- Nếu một người vì cứu giúp người khác lại bị “bắt vạ”, chịu đủ hệ lụy thì rồi trong xã hội, ai sẽ còn dám ra tay cứu người gặp nạn?

Câu chuyện anh tài xế ở Hải Phòng do cố gắng đánh lái giúp 2 nữ sinh thoát nạn trong gang tấc mà xe tải của anh đã va vào 2 ô tô trước khi lật nhào đang tạo ra những tranh luận xung quanh vấn đề trách nhiệm bồi thường.

Trong trường hợp này, nếu yêu cầu anh tài xế phải bồi thường thiệt hại liệu có là điều bất nhẫn, và có thể gây hại cho xã hội? Điều này sẽ khiến dư luận nhìn vào và đặt câu hỏi: "vậy có đáng cứu người không khi phải chịu thiệt hại như vậy?". Những bài học mà người lớn dạy trẻ con liệu có còn giá trị? Không thiếu những gia đình đã chọn dạy con cháu mình không cứu giúp người bị tai nạn giao thông vì những câu chuyện “làm ơn mắc oán”, người cứu giúp bị gia đình nạn nhân hành hung do tưởng nhầm là kẻ gây tai nạn.

Lường trước những tình huống như vậy, Điều 601 của Bộ Luật dân sự quy định, người tài xế sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. Tình thế cấp thiết được định nghĩa là "tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn". 

{keywords}
Chiếc xe tải bị lật nhào sau cú đánh lái. Ảnh: VietnamNet.

Và trong tình thế cấp thiết (trừ phi vượt quá giới hạn), người gây thiệt hại không phải chịu bồi thường. Nhưng người gây ra tình thế cấp thiết thì phải bồi thường (Điều 595).

Do hai nữ sinh đã biến mất nên chủ hai ô tô chỉ còn cách quy trách nhiệm người còn ở ngay đó là anh tài xế và chủ xe như một phản ứng bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này nếu muốn bồi thường, họ phải đòi hai nữ sinh đã gây ra tình thế cấp thiết đó, chứ không phải là người tài xế kia.

Nguyên tắc này tồn tại chính là để con người trong xã hội có thể giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn mà không phải chịu những trách nhiệm vốn không do lỗi của mình. Luật pháp các nước đều nỗ lực bảo vệ những người quên mình vì người khác như vậy. Pháp luật Anh - Mỹ còn gọi những quy định này là "Người Samari nhân hậu". Đây là cụm từ xuất phát từ một câu chuyện trong Kinh Thánh về một người Samari đã chọn cứu giúp kẻ hoạn nạn bất chấp bị dè bỉu hay người khác né tránh.

Luật Người Samari nhân hậu có mục đích khuyến khích người ta ra tay cứu người bằng cách miễn trừ trách nhiệm nếu "người Samari" đó vô tình gây ra những thiệt hại khi cứu giúp. Họ lập luận rằng không có những luật như vậy, sẽ không ai ra tay cứu người và xã hội sẽ trở nên vô cảm.

Nếu người ta bỏ mặc người gặp nạn?

Có rất nhiều ví dụ về hệ lụy của việc pháp luật không bảo vệ những “người Samari nhân hậu” trên thế giới. Ở Trung Quốc, năm 2006, một thanh niên tên Peng Yu thấy một phụ nữ lớn tuổi tên Xu Shoulan bị ngã khi đang cố chuyển xe bus. Peng Yu liền đến đỡ bà dậy và đưa bà vào bệnh viện, đồng thời cho bà 200 Nhân dân tệ để hỗ trợ viện phí.

Thế nhưng, bất ngờ sau đó, bà Xu khởi kiện Peng và yêu cầu anh này thanh toán toàn bộ viện phí với lý do là anh làm bà ngã. Tuy bà Xu không đưa ra được bằng chứng nào thuyết phục, tòa án Nam Kinh vẫn chấp nhận yêu cầu của bà với lập luận “một người thông thường sẽ không cứu giúp ai nếu không cảm thấy có lỗi”.[1] Anh Peng Yu bị yêu cầu bồi thường gần 6.000 USD cho bà cụ.

Bản án của tòa án Nam Kinh ngay lập tức nhận nhiều chỉ trích, nhưng hệ lụy của thì không hề suy giảm. Liên tiếp sau đó, nhiều vụ việc tương tự đã diễn ra khi những người ra sức giúp đỡ người hoạn nạn bị chính nạn nhân, hoặc người chịu thiệt hại do việc giúp đỡ gây nên, bắt vạ đòi bồi thường.

Điều kinh khủng là nó khiến người dân nước này hình thành một tâm lý bỏ mặc, không muốn giúp đỡ kẻ khác vì sợ rước vạ vào thân. Đỉnh điểm là vào năm 2011, một đứa trẻ 2 tuổi bị xe đâm phải ở Quảng Đông trên một con đường đông đúc. Vậy mà trong suốt 7 phút đứa trẻ nằm trên đường, 18 chiếc xe chạy qua không một ai dừng lại để cứu giúp em.

Một cuộc khảo sát chỉ ra rằng có 71% người được hỏi nghĩ rằng đứa trẻ bị bỏ mặc vì người qua đường sợ sẽ trở thành một Peng Yu thứ hai. Một khảo sát khác thì cho thấy 43% người khảo sát không sẵn sàng cứu giúp người hoạn nạn, 38% thì không chắc, và chỉ 20% nói rằng họ sẽ giúp. Có thể thấy những hệ lụy rõ ràng của việc pháp luật không đứng về phía người đã ra tay cứu giúp.

Sau những gì đã diễn ra, Trung Quốc mới dần đưa vào luật những điều khoản thực sự bảo vệ những “người Samari nhân hậu” để khôi phục lòng tin của công chúng vào việc làm lương thiện.

Trong vụ việc ở Hải Phòng, dẫu biết rằng tìm kiếm cho ra người gây tình thế cấp thiết là rất khó, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta đành “bắt vạ” người không có lỗi cốt chỉ để mọi thứ êm xuôi. Hệ lụy của việc này có thể sẽ rất lớn. Rồi ai sẽ sẵn sàng đánh lái nữa khi họ không chắc mình được bảo vệ sau cú đánh lái đó? 

{keywords}
Hai xe ô tô con bị hư hỏng nặng, biến dạng do bị xe tải đâm phải. Ảnh: Báo Giao thông

Người tài xế trong vụ việc này chính là "một người Samari nhân hậu”, và anh phải được pháp luật bảo vệ, truyền thông và dư luận ủng hộ. Việc góp tiền cho anh để trả cho chủ xe ô tô sẽ vô tình gây ra những hệ lụy lớn về vốn xã hội về sau, vì anh không có lỗi để phải có trách nhiệm bồi thường.

Cũng cần nói thêm rằng lực lượng chức năng có vai trò không nhỏ trong việc đảm bảo không ai cảm thấy chịu thiệt trong trường hợp này. Ngoài việc xác định và tìm ra người gây tình huống cấp thiết để yêu cầu bồi thường, họ cũng cần đảm bảo không tạm giữ phương tiện quá lâu. Giới lái xe có kinh nghiệm cho biết thông thường, người chủ xe sẽ chấp nhận bồi thường dù không cảm thấy có lỗi, cốt chỉ để người chủ xe ô tô không truy cứu nữa và lực lượng chức năng không tạm giữ xe tải mình, để tiếp tục làm ăn, bù đắp những thiệt hại đã qua. Nếu đó là sự thật thì rất cần phải có sự can thiệp.

Sự hài hòa, êm thấm phải trên tinh thần pháp luật, bảo vệ lẽ phải, chứ không phải ứng xử cho qua chuyện để rồi những người đáng lý phải được tuyên dương lại trở nên hoài nghi về chính hành vi của mình đã rước họa cho bản thân và gia đình.

Lê Nguyễn Duy Hậu

----

[1] Melody W. Young, The Aftermath of Peng Yu: Restoring Helping Behavior in China, Pacific Rim Law & Policy Journal

Khi sự tử tế vẫn bị coi là... chuyện lạ

Khi sự tử tế vẫn bị coi là... chuyện lạ

Dường như sự tử tế ngập tràn trong thế giới ảo nhưng lại hiu hắt ngoài đời thực.  

Thắp lên sự tử tế, nhưng ai sẽ là người 'giữ lửa'?

Thắp lên sự tử tế, nhưng ai sẽ là người 'giữ lửa'?

Khi một ngọn lửa của sự tử tế được thắp lên, nó sẽ trở thành "trái tim Đan-kô" dẫn lối trong đêm thẳm hay lụi tắt dần, trách nhiệm thuộc về chúng ta. 

Vô cảm, độc ác từ thiếu dinh dưỡng tinh thần

Vô cảm, độc ác từ thiếu dinh dưỡng tinh thần

Chính tinh thần và văn hóa đã đưa con người thoát khỏi con đường của hoang thú và dựng lên những lâu đài văn hóa kỳ vĩ của nhân loại.  

Vụ Camry gây tai nạn và chuyện người Việt 'nhờn luật'

Vụ Camry gây tai nạn và chuyện người Việt 'nhờn luật'

Đáng lo ngại là hiện tượng “nhờn luật” của số đông trở nên phổ biến hơn. Trên mặt đường, chỗ nào không có CSGT là người ta sẵn sàng phạm luật.

Gây tai nạn bỏ chạy, thấy móc túi lờ đi

Gây tai nạn bỏ chạy, thấy móc túi lờ đi

Trước nỗi đau, tai họa và bất công mà người khác phải chịu đựng, nhưng ai đó không phản ứng được tức là đã bị tê liệt về tinh thần xã hội.

'Hậu' tài xế bẻ lái ngoạn mục: 2 nữ sinh ở đâu?

'Hậu' tài xế bẻ lái ngoạn mục: 2 nữ sinh ở đâu?

Sau khi đọc chia sẻ của tài xế Tiến, hàng ngàn bạn đọc bày tỏ sự cảm kích, đồng thời thắc mắc 2 nữ sinh đã tới cám ơn ân nhân hay chưa.

Tài xế bẻ lái: Đáng biểu dương nhưng theo luật vẫn phải đền bù

Tài xế bẻ lái: Đáng biểu dương nhưng theo luật vẫn phải đền bù

“Dù sao đi nữa việc tài xế xử lỷ bẻ lái để tránh được vụ tai nạn thảm khốc cũng rất đáng biểu dương"