Quyết định trên được thông qua tại Hạ viện với 232 phiếu thuận và 197 phiếu chống, trong đó 10 thành viên đảng Cộng hòa đã đứng về phía các nghị sĩ Dân chủ.

Tiếp theo, việc luận tội sẽ được chuyển lên Thượng viện Mỹ, nơi 100 thành viên sẽ một lần nữa đóng vai trò bồi thẩm đoàn do Chánh án Tòa tối cao Mỹ chủ trì.

{keywords}
Ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội tới 2 lần. Ảnh: Reuters

Điều không dễ dàng

Thứ nhất, việc Quốc hội Mỹ luận tội ông Trump trên thực tế được chia thành hai bộ phận: "Văn phòng công tố" và "Tòa án". Hạ viện thường đóng vai trò "Văn phòng công tố" và có thể đề xuất khởi tố, nhưng Thượng viện mới là "Tòa án Tối cao".

Với tương quan lực lượng ở Thượng viện hiện là 50-50, nếu không nhận được sự ủng hộ của ít nhất 17 nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa ở Thượng viện thì nghị quyết luận của Hạ viện sẽ bị phủ quyết giống cuộc luận tội tháng 2/2020. 

Liệu ông Trump có mặc nhiên bị cấm nắm chức vụ nếu ông bị phế truất? Câu trả lời là: Không. Nếu Thượng viện phế truất, các nhà lập pháp sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu riêng về việc có cấm ông nắm quyền trong tương lai hay không.

Chưa từng có tổng thống nào bị kết án tại Thượng viện và bị cách chức. Tuy nhiên, trong trường hợp tổng thống đó bị các thẩm phán liên bang luận tội và cách chức, Thượng viện sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu thứ hai sau khi kết tội để quyết định có cấm người đó lại được nắm chức vụ liên bang hay không. 

Trong cuộc bỏ phiếu thứ hai, chỉ cần có đa số thượng nghị sĩ tán thành là đủ. Cần lưu ý rằng chuyện này chưa từng xảy ra trước đây đối với một tổng thống, nên có thể sẽ có các vụ kiện tụng ra tòa án.

Thứ hai, về thời điểm luận tội, theo Hiến pháp Mỹ, có thể thực hiện ngay bây giờ hoặc kể cả sau khi Trump rời chức. Nếu ông Trump tự nguyện từ chức sớm và Pence làm Tổng thống lâm thời, thì Trump có thể được ân xá. Tuy nhiên, một phiên xét xử tại Thượng viện khó có thể xảy ra trước khi Trump rời nhiệm sở vào ngày 20/1.

Trước khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua việc luận tội, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã nhấn mạnh rằng không đủ thời gian để viện này tiến hành một phiên tòa trước ngày 20/1 - thời điểm chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng - bởi Thượng viện sẽ chỉ có thể nhóm họp lại vào ngày 19/1.

Chính vì lẽ đó, nếu hành động luận tội vì lý do thời gian mà bị hoãn lại cho đến sau khi ông Biden lên nắm quyền, khi đó ông Trump không còn nắm quyền và tâm lý của các nghị sĩ cũng đã khác, thì việc thúc đẩy luận tội sẽ mất đi ý nghĩa và động lực cần thiết.

Vượt qua luận tội

Trong lịch sử nước Mỹ, chưa một tổng thống nào bị cách chức khi đối mặt với việc luận tội, song những mối đe dọa cũng đã đủ để hạ gục người đứng đầu. Cựu Tổng thống Richard Nixon từ chức năm 1974 để tránh nguy cơ bị phế truất vì bê bối Watergate.

Ba tổng thống trước đây đều đã vượt qua các cuộc luận tội. Hạ viện chính thức luận tội Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998, nhưng cả hai sau đó đều “trắng án” ở Thượng viện.

Và tất nhiên người thứ ba là Donald Trump với phiên luận tội đầu tiên năm 2019 sau một cáo buộc ông tìm cách bới móc và gây áp lực với Ukraine để gây bất lợi cho đối thủ là ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ năm 2020 Joe Biden. Phiên tòa xét xử diễn ra tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát bắt đầu vào ngày 16/1/2020 - gần đúng 1 năm trước - và ông đã trắng án. 

Trong lần luận tội trước, ông Trump đối mặt với hai cáo buộc. Thứ nhất là lạm dụng quyền lực, với việc dùng quyền hạn để can thiệp chính phủ nước ngoài, cụ thể là Ukraine. Thứ hai là cản trở Quốc hội khi từ chối hợp tác với yêu cầu để các phụ tá điều trần trước Quốc hội và cung cấp những văn bản cần thiết.

{keywords}
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi điều hành phiên bỏ phiếu luận tội Tổng thống Donald Trump ngày 13/1 tại Washington. Ảnh: Reuters

Lần này, đảng Dân chủ chỉ ra một điều khoản luận tội duy nhất đối với ông Trump: kích động bạo loạn, sau vụ những người ủng hộ ông xông vào tòa nhà Quốc hội ngày 6/1.

Tuy nhiên, lần này, các thành viên đảng Dân chủ không chỉ luận tội ông Trump. Họ đang công kích chủ nghĩa Trump nói chung. Mục luận tội đặc biệt đề cập đến những ngày tháng mà Trump đã tấn công và phá hoại kết quả bầu cử hồi tháng 11/2020.

Một số hạ nghị sĩ Cộng hòa nói họ ủng hộ việc sử dụng Tu chính án số 25. Tu chính án này cho phép nội các và Phó tổng thống có thể loại bỏ Trump khỏi chức vụ Tổng thống khi họ nhận thấy ông không có năng lực thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, Phó tổng thống Mike Pence đã khẳng định ông phản đối việc sử dụng Tu chính án số 25.

Cũng có một số nhà lập pháp Cộng hòa thúc giục Biden ngăn chặn nỗ lực luận tội Trump của vì cho rằng việc luận tội sẽ khiến quá trình hàn gắn quốc gia sau sự kiện bạo lực tại Đồi Capitol trở nên khó khăn hơn. 

Rạn nứt và chia rẽ

Sau tất cả những phát biểu kêu gọi đoàn kết được đưa ra trong ngày 13/1, Quốc hội Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc. Giới quan sát đã ghi nhận tính chất lưỡng đảng trong quyết định phế truất tổng thống Mỹ lần này, với sự kiện có đến 10 thành viên đảng Cộng hòa đứng cùng cùng các nghị sĩ Dân chủ thông qua quyết định luận tội.

Nữ nghị sĩ Liz Cheney - một trong những nhân vật nổi bật nhất trong đảng Cộng hòa, người tán đồng việc luận tội - đã “đối chọi” với nghị sĩ Jim Jordan, một người ủng hộ mạnh mẽ tổng thống. Đó chính là 2 lãnh đạo đang nổi lên của phe ủng hộ và chống Trump trong đảng Cộng hòa.

Với những gì đã diễn ra, giới quan sát cho rằng vết rạn nứt đã hiển hiện rõ nét trong đảng Cộng hòa, được thấy ở Hạ viện, sẽ tiếp tục lộ rõ ở Thượng viện trong những ngày tới đây, với việc định chế này phải mở phiên tòa để xét xử Tổng thống Mỹ sau khi nhận được văn kiện đề nghị luận tội từ Hạ viện.

Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ gánh trách nhiệm đưa nước Mỹ trở về vị trí của một cường quốc, cả về thể chất, tâm lý và hàn gắn những rạn nứt. Sau khi lên cầm quyền, ông sẽ phải đối mặt với những thách thức như dịch bệnh, kinh tế và sắc tộc, nếu thêm cả cơn chấn động chính trị từ việc luận tội Trump, đó sẽ là một thách thức hoặc thậm chí là một cuộc khủng hoảng mới.

Ông Biden hiểu rõ điều này. Người ta không mấy lạc quan về khả năng phiên tòa luận tội người tiền nhiệm - tiến trình chắc chắn sẽ tiêu tốn thời gian của Thượng viện trong những ngày đầu tiên ông nắm quyền - sẽ giúp cải thiện tình trạng của nước Mỹ hoặc đem đến những điều tích cực.

Việt Hoàng

Nhiệm kỳ của ông Joe Biden: Một khởi đầu không thể tồi tệ hơn

Nhiệm kỳ của ông Joe Biden: Một khởi đầu không thể tồi tệ hơn

Khi bắt đầu đặt bút viết bài này mấy ngày trước, tôi dự định đề cập đến chương trình nghị sự chính sách mà Tổng thống mới đắc cử Joe Biden sẽ giải quyết trong năm đầu tiên của mình.