấp lên thành Nghị định như vậy?

Ông Hoàng Tư Giang: Đầu tiên, phải thấy rằng, cuộc họp hôm 23/6 của Chính phủ chỉ là một trong những hành động cụ thể trong việc chỉ đạo rà soát về điều kiện kinh doanh mà thôi. Tôi cũng rất ngỡ ngàng đây là một cuộc họp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử lập pháp ở Việt Nam.

Vai trò của doanh nghiệp và các nhà khoa học bình đẳng như các bộ. Đây là điều chưa từng có. Tôi nghĩ rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã rất kiên quyết thay đổi, đó thực sự là một tín hiệu tiến bộ trong công tác làm luật ở Việt Nam.

Điều thứ hai, phải nói rằng, như mọi người đã biết, sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2000 ban hành, chúng ta đã cắt giảm được một loạt các điều kiện kinh doanh rồi. Nhưng bây giờ, lại có sự nở rộ chưa từng thấy các điều kiện kinh doanh. Nó đã làm băng hoại môi trường kinh doanh ở ngưỡng không thể chấp nhận được.

Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã phải sang Singapore để khởi nghiệp. Những công ty "start up" ở Việt Nam phần lớn ở lĩnh vực công nghệ thông tin phần lớn muốn ra nước ngoài, kể cả những doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo cũng muốn ra nước ngoài để thành lập. Bởi vì những điều kiện kinh doanh ở Việt Nam đã không cho phép người ta làm mở được doanh nghiệp như vậy. Chúng tôi cũng từng phản ánh câu chuyện này rất nhiều.

Trong bối cảnh đó, những nỗ lực như của anh Đậu Anh Tuấn, của VCCI vừa qua, tôi đánh giá rất cao. Các anh ấy đã làm ngày, làm đêm, thậm chí có người còn phát ốm khi làm công tác rà soát pháp luật, để đưa ra hàng trăm kiến nghị cắt bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh.

Tôi có thể chia sẻ cùng các bạn về cảnh doanh nghiệp Việt Nam đã khốn khổ như thế nào vì điều kiện kinh doanh không phù hợp.

Tại một cuộc họp ở VCCI ngày 14/6/2016, tôi vô tình được ngồi nói chuyện với một nhóm 20 người, là chủ các doanh nghiệp kinh doanh gas ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Lúc đó, tôi không thể tưởng tượng được, họ là doanh nghiệp. Họ ăn mặc trông như nông dân, móng tay vàng khè, quần áo kiểu lao động, nét mặt chất phác. Những người đó về Hà Nội để bày tỏ rằng, nếu những điều kiện kinh doanh gas áp dụng như mỗi doanh nghiệp phân phối phải có đủ 100.000 bình gas 12kg, có đủ diện tích kho để lưu trữ thì họ sẽ phải phá sản.

Có chị chủ doanh nghiệp kể, cách đây 4-5 năm, người ta định giá công ty chị khoảng 14-15 tỷ đồng. Nhưng sau khi có điều kiện kinh doanh này, chính những đại gia muốn thâu tóm doanh nghiệp gas nhỏ đã quay trở lại, trả chị với giá 5 tỷ đồng thôi. Họ rất lo lắng về nguy cơ phải đóng cửa.

Trên thực tế, người ta phản ánh với tôi khi người ta hỏi Bộ Công Thương rằng, tại sao lại ban hành điều kiện đó, chúng tôi không đáp ứng được, Bộ trả lời, nếu các anh các chị không đáp ứng được thì các anh các chị phải sát nhập. Tôi nghĩ rằng, câu trả lời như vậy không thể chấp nhận được, nhất là trong bối cảnh hạn chế quyền kinh doanh của người dân.

Một Chính phủ kiến tạo như Thủ tướng nói thì không thể hạn chế quyền kinh doanh của người dân bởi những giấy phép con như vậy được.

Câu chuyện giấy phép con là câu chuyện rất đáng suy ngẫm.

{keywords}
"Giấy phép con" đã và đang trở thành nỗi ám ảnh lớn của doanh nghiệp. Bởi vì nó, doanh nghiệp có thể bị phá sản hoặc sẽ phải giã từ giấc mơ khởi nghiệp.

Nhà báo Phạm Huyền: Tôi rất chia sẻ với câu chuyện của ông Hoàng Tư Giang. Tôi cũng đã trực tiếp nghe những tâm tư này từ các doanh nghiệp gas nhỏ ở tỉnh miền núi như Hà Giang... Họ thực sự băn khoăn rằng, với ngành kinh doanh có điều kiện như gas thì chỉ nên quan tâm về điều kiện an toàn, phòng cháy chữa cháy là chính chứ không nên không chế quá mức về quy mô doanh nghiệp như vậy (dù vì lý do an ninh năng lượng). 

Rõ ràng, sau khi Nghị định 19 của Chính phủ về kinh doanh gas ra đời thì có thể thấy một tương lai rằng, các doanh nghiệp nhỏ muốn tốn tại sẽ phải "chạy" thủ tục, chạy theo cơ chế xin-cho, phải lobby để có những loại giấy chứng nhận nào đó, còn những doanh nghiệp lớn nghiễm nhiên được lợi hơn rất nhiều.

Ở đây, tôi nhìn thấy có sự không tương đồng về nhận thức giữa cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về cái gọi là điều kiện kinh doanh. Như thế nào là điều kiện kinh doanh phù hợp và không phù hợp? Về điều này, xin ông Đậu Anh Tuấn có thể giải thích, như thế nào là điều kiện kinh doanh phù hợp trong không gian kinh tế ngày nay?

Ông Đậu Anh Tuấn: Trước hết, điều kiện kinh doanh là những giới hạn về quyền kinh doanh. Những người làm kinh doanh phải đáp ứng một số điều kiện mới được gia nhập thị trường. Việc này nhằm đảm bảo mục tiêu như an ninh quốc phòng, về các lợi ích chung của cộng đồng... đã được quy định rõ ở Luật Đầu tư. Quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm là quyền quan trọng cũng đã được Hiến pháp bảo đảm.

Chính vì vậy, Luật Đầu tư đã quy định các bộ ngành, địa phương (cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật ở cấp Thông tư trở xuống- PV) không được phép quy định các điều kiện kinh doanh mà phải là từ cấp Nghị định trở lên. Như vậy, việc ban hành các rào cản này sẽ được thực hiện minh bạch hơn, quy củ hơn, có sự cân nhắc chung của Chính phủ.

Tuy vậy, vẫn có tình trạng lạm dụng đặt ra các điều kiện kinh doanh. Mục tiêu từ phía cơ quan quản lý Nhà nước thường nêu là bảo vệ lợi ích chung. Nhưng ví dụ như câu chuyện Nghị định 19 về kinh doanh gas như bạn và anh Hoàng Tư Giang vừa kể, liệu lợi ích chung có đạt được không? Các điều kiện ở đây đã trao thị trường gas cho một vài doanh nghiệp lớn thôi, gây ra nguy cơ các doanh nghiệp bé đi đến con đường phá sản.

Khi các điều kiện kinh doanh tạo ra sự độc quyền cho các doanh nghiệp lớn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng. Khi các doanh nghiệp lớn không chịu áp lực cạnh tranh, người ta sẽ không cải thiện chất lượng và giá cả, không có động lực để giảm giá thành. Tưởng như bảo vệ cho người tiêu dùng nhưng thực ra lại tạo ra tác động tiêu cực cho người tiêu dùng.

Và đặc biệt, việc khống chế bằng các điều kiện kinh doanh không chỉ ở Nghị định 19 mà ở nhiều quy định khác chúng tôi ra soát đã tìm ra. Chẳng hạn, muốn kiểm toán một số ngành hàng thì trong năm gần nhất, anh phải kiểm toán được 100 bộ hồ sơ. Như vậy, chỉ những công ty kiểm toán lớn mới tham gia được thị trường thôi. Những tư duy đặt ra quy mô hạn chế doanh nghiệp như vậy tương đối nhiều. Hệ quả là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể chen chân vào thị trường. Điều này rất trái với tinh thần phát huy khởi nghiệp mà Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh.

Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng rằng, trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sắp tới, đang soạn thảo đặt ra quy định những điều kiện kinh doanh không được phép phân biệt về quy mô. Nếu có sự phân biệt thì chỉ làm khi có lợi cho các doanh nghiệp nhỏ thôi. Ví dụ, trong kê khai thuế, tần suất kê khai đối với doanh nghiệp lớn là theo quý thì doanh nghiệp theo nửa năm, một năm.

Nếu lấy quy mô để phân biệt trong gia nhập thị trường, trong vấn đề thương quyền trong thực hiện thủ tục hành chính theo hướng tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp thì không được phép. Đó là tinh thần thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ.

Muốn có doanh nghiệp lớn thì phải bắt đầu bằng doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ phải được bình đẳng với doanh nghiệp lớn trong cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp lớn phải có áp lực cạnh tranh. Đây là động cơ lành mạnh của thị trường. Những điều kiện kinh doanh không nên triệt tiêu những động cơ lành mạnh của thị trường.

Nhà báo Phạm Huyền: Một doanh nghiệp ô tô chia sẻ với tôi rằng, trước khi có Thông tư 20 của Bộ Công Thương quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô ra đời thì thị trường có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Nhưng sau khi Thông tư 20 ra đời, đòi hỏi phải có giấy uỷ quyền của chính hãng thì nhiều doanh nghiệp đã bế tắc và phá sản, thị trường giờ co hẹp lại chỉ còn hơn 20 doanh nghiệp.

Rõ ràng, điều kiện kinh doanh cũng là nguyên nhân làm thị trường bị co hẹp lại, trái với tinh thần khởi nghiệp. Vậy thưa ông Lê Duy Bình, trong quá trình đánh giá tác động của văn bản pháp luật, các nhà làm luật có bắt buộc phải tính toán các hệ quả như lợi cho nhóm này, hại cho nhóm kia hay không? Bởi hiện nay, các bản đánh giá tác động thường đưa ra những con số đẹp về GDP, tiết kiệm tiền bạc, tăng thu ngân sách...?

Ông Lê Duy Bình: Đúng vậy, quá trình tham vấn ý kiến trong xây dựng pháp luật là một phần bổ trợ rất tốt cho những con số đẹp, mỹ miều kia, như tăng trưởng xuất khẩu bao nhiêu..., nhưng chính quá trình này cũng lột tả được những góc tối, những màu xám của các đề xuất, giải pháp chính sách như điều kiện kinh doanh.

Nếu thiếu quá trình tham vấn đầy đủ, rộng rãi nhiều đối tượng thì sẽ có ảnh hưởng như vậy.

Bản thân tôi nghĩ, quá trình đánh giá tác động pháp luật, hiểu như hiện nay chủ yếu thiên về góc độ kinh tế, nhưng chúng ta quên mất một phần quan trọng là xem các hành động đó của Chính phủ, ví dụ như áp đặt các điều kiện kinh doanh như vậy thì có phù hợp với vai trò của Nhà nước hiện nay trong nền kinh tế thị trường hay không?

Bản chất của việc đặt ra các điều kiện kinh doanh chính là xác định xem Nhà nước sẽ quản lý đến đâu và đâu là vai trò của thị trường? Nhà nước sẽ cần làm như thế nào để không ảnh hưởng đến các nguyên tắc công bằng của thị trường, như không can thiệp vào các hoạt động bình thường của doanh nghiệp, những yếu tố cạnh tranh bình đẳng của thị trường...

Thế nhưng, nhiều bản đánh giá tác động chính sách của chúng ta thời gian qua làm chưa được đầy đủ. Nó được thực hiện bởi chính các bộ ngành ban hành các điều kiện kinh doanh đó. Do vậy, khi làm, họ chỉ chú ý yếu tố như giảm bớt chi phí quản lý của Nhà nước thì giảm bớt đầu mối phải quản lý, hay đưa ra con số tích cực hơn như tăng thu ngân sách là bao nhiêu, giảm chi phí cho Nhà nước là bao nhiêu...? Những cái đó đã làm lu mờ đi những thiệt hại đối với khu vực doanh nghiệp do chính sách.

Điều này cần phải được tính tới trong các dự báo chính sách, đánh giá tác động chính sách pháp luật. Chúng ta cần đánh giá đến sự tương thích chung với nỗ lực của Chính phủ hiện nay, của Hiến pháp hiện nay. Chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, tuân thủ những nguyên tắc cạnh tranh của thị trường, xem ảnh hưởng đến những nhóm người khác nhau, những nhóm yếu thế trong xã hội. Điều này cần phải được chú ý đến khi đặt ra các điều kiện kinh doanh.

Còn tiếp

 Phạm Huyền - nhóm PV