Kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 và từ thực tiễn công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua, Đại hội 13 đã rút ra bài học kinh nghiệm lớn: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”.

Đại hội 13 đã có bước phát triển, hoàn thiện cơ sở lý luận về vai trò, vị trí của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, từ “lấy dân làm gốc” từ Đại hội 6 đến khẳng định “Dân là gốc”; từ đặt vai trò, vị trí: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đến mục tiêu cuối cùng là “dân thụ hưởng” mọi giá trị của công cuộc đổi mới.

{keywords}
Ban chấp hành Trung ương khóa 13 ra mắt Đại hội

Cụ thể hóa tư tưởng xuyên suốt này, phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đó là GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-5.000 USD, tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hàng năm; có 10 bác sĩ và 30  giường bệnh/vạn dân; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số…

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển và các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ mới và cả những giai đoạn tiếp theo, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Văn kiện Đại hội 13 xác định là: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển cường thịnh.

Hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách vì dân

Việc cụ thể hóa nghị quyết thông qua hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách, tạo lập môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng là một trong những vấn đề bức thiết của đời sống đã được Đại hội 13 đề cập nhiều hơn.

Báo cáo chính trị và nhiều tham luận tại Đại hội đã có những kiến giải thấu đáo về việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển như đất đai, tài chính, phân cấp phân quyền giữa các cấp, các ngành đến việc tăng cường, kiểm tra, giám sát quyền lực sao cho hợp lý, hiệu quả, giải quyết được những tồn tại, vướng mắc của thực tiễn hiện nay.

Đại hội đã đề cập toàn diện về các chính sách về phát triển giáo dục đào tạo, bảo đảm để mọi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục.

Vấn đề về giáo dục tri thức, nghề nghiệp, đạo đức, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ đã được đề cập sâu trong báo cáo chính trị và qua thảo luận tại nhiều tổ đại biểu, với mục tiêu cần thiết có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hợp tác ngày càng sâu rộng với thế giới.

Lấy thước đo “vì dân” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Song song với việc tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, Đại hội chú trọng các nội dung, giải pháp tập trung xây dựng Đảng về đạo đức.

Cán bộ đảng viên phải nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đảng viên giữ chức vụ càng cao thì phải càng gương mẫu để khẳng định vị trí lãnh đạo, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Báo cáo về các văn kiện trình Đại hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về nhiệm vụ rất quan trọng của Đại hội là sáng suốt bầu chọn được Ban chấp hành Trung ương gồm những cán bộ cấp chiến lược phải có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Có như vậy, Đảng mới lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới quần chúng, cổ vũ, thôi thúc quần chúng nhân dân nỗ lực vì mục tiêu của cách mạng.

Để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, Đại hội đã có bước cụ thể hóa, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” bằng việc phát huy vai trò giám sát, đánh giá của nhân dân trong xây dựng Đảng, nhà nước. Dường như đây là lần đầu tiên văn kiện của Đảng ghi rõ: “Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ đảng viên”.

Khẳng định mục tiêu tiếp tục công cuộc đổi mới đất nước là xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân, Đại hội đã kế thừa, phát huy tư tưởng nhân nghĩa được xây đắp qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông, sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Với quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới, vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Nguyễn Như Khôi (Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An)

Người dân và Đại hội Đảng

Người dân và Đại hội Đảng

Cứ 5 năm lại một lần Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa quan trọng cho mọi tổ chức đảng và các đảng viên.