Cơn bão số 3 đổ vào Hà Nội càng thôi thúc giấc mơ mua ô tô của nhiều người thêm mãnh liệt. Đi ô tô sẽ tránh được mưa nắng, gió bão và khói bụi mỗi khi ra đường.

Thế nhưng, ước mơ có đủ tiền mua ô tô ở Việt Nam là điều không hề đơn giản, thậm chí quá sức nhiều gia đình cho dù họ làm lụng chăm chỉ. Giá xe hiện quá cao so với mặt bằng thu nhập của phần đông người dân.

Thời gian gần đây, báo chí bàn tán chuyện xe ô tô Ấn Độ giá rẻ vào Việt Nam. Thế nhưng, mức giá đó khi chịu các khoản thuế đã tăng lên gấp hơn 2 lần so với giá nhập tại cảng. Cụ thể, giá nhập tại cảng là 7.000 USD (140 triệu) nhưng giá bán ra tại showroom sau khi tính đủ các thuế là 18.000 USD (gần 400 triệu đồng), chưa kể sau đó người mua phải chịu thêm thuế trước bạ 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 45%, thuế nhập khẩu 50%, thuế VAT 10%... … Cộng đủ các loại thuế, phí này, giá trị chiếc xe vẫn còn xa so với khả năng chi trả của số đông người làm công ăn lương.

{keywords}
Ảnh minh họa: VietnamNet

Vậy nguyên nhân nào khiến giá xe ô tô ở Việt Nam lại cao đến vậy? Thực sự đến giờ vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục. Người ta nói phải đánh thuế cao để bảo hộ ngành ô tô trong nước. Rồi đánh thuế cao để hạn chế xe ô tô, tránh kẹt xe… Các lý do này chẳng khi nào thuyết phục được người dân.

Trong mắt nhiều người dân, ngành ô tô của Việt Nam bao năm qua vẫn còi cọc, nhỏ bé, vẫn chỉ loay hoay quanh công đoạn lắp ráp. Nếu nói đánh thuế cao để hạn chế xe nhập khẩu thì giá xe lắp ráp trong nước có rẻ không?

Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki sau những trải nghiệm thăng trầm của ngành ô tô Việt Nam đã khuyến cáo về sự cần thiết một sự nhất quán về mặt chiến lược phát triển công nghiệp ô tô giữa bộ Tài Chính và Công Thương.

Ông dẫn chứng, trên thế giới rất hiếm nước có nhiều bộ cùng quyết định số phận của ngành công nghiệp ô tô mà thường xuyên “đồng sàng dị mộng” với nhau như hai bộ này. Lý do khiến Việt Nam chưa thể có một ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa là vì trong khi một Bộ thì khuyến khích phát triển, thì một bộ khác lại luôn trong tâm thể định ra thật nhiều loại phí.

Liên quan đến ô tô nhập khẩu, Thông tư 20 của Bộ Công thương quy định về nhập khẩu ô tô vừa rồi đã được bàn thảo xôn xao. Theo thông tư này, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có thêm 2 giấy phép con là giấy ủy quyền chính hãng và giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn bảo hành bảo dưỡng. Mấu chốt nhằm siết chặt hoạt động nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, đòi hỏi các doanh nghiệp phải là nhà nhập khẩu chính hãng và bắt buộc đảm bảo các vấn đề sau bán hàng như chế độ bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) là những người phản đối mạnh nhất đối với thông tư này vì cho rằng khi thông tư này hết hiệu lực, ô tô nhập khẩu về Việt Nam sẽ không đảm bảo quyền lợi về chế độ bảo hành (3 năm hoặc 100.000 km) và người mua sẽ chịu thiệt.

Như vậy, thuế cao, phí nhiều được chỉ đích danh là những nguyên nhân đang khiến cho giấc mơ đổi xe 2 bánh sang 4 bánh của người Việt Nam chưa thực hiện được.

Xem ra lấy lý do bảo hộ cho ngành ô tô trong nước để tăng thuế, thêm phí với ô tô nhập khẩu không còn phù hợp nữa, vì hơn 10 năm qua bảo hộ hết cỡ rồi nhưng ngành công nghiệp ô tô trong nước mãi cũng có lớn lên được đâu.

Sơn Lâm