-Lối thực hành tang lễ phổ biến trong dân là theo dòng họ và điều này dẫn đến thực tế đáng buồn là việc chôn cất lộn xộn, chồng lấn, chen chúc.

LTS: Năm hết, tết về, là thời điểm người Việt theo truyền thống tốt đẹp, luôn dành thời gian đi tảo mộ, hướng về những người đã khuất.  Xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Công Thảo dưới đây, ghi nhận những điều "mắt thấy tai nghe" trong ứng xử giữa người cõi dương với thế giới bên kia.

Hồi hương thăm mộ tổ tiên một ngày cuối năm, người viết quan sát thấy không ít chuyện hỉ nộ ái ố ở chốn dành cho người đã khuất.

Quê tôi ở miền Bắc. Ấn tượng chung là nhiều nghĩa địa nơi đây thiếu quy hoạch đồng bộ, thiếu tầm nhìn xa. Thường thì người ta dành một khu đất nào đó, đa phần nằm ở khu vực hẻo lánh, xa dân cư để làm nghĩa địa chung cho một làng (trong trường hợp xã có nhiều làng) hay cả xã (với trường hợp xã chỉ có một làng hoặc hai làng nhỏ).

Trong không gian ấy, việc phân định khu vực theo thôn hay dòng họ chỉ mang tính ước định hoặc thiếu quản lí, giám sát chặt chẽ. 

Lối thực hành tang lễ phổ biến trong dân là theo dòng họ và điều này dẫn đến thực tế đáng buồn là việc chôn cất lộn xộn, chồng lấn, chen chúc. Qua nhiều năm, thói quen này dẫn đến thực tế là quy hoạch ban đầu (nếu có) không được tuân thủ nghiêm ngặt. Đường đi lối lại trong nghĩa địa biến mất, mộ này chèn mộ kia. Nhiều khi người dân phải trèo qua vài ngôi mộ khác để vào thắp hương cho người thân. Và đây là khúc dạo đầu cho nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt”.

Có gia đình sau khi cha mất, đã dành sẵn đất  cho mẹ bên cạnh phần mộ cha,  để cha mẹ họ có thể an nghỉ trọn đời bên nhau. Ấy vậy mà vẫn gặp vô khối phiền toái, là bởi xung quanh ngôi mộ ấy đã bị “bao vây” bởi hàng chục ngôi mộ của người khác.

Không ít ngôi mộ được người ta xây tường bao quanh, có chiều cao đến thắt lưng người trưởng thành [1]. Vì thế, để thỏa lòng tâm nguyện từ trước của cha mẹ mình, thân quyến gia chủ sẽ phải xúm vào khiêng áo quan, nhích từng bước một, nhẫn nại vượt qua chừng ấy ngôi mộ, chừng ấy bức tường. Không may thay, giữa tang chủ và gia đình một người có mộ liền kề có mâu thuẫn từ trước. Thế là ân oán lâu năm được người kia có dịp đem ra để “trả thù”, nhất quyết không cho bất kì ai khiêng áo quan qua mộ của người thân mình.

Tang gia vốn đã ảm đạm một màu buồn, giờ lại nhuốm thêm lắm bi ai bởi lời qua tiếng lại của người còn sống. Phải đến khi chính quyền xã cử người xuống can thiệp thì mọi chuyện mới yên.

Sau mỗi lần như thế, người ta chỉ chờ đợi sơ hở của “đối phương” để chì chiết, gây sự. Rồi đến một hôm, không ai biết vì lí do gì “bên này” phát hiện ra mấy thẻ hương cháy dở rơi vung vãi trên mặt đất trước mộ phần nhà mình (có khi vì gió cũng nên, chả do ai cả). Và thế là giông bão nổi lên, bát hương của bên kia cũng bị âm thầm ném chổng chơ, phơi sương cùng tuế nguyệt. Tình nghĩa láng giềng, họ hàng thêm rạn vỡ chỉ vì những hoài nghi vô cớ, những đòn thù rất đỗi nhỏ mọn được lặp đi lặp lại nhiều lần. 

{keywords}
Ảnh minh họa

Đua “chữ hiếu” hay lòng tham trần tục?

Hiện tượng nhà nhà, chi chi, họ họ đua nhau bỏ tiền xây lăng mộ một cách xa hoa lãng phí đã được báo chí đề cập nhiều. Tiếp tục giải mã tâm thế hay mục đích  của việc này, xin gợi mở một số vấn đề.

Thứ nhất, có phải dân xứ mình đã sung túc, thừa tiền đến độ cuộc sống trên dương thế đã quá đủ đầy, họ chẳng còn nhu cầu gì khác nên hào phóng bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu xây cất “nhà mới” cho người đã khuất?

Câu trả lời rõ ràng là không. Ở nhiều nơi, không ít gia đình phải đôn đáo vay mượn để có đủ tiền quyên góp xây mộ tổ sao cho “hoành tráng”, không thua kém ai, mặc cho nơi dương thế, con cái họ vẫn lầm lũi ra vào những căn nhà xiêu vẹo, tồi tàn hàng ngày.

Thứ hai, có phải lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên chỉ có thể đo đếm được qua quy mô những ngôi mộ bề thế? Tôi hoài nghi điều này bởi cứ cho là có sự tồn tại của thế giới bên kia, thì vong hồn của những người đã khuất chắc không muốn con cháu mình lãng phí, trong khi còn bao mảnh đời khốn khó chốn dương gian đang cần sự sẻ chia manh áo ấm, mái nhà che chắn họ khỏi mưa nắng dãi dầu.

Tôi đồ rằng không ít những ngôi mộ bề thế kia được dựng lên bởi những “toan tính” của người còn sống. Họ coi đó như một khoản “đầu tư”, mong được phù hộ, làm ăn “mua một bán một nghìn”, con đường quan lộ “hanh thông”…

Tôi đồ rằng không ít người bỏ tiền xây mộ như cách để tự an ủi, với niềm tin đó là cách họ tự sám hối.

Tuần du một vòng qua những khu mộ ở quê, tôi cứ băn khoăn tự hỏi vì lẽ gì, với việc quy hoạch những khu đất “vàng” để bán đấu giá, người ta làm nhanh, gọn và “hiệu quả” đến thế, trong khi bao năm tháng trôi qua, người ta vẫn bỏ mặc nơi yên nghỉ của người đã khuất trong tình trạng  lộn xộn. Người ta vẫn thường xuyên đi lễ, vẫn tảo mộ thường niên, không lẽ những tiếng thở dài bi ai nơi âm thế chưa vang động đến trái tim họ? 

Nguyễn Công Thảo


[1] Bạn đọc có thể xem thêm bài viết của tác giả về những bức tường tại: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/182018/viet-nam--xu-so-cua-nhung----buc-tuong-.html