Lời phàn nàn xưa cũ

Tại hội nghị của doanh nghiệp nhà nước hồi đầu tháng 9 vừa rồi, lãnh đạo một tập đoàn kinh tế nhà nước lên bục và than thở rằng, ông và nhiều đồng nghiệp bị kỳ thị, bị nhìn với cái nhìn méo mó do hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước có nhiều chuyện không hay bị phanh phui. “Cũng có những con sâu làm rầu nồi canh tuy nhiên không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng vậy, không phải lĩnh vực nào cũng có chuyện như vậy”, ông cố thanh minh. Tất nhiên, ông cũng không quên phàn nàn: “ưu tiên và ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước giờ không còn như ngày xưa”.

Ông bày tỏ mong muốn xã hội có cái nhìn công tâm hơn về các doanh nghiệp nhà nước; đừng tạo áp lực lên tinh thần, tâm lý lên những người làm ở doanh nghiệp nhà nước mà làm mất nhuệ khí, động lực của họ.

Vấn đề là ở chỗ, liệu con sâu làm rầu nồi canh chỉ là đơn lẻ, hay đã là nhiều con sâu làm cho nồi canh khó ăn được? Liệu xã hội có những định kiến quá đi với những thành tựu, như vị giám đốc nhận?

Góc nhìn đó không hẳn là sai khi hàng trăm nghìn tỷ đã bị nhiều quả đấm thép như Vinashin, Vinalines, PVN… “ném tiền qua cửa sổ”. Con số 86 ngàn tỷ lỗ ở Vinashin liệu đã thành bao nhiêu sau 10 năm? Mà doanh nghiệp nhà nước suy cho cùng là sở hữu toàn dân, tài sản của dân nên dân không thể không được biết, không thể không tỏ ra xót xa khi số tiền lớn như vậy bị lãng phí.

Vấn đề là, ngày nay những “con sâu” đó không chỉ đơn lẻ, như cách đây một thập kỷ, mà đã lan rộng ra thành đàn.

{keywords}
Doanh nghiệp tư nhân là ai nếu không phải là bố mẹ vợ con bạn bè của ta, rằng sao lại hạn chế họ, những đồng bào của mình, phát triển, giúp xây dựng đất nước này. Ảnh: Lê Anh Dũng

Kết luận kiểm toán Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) của Kiểm toán Nhà nước mới đây cho thấy hoạt động tín dụng thời gian qua của VDB gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của VDB âm hơn 866 tỷ đồng. Đáng chú ý, lỗ lũy kế của ngân hàng này đến 31/12/2018 là trên 4.800 tỷ đồng; nợ xấu tại 31/12/2018 là trên 46.100 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ.

Báo cáo về tình hình hoạt động của DNNN cho thấy, hiệu quả của khối doanh nghiệp này là đáng âu lo. Có tới 110/855 doanh nghiệp Nhà nước, chiếm 13% tổng, làm ăn bị thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp có số lỗ lớn, báo cáo hợp nhất có 10 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 9 nghìn tỷ đồng và 4 công ty có lỗ lũy kế là hơn 1.000 tỷ đồng với những cái tên nổi bật như Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty 15,...

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018, Kiểm toán Nhà nước cũng liệt kê môt loạt doanh nghiệp lỗ nặng (tính đến 31/12/2017). Đó là: Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí lỗ 3.377 tỷ đồng; Công ty CP Chế tạo tầu và giàn khoan dầu khí 581 tỷ đồng… Nhiều công ty âm vốn chủ sở hữu như Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí 1.780 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.159 tỷ đồng…

Trong văn bản gửi Thủ tướng của Tổng công ty Sông Hồng (Bộ Xây dựng) gần đây, Công ty này cho biết, lỗ lũy kế đến 31/12/2018 là âm 908 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 581 tỷ đồng… "Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một thời gian rất ngắn nữa thì Tổng công ty cổ phần phần Sông Hồng chắc chắn sẽ buộc phải tuyên bố phá sản”, Tổng công ty này kêu cứu trong văn bản.

Những con số như trên chỉ là phần nối dài của nhiều doanh nghiêp nhà nước thua lỗ trong hơn một thập kỷ nay như Vinashin, Vinalines, Vinachem,…

Tất nhiên, những câu chuyện trên không phải hàm ý xóa mờ hay thậm chí phủi sạch trơn những đóng góp của DNNN. Ở góc độ khác, cũng có những doanh nghiệp nhà nước cũng đã đóng góp lớn cho nền kinh tế. Những doanh nghiệp nhà nước như VNPT, Viettel đã đi đầu trong việc tạo ra cơ sở hạ tầng số rất quan trọng để phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua, cũng như trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bây giờ.

Nhưng, những dẫn chứng đó không thể thay thế cho một sự thật: Doanh nghiệp nhà nước rất khó cạnh tranh được với doanh nghiệp tư nhân trong một nền kinh tế thị trường.

“Hãy gọi chúng tôi là những doanh nhân một nửa”, một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đã ví von vậy khi tôi gửi lời chúc mừng Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 vừa qua. “Chúng tôi rất khó để được coi là các doanh nhân thực thụ”, vị này bộc bạch trong ngày dành cho giới doanh nhân.

Điều này xuất phát từ cách vận hành rất rườm rà, rắc rối, thiếu cạnh tranh, thiếu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình mà bất kỳ một doanh nghiệp bình thường nào trong nền kinh tế phải tuân thủ.

Đơn cử như thủ tục trình lên, trình xuống, báo cáo, phê duyệt khiến cho nhiều cơ hội đầu tư, nhiều hoạt động cấp bách bị trôi qua. Trong kinh doanh, thời gian là tiền bạc. Nhưng cơ chế “xin” khiến doanh nghiệp nhà nước khó lòng nắm bắt kịp cơ hội để làm ra tiền. Đơn cử, một dự án đầu tư như sắt Thạch Khê, đã rót cả 1.800 tỷ đồng, đến nay vẫn nằm chờ xin phép để được khai thác sau 10 năm tạm dừng triển khai. Một dự án nhiệt điện của EVN ở Quảng Bình vài năm nay không khởi công được vì chờ thủ tục, chờ sự đồng ý của các bộ ban ngành, địa phương.

Riêng trong vấn đề này, doanh nghiệp tư nhân có lợi hơn doanh nghiệp nhà nước nhiều.

Đó là chưa kể, ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh thuần túy, nhiều doanh nghiệp nhà nước phải “gánh” thêm nhiệm vụ chính trị, công ích. Sự lẫn lộn giữa nhiệm vụ kinh tế và chính trị khiến cho việc đánh giá hoạt động của khối doanh nghiệp này bị méo mó đi ít nhiều.

Điều quan trọng nhất, theo tôi, vì không phải tiền túi của họ nên những vị đại diện phần vốn nhà nước không có lý do gì để có trách nhiệm với nó, như các chủ sở hữu tư nhân. Có người sẵn sàng mua với giá cao nhất, bán với giá rẻ nhất, mà lý do chính là gì, chắc không cần phải nói ra chúng ta cũng hiểu. Đó là một thị trường cực kỳ méo mó, thiếu hiệu quả, thiếu cạnh tranh.

Doanh nghiệp tư nhân cần được đi đường lớn

Tôi rất thích quan điểm của một chuyên gia kinh tế, rằng doanh nghiệp tư nhân là ai nếu không phải là bố mẹ vợ con bạn bè của ta, rằng sao lại hạn chế họ, những đồng bào của mình, phát triển, giúp xây dựng đất nước này.

Đã nhiều lần, các văn kiện, chỉ thị,… của Đảng và Chính phủ khẳng định, doanh nghiệp nhà nước “không phải cái gì cũng làm”, mà chỉ làm ở lĩnh vực thiết yếu, an ninh, quốc phòng; những lĩnh vực tư nhân không muốn/chưa làm được trong khi xã hội đang rất cần.

Nghị quyết số 12 ngày 03/6/2017 Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII về việc “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” cũng đã quán triệt tinh thần này. Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân cũng nhấn mạnh thêm đường lối phát triển kinh tế tư nhân.

Cùng với đó, việc rút vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực tư nhân có thể đảm đương nổi là điều phải thúc đẩy, chứ không thể trì trệ, chậm chạp như thời gian qua.

Nhìn sự phát triển của khu vực tư nhân thời gian qua, hoàn toàn có thể khẳng định khu vực này có thể làm được và làm tốt hơn nhiều doanh nghiệp nhà nước trong cùng lĩnh vực.

Giờ đây, tư nhân đã tham gia làm đường cao tốc, kể cả sân bay với tiến độ và chất lượng được đánh giá cao. Chỉ cần có “độ mở” từ Nhà nước, tư nhân hoàn toàn làm được nhiều việc, giảm bớt đi phần doanh nghiệp nhà nước, hay Nhà nước phải “cáng đáng”.

Nhưng sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân cũng đặt ra nhiều vấn đề. Đó là những mối quan hệ thân hữu với người có chức quyền để thu được lợi ích. Nhiều đại án thời gian qua cho thấy, có sự thông đồng giữa lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân và quan chức tha hóa trong hệ thống để thu vén trục lợi trên nền tảng tài sản công.

Lương Bằng