- "Tôi nhận thấy dù Thủ tướng có những nỗ lực không mệt mỏi, nhiều người chưa thực sự hành động đúng với yêu cầu của Thủ tướng"- ông Nguyễn Đình Cung.

LTS: Đâu là những không gian cải cách kinh tế trước mắt và trung hạn để giúp thúc đẩy kinh tế, hài hòa xã hội? TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ với Tuần Việt Nam trong phần cuối cuộc trò chuyện này.

Xem lại phần 1: Ông Phạm Thế Anh: "Thủ tướng đã theo đuổi tăng trưởng rất quyết liệt"

{keywords}
Các vị khách mời tham gia cuộc trò chuyện. Ảnh. Lê Anh Dũng

Để tạo động lực cải cách kinh tế, Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu đối với bộ máy trong suốt thời gian qua. Ông Nguyễn Đình Cung nhìn nhận như thế nào về những nỗ lực này?

Ông Nguyễn Đình Cung: Từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng luôn luôn chỉ đạo, tạo sức ép hành chính để buộc người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương hành động và nâng cao trách nhiệm giải trình. Đây là động thái rất cần thiết và quan trọng.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy dù Thủ tướng có những nỗ lực không mệt mỏi, nhiều người chưa thực sự hành động đúng với yêu cầu của Thủ tướng.

Ví dụ, Thủ tướng và Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu phải bỏ các điều kiện kinh doanh vì đây là rào cản gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp, thể hiện sự can thiệp hành chính của bộ máy nhà nước vào hoạt động kinh doanh.

Phải nói đây là cải cách cực kỳ đúng đắn và có tác động của Thủ tướng nhằm đảm bảo thị trường trở nên cạnh tranh hơn, thông thoáng hơn, dễ dự báo hơn.

Nhưng hơn hai năm vừa rồi mới chỉ có duy nhất một bộ là Bộ Công Thương ra được nghị định, hai bộ khác là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Giao thông Vận tải trình dự thảo nghị định lên Chính phủ. Tất cả các bộ khác còn lại chưa có.

Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành các nghị định đến 31/10 này, tức chỉ còn vài tháng nữa. Tôi theo dõi sát quá trình này thì thấy, một số bộ trưởng còn chần chừ. Họ chưa thực sự vào cuộc, chưa nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của cải cách.

Tôi cho rằng, những người đứng đầu cần có ý thức trách nhiệm cao hơn đối với sự phát triển, đồng hành nhiều hơn với Thủ tướng trong cải cách và thúc đẩy phát triển.

Ông có gợi ý giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên? Làm sao để những người đứng đầu nhập cuộc với cải cách này của Chính phủ?

Ông Nguyễn Đình Cung: Báo chí, truyền thông và đặc biệt là doanh nghiệp phải vào cuộc nhiều hơn, bên cạnh sức ép hành chính của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần có đánh giá, nhận xét chất lượng công việc, điều hành của họ. Phải có sức ép mạnh mẽ từ Chính phủ xuống, từ doanh nghiệp và người dân lên thì mới có hy vọng thay đổi.

Tôi thấy, tháng nào cũng nhắc, cuộc họp nào cũng nhắc, nhiệm kỳ nào cũng nhắc là phải sửa văn bản này, phải sửa văn bản kia mà không chuyển. Có những việc nhắc đến ba lần trong văn bản và nghị quyết là phải sửa đi, nhưng có bộ không sửa, họ cứ đứng im, mà những điểm phải sửa đấy lại là những điểm gây tắc nghẽn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đây là điều làm tôi phân vân, suy nghĩ. Phải tạo động lực nội sinh bên trong, trong thể chế để buộc mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải thay đổi.

{keywords}
Ông Phạm Thế Anh. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Vậy ông Thế Anh nhìn nhận như thế nào về những giải pháp để giữ ổn định vĩ mô mà vẫn tạo động lực cho tăng trưởng?

Ông Phạm Thế Anh: Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô thì mới có nền tảng để cải cách và tăng trưởng.

Do vậy, ngoài những điều anh Cung nói, tôi bổ sung thêm là cải cách tài khóa là vô cùng quan trọng, là cốt lõi để giải quyết nhiều mục tiêu như ổn định giá cả, ổn định tỉ giá và duy trì tốc độ tăng trưởng trong dài hạn. Cải cách tài khóa không phải là chính sách ngắn hạn mà là dài hạn. Tài khóa của mình thâm hụt lớn lại ít được cải thiện trong nhiều năm qua.

Cải cách tài khóa đòi hỏi cải cách bộ máy hành chính. Cần cải cách từ những cơ quan trung ương; có nhiều cơ quan trùng chức năng, vai trò thì nên sáp nhập lại. Giảm biên chế trong bộ máy phải thực chất.

Nếu không cải cách được bộ máy thì sẽ còn thâm hụt tài khóa và Chính phủ cứ loay hoay tìm cách tăng thuế, tăng phí, gây chi phí cao cho doanh nghiệp.

Một điểm nữa là cần tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Khu vực này chiếm nhiều nguồn lực nhưng hoạt động kém hiệu quả. Do vậy, cải cách khu vực này cũng chính là thúc đẩy nguồn cung của nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi hoàn toàn đồng tình với anh Thế Anh, tài khóa là chỗ cần quan tâm nhất. Trong bối cảnh hiện nay không nên có bất cứ chính sách tăng thu nào cả. Nên dừng tất cả các kiến nghị tăng thu, kể cả các loại phí, để đảm bảo tính ổn định cho sản xuất, kinh doanh. Còn nếu hôm nay tăng thu cái này, ngày mai tăng thu cái kia, thì đều làm mất niềm tin trong kinh doanh.

Tôi cho là phải nâng cao được hiệu quả của chi ngân sách, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư, rồi lúc đó mới đến tăng thu.

Về trung và dài hạn chúng ta phải tăng cường vị thế tài khóa để nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc khi kinh tế thế giới ngày càng trở nên bất định như thế này và nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa rất sâu rộng. Phải củng cố mức độ chống chịu của nền kinh tế thì mới duy trì được ổn định vĩ mô cho phát triển.

Hẳn hai ông đều thấy, dư địa về mặt thị trưởng để nền kinh tế phát triển còn rất rộng. Chúng ta nói mãi về phải thị trường hóa năm thị trường các nhân tố sản xuất như đất đai, lao động,… nhưng tiếc rằng, cho đến giờ vẫn chưa làm được bao nhiêu. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành sửa Luật Đất đai. Các ông nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Cung: Dư địa để cải cách nền kinh tế Việt Nam theo hướng thị trường dường như vẫn còn nguyên và chỗ đấy đang là điểm nghẽn cho cải cách kinh tế của Việt Nam. Nếu chúng ta không cải cách các lĩnh vực này thì không thể chuyển sang kinh tế thị trường được.

Chẳng hạn về lĩnh vực đất đai, tư duy của chúng ta không còn phù hợp nữa. Chúng ta không tiếp cận theo cách quyền sử dụng đất đai là quyền tài sản. Đặc biệt trong nông nghiệp, ruộng đất vẫn chỉ được coi là phương tiện sản xuất của nông dân thay vì quyền tài sản của họ. Người nông dân không sản xuất thì bị cho là không còn cần phương tiện đấy nữa. Lẽ ra khi không sản xuất thì nông dẫn vẫn có quyền tải sản đối với ruộng đất, họ có quyền chuyển nhượng cho người khác. Làm như vậy thì mới vốn hóa được đất đai và giúp tích tụ ruộng đất.

Tôi cứ suy nghĩ mãi về thuật ngữ “giải phóng mặt bằng”. Nó đầy bạo lực ở trong đó. Nó không còn là quan hệ kinh tế dân sự. Chúng ta không thể tiếp tục quan điểm như thế được nữa.

Ngoài ra, phải để cho thị trường đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ, huy động, sử dụng nguồn lực. Đã có nghị quyết của Đại hội XII, gần đây là nghị quyết Trung ương V, Trung ương IV về một số chủ trương lớn về tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Các nghị quyết đó nhấn mạnh đến việc phát triển thị trường các nhân tố sản xuất, trong đó có thị trường đất đai. Vậy mà đã ba năm trôi qua rồi. Tôi hi vọng những nút thắt này được tháo gỡ khi sửa Luật Đất đai tới đây.

Ông Phạm Thế Anh: Tôi nghĩ thị trường lao động rất là tiềm năng nhưng chưa khai thác được hết, cấu trúc của nó còn méo mó. Thế nhưng muốn cải cách thị trường lao động phải cải cách cái chế độ đãi ngộ, cải cách tiền lương, thu nhập của người lao động.

Hệ thống thang bảng lương của mình có cái rất dở là dựa trên bằng cấp mà không dựa trên hiệu quả lao động. Anh cứ học càng cao thì cái hệ số lương của anh càng lớn. Do vậy mà nhiều anh cứ cố đi học đại học thay vì học nghề dù rất kém năng lực. Điều đó gây lãng phí nguồn lực rất kinh khủng.

Ở nhiều nước trên thế giới, nhiều khi công nhân xây dựng có lương cao hơn rất nhiều so với tiến sĩ, giảng viên.

Chúng ta đã hội nhập rất sâu rộng với 13 FTA và tới đây hi vọng còn có EVFTA và CPTPP nữa. Các vị có thấy điều đó sẽ là động lực cho cải cách hay không?

Ông Nguyễn Đình Cung: Chúng ta đều kỳ vọng như thế nhưng lâu nay cải cách ở Việt Nam đều xuất phát từ nhu cầu bên trong chứ không phải là từ sức ép bên ngoài. Chúng ta phải nhìn thấy nhu cầu cải cách là nhu cầu nội sinh, thúc bách nên đừng đi xin ai công nhận kinh tế thị trường nữa. Kinh tế thị trường mang lại lợi ích cho chính chúng ta, chứ không phải là việc họ có thừa nhận chúng ta làkinh tế thị trường hay không.

Ông Phạm Thế Anh: Cải cách phải xuất phát từ cái nhu cầu nội tại của mình trước, còn sức ép từ bên ngoài hỗ trợ thêm, giúp tiến trình cải cách diễn ra nhanh hơn. Trong bối cảnh bảo hộ toàn cầu hiện nay, rồi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tôi vẫn tin Việt Nam vẫn có thể tận dụng được cơ hội để hưởng lợi nếu có những chính sách tiếp cận tốt.

Xin cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam.

Tư Giang

Lưu ý với chu kỳ khủng hoảng 10 năm

Lưu ý với chu kỳ khủng hoảng 10 năm

Việt Nam cần hết sức lưu ý trong hai năm tới vì các trục trặc vĩ mô thường xảy ra trong khoảng thời gian này của mỗi thập kỷ.  

"Thủ tướng đã theo đuổi tăng trưởng rất quyết liệt"

"Thủ tướng đã theo đuổi tăng trưởng rất quyết liệt"

"Chính phủ nhiệm kỳ này chú trọng hơn tới những chính sách trọng cung, chứ không còn thúc đẩy tăng trưởng dựa trên chính sách tiền tệ, tài khoá."

Bỏ lệ chúc tết lãnh đạo: Khi Thủ tướng và thành viên Chính phủ làm gương

Bỏ lệ chúc tết lãnh đạo: Khi Thủ tướng và thành viên Chính phủ làm gương

Tại phiên họp Chính phủ tháng 11/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa, yêu cầu “không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành”. Ông cũng yêu cầu “các tỉnh không về Hà Nội chúc tết”, “ở các địa phương cũng vậy”.

Thủ tướng và chuyện tìm giải pháp bền vững phát triển ĐBSCL

Thủ tướng và chuyện tìm giải pháp bền vững phát triển ĐBSCL

Các thách thức dự báo sẽ đến nhanh hơn đối với ĐBSCL. Chính phủ đã nhận rõ điều này và việc tìm giải pháp đã được thúc đẩy nhanh chưa từng có.

Thủ tướng gặp doanh nghiệp và Chính phủ hành động

Thủ tướng gặp doanh nghiệp và Chính phủ hành động

Cuộc gặp của Thủ tướng với doanh nghiệp với những quyết tâm hành động là tiếng pháo khai màn thúc giục bánh xe kinh tế trì trệ mấy năm qua dịch chuyển về phía trước.

‘Trái bóng” trong chân các bộ trưởng, đừng nên đẩy sang Thủ tướng!

‘Trái bóng” trong chân các bộ trưởng, đừng nên đẩy sang Thủ tướng!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp cuối năm 2016 của Chính phủ cũng đã nhắc đến chuyện các bộ, ngành, địa phương "không nên đá quả bóng trách nhiệm lên Thủ tướng và các phó Thủ tướng".

Nghĩ về ly cà phê 8.000 của Thủ tướng

Nghĩ về ly cà phê 8.000 của Thủ tướng

Nói thế để thấy ý nghĩa không hề nhỏ của sự kiện lãnh đạo “vi hành” xuống phố, ra đồng, ghé chợ tìm hiểu việc thường ngày của dân như ăn phở, uống café sáng, trồng bán rau sạch… 

"Thủ tướng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có"

"Thủ tướng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có"

“Dân biết Thủ tướng đã luôn đôn đốc, nhắc nhở và sốt ruột thế nào trước sự chuyển động chậm chạp của bộ máy của mình. Nhưng rõ ràng sức ì của bộ máy Chính phủ vẫn còn quá lớn.”

Bà Phạm Chi Lan: "Thủ tướng đang cố lay chuyển bộ máy"

Bà Phạm Chi Lan: "Thủ tướng đang cố lay chuyển bộ máy"

Thủ tướng Phúc đã giải quyết nhanh một số vấn đề thực tiễn và cố gắng lay chuyển bộ máy của mình. Đó cũng là lời cảnh báo đối với cung cách lộng quyền.