Vì sao trong cơn bấn loạn, kể cả khi cận kề cái chết người Nhật vẫn kiên nhẫn xếp hàng trật tự, còn trong bối cảnh thiêng liêng, tôn kính người Việt lại hành xử bất chấp mọi thứ?

“Biển” người trên núi Nghĩa Lĩnh

Hình ảnh “biển” người dồn ứ, hỗn loạn tại khu di tích đền Hùng (Phú Thọ) hôm giỗ tổ tràn ngập trên mạng xã hội. Chỉ xem clip mà đã thấy “khó thở” huống hồ trải nghiệm thật sẽ vô cùng kinh hãi. Chắc chắn chúng ta vẫn chưa quên chuyện vỡ trận tại công viên nước Hồ Tây hồi thàng 4/2015…

Chuyện đã qua, thở phào may mắn không có thiệt hại về tính mạng. Nhưng khi xem lại những bức ảnh, đọc các bài báo viết về chúng ta như vậy, liệu có ai cảm thấy hổ thẹn và liên tưởng đến hình ảnh những người Nhật xếp hàng nhận đồ cứu trợ trong trận động đất hôm 16/4 không?

Vì sao trong cơn bấn loạn, kể cả khi cận kề cái chết người Nhật vẫn kiên nhẫn xếp hàng trật tự, còn trong bối cảnh thiêng liêng, tôn kính người Việt lại hành xử bất chấp mọi thứ?

{keywords}
Biển người xông lên cúng tổ. Ảnh: VietnamNet.

Xâu chuỗi các sự kiện dồn kẹt, chen lấn đã xảy ra trong nhiều bối cảnh khác nhau, tôi thấy có mẫu số chung ở chỗ nhiều người trong chúng ta đang thiếu trầm trọng “văn hóa xếp hàng”.

Chỉ là việc giữ trật tự theo hàng người trước, kẻ sau một cách tuần tự…nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng để thực hiện, ở ta cực kỳ khó!

Bản chất việc xếp hàng không khó, một đứa trẻ cũng có thể làm được,  nhưng mấu chốt là đã lâu không ai tạo ra thói quen làm việc đó nên dần dần chúng ta “quên”!?

Lâu rồi, việc xếp hàng nơi công cộng ở Việt Nam không còn được phổ biến như một chuẩn mực văn hóa. Đã từ lâu rồi, ai cũng lo “sợ mất phần”, rồi cố kiết vun vén cho cá nhân mà quên đi ích lợi cộng đồng, quên đi nếp sống có văn hóa?

Lý giải cho sự thật đáng hổ thẹn này, có người đặt câu hỏi, phải chăng con người ngày càng mất niềm tin vào sự công bằng? Khi mà trong đầu luôn thường trực ý nghĩ “tôi không chen lên người khác sẽ chèn vào đó”, cộng với nhận thức kém cỏi về lợi ích cộng đồng đã góp phần tạo ra những sự kiện chen lấn, giằng co đáng xấu hổ như lâu nay.

Trở lại chuyện đã xảy ra ở đường lên núi Nghĩa Lĩnh. Hình ảnh lực lượng công an vội vã dựng hàng rào cố ngăn dòng người ào lên lên khiến chúng ta không khỏi kinh hãi. Rõ ràng, không có loại “hàng rào” nào, không có cơ quan công lực nào, không có văn hóa nào có thể ngăn được sự vô kỷ luật ngoài tự thân từ từng cá nhân con người.

Và giải pháp đúng nhưng chua xót

Sau sự kiện “biển” người vượt qua các hàng rào được thiết lập bởi lực lượng cảnh sát nhằm giữ trật tự trên đường lên núi Nghĩa Lĩnh, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã đưa giải pháp, đó là không nên dựng rào chắn trong một thời điểm cụ thể. Vì, xét theo tâm lý sùng bái thánh thần của người Việt hiện nay, cộng thêm việc họ đã từ lâu “quên” nếp sống theo luật pháp thì những rào chắn như vậy chỉ góp phần làm tăng thêm sự háo hức, ai cũng muốn kịp giờ thiêng lên dâng hương cúng tổ. Bởi vậy, cứ để người dân được tự do lên dâng hương, theo từng thời điểm mà họ đến.

Giải pháp của GS đúng! nhưng ngẫm thật chua xót. Hình ảnh dựng hàng rào chắn làm tăng thêm sự háo hức khiến tôi không khỏi liên tưởng đến các trận đấu Bò tót! Khi con bò bị kích thích bởi tấm vải đỏ thì thường mù quáng lao lên và rút cuộc thế nào thì ai cũng biết rồi.

Văn hóa là nền tảng cho hành trình phát triển của bất kỳ một quốc gia nào, bất kỳ một thể chế chính trị nào. Nó tạo nên cốt cách tâm hồn, tạo nên chất keo cố kết những cá nhân trong xã hội tạo nên sức mạnh của mỗi dân tộc. Có một điều rất đáng suy ngẫm, ở nhiều các quốc gia phát triển như Nhật, Hàn Quốc… họ đều có nền văn hóa đáng kính phục, con người sống tương kính lẫn nhau. Ngược lại, những nơi văn hóa bị xâm phạm thì đất nước luôn khó phát triển, chìm sâu trong thế kẹt.

Ths Trương Khắc Trà

*Cuộc đối thoại đặc biệt vụ 'vỡ trận Đền Hùng'
* Biển người hỗn loạn, kẹt cứng đường lên Đền Hùng
* Bơ phờ ở Đền Hùng: "Đừng đẩy nữa, sắp chết ngạt rồi"
* Khi cả vạn người tràn lên núi Nghĩa Lĩnh