“Khi tiễn chúng tôi ra đến cổng, Thủ tướng Phan Văn Khải vỗ vai tôi nói: “Trực cố gắng quản lý Internet cho tốt chứ nếu mở ra mà phải đóng lại thì không biết ăn nói với thế giới thế nào”- ông Mai Liêm Trực vẫn nhớ như in về quá trình phát triển Internet ở Việt Nam.

Tuần Việt Nam giới thiệu kì cuối cuộc trò chuyện với ông Mai Liêm Trực – Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện.

Xem lại Bài 1: Lực cản đeo đẳng và áp lực từ cấm vận; Bài 2: "Lúc đó xôn xao, nhiều người ảnh hưởng đến an ninh quốc gia"; Bài 3: "Cản trở sự phát triển là có lỗi với dân"

Chống lộ bí mật nhà nước

Câu lạc bộ các nhà báo về Công nghệ Thông tin đã bình chọn ông là nhân vật số 1 trong 10 người có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển của Internet tại Việt Nam. Ông hãy kể lại hành trình đưa Internet vào Việt Nam hồi đó?

Muốn đưa Internet vào Việt Nam phải có 3 điều kiện.

Thứ nhất, mạng viễn thông Việt Nam phải tự động hoá trong nước và quốc tế vì Internet lúc đó chủ yếu qua đường dây điện thoại (dial up). Điều này như đã nói ở trên, đến năm 1995, Việt Nam đã số hoá và tự động hoá hoàn toàn đến các tỉnh và thành phố trong cả nước và kết nối thuận lợi với quốc tế.

Thứ hai, phải có các doanh nghiệp nắm vững Internet và đầu tư trang thiết bị để cung cấp dịch vụ cho xã hội. Ở đây phải nói đến vai trò tiên phong của một số đơn vị và cán bộ khoa học kĩ thuật đã tìm cách ứng dụng giao thức TCP/IP để làm Internet như Viện Công nghệ thông tin của Viện khoa học công nghệ VN (sau này hình thành mạng Netnam), mạng Vietnet của Bưu điện Khánh Hoà (sau này gộp với VDC của VNPT để làm mạng VNN) và mạng Trí tuệ Việt Nam của FPT (sau này là FPT Internet).

Tôi cũng được tiếp cận sớm với Internet trong chuyến công tác tại Mỹ đầu năm 1991, khi dự Hội nghị quốc tế về thông tin vệ tinh. Ngoài việc kí kết với các nước về mở kênh liên lạc vệ tinh (trừ Mỹ vì còn cấm vận liên lạc viễn thông với VN) tôi còn làm việc với các doanh nghiệp viễn thông lớn của Mỹ (đặc biệt là AT&T) để vận động bỏ cấm vận liên lạc viễn thông với VN và được các bạn Mỹ giới thiệu về Internet nhưng lúc đó chưa có Word Wide Web mà chỉ làm email và truyền tệp FTP.

{keywords}

Về nước tôi quyết tâm cùng lãnh đạo Tổng cục bưu điện tăng tốc phát triển mạng viễn thông để đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của đất nước thời mở cửa đồng thời cũng làm tiền để để đưa Internet vào Việt Nam.

Tôi được Giáo sư Bạch Nguyên Khang mời đến thăm viện CNTT và gặp nhóm của anh Trần Bá Thái sau này là Chủ tịch và Giám đốc của Netnam đang nghiên cứu về Internet và đề nghị tôi hỗ trợ để có đường liên lạc điện thoại thuê bao xa với Austrailia làm thư điện tử. Năm 1994, bức thư điện tử đầu tiên của Việt Nam do Thủ tướng Võ Văn Kiệt gởi Thủ tướng Thuỵ Điển qua mạng Varenet của Viện CNTT kết nối qua đường điện thoại với Austrailia. Đến năm 1996, các doanh nghiệp như VDC, FPT, Netnam đã sẵn sàng kết nối với mạng Internet toàn cầu.

Thứ ba, quan trọng nhất là phải có sự đồng ý của lãnh đạo Đảng và Chính phủ mà trực tiếp là thường trực Bộ Chính Trị và Thủ tướng chính phủ cho phép Việt Nam kết nối với mạng Internet toàn cầu. Ở đây phải nói dến sự ủng hộ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và sau đó là Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và Trưởng Ban Khoa giáo TƯ- Đặng Hữu.

Chúng tôi cũng được biết, GS Đặng Hữu và nhiều vị lãnh đạo bên Bộ KHCN thời gian đó cũng là những người rất tâm huyết, đã tiếp sức cho sự phát triển CNTT của Việt Nam, có đúng không ạ?

Đúng vậy. Năm 1992, với cương vị Bộ trưởng Bộ KHCN, ông đã thành lập nhóm 7 người do GS Phan Đình Diệu chủ trì và GS Chu Hảo, GS Nguyễn Đình Ngọc và tôi có tham gia chuẩn bị nghị quyết 49 CP ban hành năm 1993 về phát riển CNTT ở Việt Nam. Ông cũng là người đề xuất và chủ trì xây dựng chỉ thị 58 của Bộ Chính trị năm 2000 về ứng dụng và phát riển CNTT ở Việt nam. Ông và nhiều lãnh đạo của Bộ KHCN, Tổng cục Bưu điện, VNPT để giải trình với lãnh đạo cấp cao cho phép đưa Internet vào Việt Nam.

Để tăng sức thuyết phục cho lãnh đạo cấp cao về lợi ích của Internet, Tổng cục Bưu điện đã phối hợp với Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài thí điểm đưa báo Quê hương lên Internet vào tháng 2/1996 và dịp tết Nguyên đán để thông tin về đất nước ra với thế giới và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.

Tháng 3/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kí nghị định 21/CP ban hành quy chế tạm thời về việc sử dụng Internet tại Việt Nam đồng thời thành lập Ban điều phối quốc gia về Internet do Bộ trưởng Bộ KHCN làm trưởng ban- ông Phạm Gia Khiêm và Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện – ông Mai Liêm Trực làm phó ban cùng các thành viên gồm lãnh đạo Bộ Nội vụ nay là Bộ Công an: ông Nguyễn Khánh Toàn, Bộ Văn hóa Thông tin -ông Phạm Khắc Liên, Viện KHCNVN- ông Đặng Vũ Minh, ban chỉ đạo quốc gia CNTT- GS Chu Hảo dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh.

Sau vài tháng chuẩn bị, chúng tôi lên báo cáo thường trực Bộ chính trị. Ông Lê Khả Phiêu hỏi rất kĩ về vấn đề chống lộ bí mật nhà nước. Chúng tôi giải trình trung thực là không thể nào ngăn chặn tuyệt đối được vì không có Internet mà Tổng cục Bưu điện vẫn bị phê bình làm lộ bí mật nhà nước qua thư từ, fax đồng thời chúng tôi cũng thuyết phục về những lợi ích Internet và những biện pháp hạn chế mặt tiêu cực của Intermet.

{keywords}

Ông Lê Khả Phiêu yêu cầu chúng tôi sang báo cáo với Thủ tướng CP, chúng tôi kéo sang nhà Thủ tướng Phan Văn Khải báo cáo và được chấp thuận. Khi tiễn chúng tôi ra đến cổng, Thủ tướng Phan Văn Khải vỗ vai tôi nói: “Trực cố gắng quản lý cho tốt chứ nếu mở ra mà phải đóng lại thì không biết ăn nói với thế giới thế nào”.

Ngày 19/11/1997, thay mặt ban điều phối quốc gia về Internet Việt Nam, chúng tôi họp báo công bố Việt Nam chính thức kết nối với mạng Inetrnet toàn cầu.

Phát triển đến đâu quản lý đến đó

Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển Internet là tư duy quản lý phải theo kịp yêu cầu phát triển. Ông đã hình thành tư duy đó như thế nào và liệu phương thức quản lý này có còn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay?

Khi cho mở Internet, thường vụ Bộ Chính trị và Chính phủ yêu cầu “quản lý đến đâu mở đến đó”. Chúng tôi chia sẻ với lo lắng này vì lúc đó Internet rất mới ở Việt Nam, mà đất nước ta trải qua quá nhiều tổn thất của chiến tranh kéo dài nên rất lo ngại về an ninh quốc gia.

Vài năm đầu, Internet Việt Nam phát triển rất chậm một phần vì qua dial up, nhưng chủ yếu do các cơ quan chức năng lúc đó như Bộ Công an nói chưa quản lý được, Bộ Văn hoá thông tin lo ngại văn hoá đồi truỵ vì vậy chưa cho mở cà phê Internet. Có lần một cơ sở ở Phú Yên làm cà phê Internet bị công an bắt và tịch thu máy tính. Bưu điện Phú Yên điện ra cho tôi nhưng tôi cũng bất lực vì chưa được phép.

Thậm chí trong một cuộc họp tại Ban điều phối quốc gia Internet, cơ quan chức năng đã copy nhiều tài liệu nói xấu lãnh đạo Việt Nam trên mạng. Mặc dù vậy, chúng tôi thuyết phục và được các anh trong ban điều phối ủng hộ cho tư duy quản lý mới là “quản lý phải theo kịp yêu cầu phát triển” có nghĩa là “phát triển đến đâu quản lý đến đó”. Đó là các anh Nguyễn Khánh Toàn (Bộ Công an), Phạm Khắc Liên (Bộ Văn hóa Thông tin), Chu Hảo (Bộ KHCN).

Từ đó, chúng tôi báo cáo lên trên tư duy quản lý đó nhưng vẫn chưa được chấp nhận cho mở càphê internet. May mắn là lúc đó GS Đặng Hữu đang chủ trì xây dựng Dự thảo chỉ thị 58 của Bộ chính trị về phát triển và ứng dụng CNTT.

Tôi có làm văn bản cho GS Đặng Hữu đưa vào chỉ thị 58 phần viễn thông và Internet với hai nội dung là: quản lý Internet theo phương châm “quản lý Internet phải theo kịp yêu cầu phát triển”, nội dung thứ hai là mở cửa thị trường viễn thông cạnh tranh cho tất cả các thành phần kinh tế. May mắn là cả hai nội dung này đều được bộ chính trị chấp nhận trong chỉ thị 58 vào cuối năm 2000.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Bưu điện xây dựng và trình chính phủ ban hành Nghị định 61/CP năm 2001 về quản lý và sử dụng Internet tại Việt Nam thay thế Nghị định 21/CP năm 1997. Từ đó bùng nổ phát triển càphê Internet, sau này có công nghệ ADSL và Smart phone, gia tăng nhanh chóng số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam.

Thực ra tư duy “quản lý phải theo kịp yêu cầu phát triển” hay “phát triển đến đâu quản lý đến đó” là không có gì mới. Cuộc sống bao giờ cũng đi nhanh hơn tư duy quản lý, vì vậy nói chung là cứ để phát triển và sau đó ta mới xem xét điểm hay, điểm dở. Quản lý là quản lý các mặt tiêu cực để tránh thiệt hại chứ không phải quản lý để ngăn cản sự phát triển. Tư duy này đúng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 58 của Bộ chính trị chúng tôi thậm chí đề xuất phương châm quản lý 3.0 là “Quản lý phải thúc đẩy phát triển”.

Tôi nghĩ những năm qua theo phương châm đó thì Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ Internet, tận dụng những thế mạnh tuyệt vời của Internet để thay đổi cách thức quản lý nhà nước (chính quyền điện tử) cũng như toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh, về giao tiếp qua mạng, nghiên cứu và học tập, vui chơi giải trí qua internet, và cả báo chí điện tử cũng phát triển rất mạnh.

Mạng xã hội 10 năm qua cũng phát triển nhanh, nhiều lợi ích nhưng cũng có nhiều mặt tiêu cực như thông tin thiếu trung thực, tội phạm trên không gian mạng. Đó là những thách thức mới nhưng không vi thế mà cám đoán mạng xã hội. Các cơ quan chính phủ và báo chí truyền hình chính thống đều tận dụng facebook rất hiệu quả cho công việc.

Khi có những thông tin xuyên tạc và bịa đặt trên mạng xã hội thì ta dùng thông tin trung thực và kịp thời để giải toả thông tin sai lệch và tăng cường sự công khai minh bạch đối thoại, để ngăn chặn những thông tin độc hại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Cám ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Lan Anh thực hiện