Hình ảnh Tổ quốc luôn gần trong từng hơi thở của dân "lấy biển làm nhà". Lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam luôn được chăm chút trên từng mũi tàu đánh bắt xa bờ, như một niềm tin.

Dựng "bò gù" thành cột mốc chủ quyền

Một ông bạn am hiểu miệt biển Phú Yên mách nước cho tôi: Phải tranh thủ dịp cà-phê sáng, nhậu "đất liền" giữa hai chuyến biển, mới trò chuyện lâu được với những bạn tàu câu bò gù (cá ngừ đại dương). Bởi thời gian về với gia đình của những người "ăn sóng nói gió" không nhiều; mỗi chuyến biển thường ngốn 25 - 30 ngày, về bến bán cá, nghỉ ngơi ba, bốn ngày, rồi lại tiếp nhiên liệu, lương thực để ra khơi.

Cái quán cà-phê "cóc" ở ngã ba Hùng Vương - Lê Lợi (Tuy Hòa) luôn đông đúc dân câu bò gù ngồi cà kê thư giãn, đánh cờ, chuyện trò rôm rả sau mỗi chuyến biển. Tôi tỏ ra e dè khi đề cập những chuyện "to tát" trong không khí này. Thế nhưng Ngô Tấn Sĩ (41 tuổi, ở phường 7, Tuy Hòa; bạn tàu PY92484) xua tay: "Chuyện "quốc gia đại sự" luôn là chủ đề bọn tui hay nói trên tàu. Nhất là trong tình cảnh biển đảo của đất nước đang sóng gió bất kỳ, anh em bò gù đều ý thức rất rõ vai trò, vị trí của mình bởi sự có mặt thường xuyên trên Biển Đông, để khẳng định chủ quyền đất nước...".

Nhấp ngụm cà-phê, Sĩ bộc bạch: "Trang thiết bị trên tàu bò gù bây giờ hiện đại hơn rất nhiều so với hồi tui mới vào nghề. Thế nên từng khu vực tọa độ, vùng biển nào, đảo của ai đang nắm giữ, đều được liên tục xác định trên hành trình đánh bắt. Bọn tui gặp tàu nước ngoài thường xuyên nhưng việc ai người nấy làm; chỉ khi có điều gì bất thường là báo ngay cho cơ quan chức năng đất liền. Thông tin liên lạc với biên phòng, gia đình luôn được giữ 24/24 giờ...".

Anh Ngô Thanh Hòa, một bạn bò gù ngồi cùng bàn, góp chuyện: "Chỉ riêng ở khu vực quần đảo Trường Sa. Bọn tui vô cùng bực mình khi có lúc thấy rất nhiều tàu nước ngoài giăng đèn công suất lớn để hành nghề chụp mực. Kiểu đánh bắt tận diệt này luôn làm khó cho dân câu bò gù, nhiều khi bọn tui không thả thúng câu được mực để làm mồi câu bò gù. Thế nhưng anh em cũng chẳng ngán gì, tàu mình đi thành tập đoàn năm, bảy chiếc nên cũng vững bụng, cứ thản nhiên làm việc...".

Trần Ngọc Lâm (31 tuổi, chủ đầu tư kiêm thuyền trưởng tàu PY92484) tư lự: "Nói thật với anh, làm ăn thì làm ăn nhưng những lúc gặp sự đụng chạm đến lợi ích quốc gia, tự nhiên ý thức dân tộc trong anh em tui chực bùng lên...!".

Cá bò gù về cảng

Hứng chí, Sĩ yêu cầu cả nhóm trật tự để... đọc thơ:

... Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền

Rằng cha ông vươn mình ra biển lớn

Chểnh mảng nào cũng đắc tội với tổ tiên...

Tôi hỏi: "Anh "kiếm" đâu hay vậy?".

- Nghe đài chớ đâu! Nghe qua thuộc liền. Bài thơ này được giải thưởng gì đó...

(Ấy là bài "Hào phóng thềm lục địa" của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, đoạt giải A cuộc thi thơ 2008-2009 - Tạp chí Văn nghệ quân đội, giải A văn học - nghệ thuật năm 2011 của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân). Trên tàu, phương tiện giải trí hầu như chỉ là mấy tờ báo cũ, đặc biệt là hệ thống phát thanh, nghe đài suốt ngày. Ngoài Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều đài của các tỉnh, thành phố cũng "lan" sóng trên biển rất rõ... Nhờ vậy, anh em bạn tàu đều nắm thông tin thời sự khá sát, không "lơ ngơ" khi vô đất liền...

Cờ Tổ quốc trên mọi nẻo Biển Đông

Lão ngư Phan Thuẫn, Ủy viên Hiệp hội Cá ngừ đại dương Phú Yên, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (Tuy Hòa) nói: "Tuy Hòa hiện là trung tâm hậu cần của nghề cá ngừ đại dương Việt Nam, thế nên bà con ngư dân rất chú trọng tạo dựng liên kết các đội tàu đánh bắt xa bờ. Mối quan hệ giữa ngư dân và Bộ đội Biên phòng lúc này đúng là như "cá với nước". Điện thoại bàn, điện thoại di động của từng trạm biên phòng, từng người có trách nhiệm đều được anh em bò gù lưu giữ kỹ càng, hễ có chuyện gì là phối hợp "tác chiến" rất nhịp nhàng, linh hoạt. Cái khí thế làm giàu trên biển kết hợp giữ gìn lãnh hải quốc gia luôn hừng hực trong lực lượng câu bò gù...".

Bên bờ kè Bạch Đằng (Tuy Hòa), tôi gặp anh Nguyễn Thanh Hiệp (chủ đầu tư kiêm thuyền trưởng tàu PY90936, là con rể ông Phan Thuẫn) đang điều hành việc nhập đá lạnh xuống tàu để chuẩn bị chuyến câu mới. Thuyền trưởng Hiệp nhiệt thành: "Nói chung trên Biển Đông lúc này còn giành giựt, phức tạp đủ chuyện. Thế nhưng chúng ta có lực lượng ngư dân đánh bắt xa bờ mạnh nên đã góp phần tạo sự yên ổn. Ngư dân đánh bắt xa bờ mà có đầu tư đúng "đô", liên kết bài bản, thì sẽ làm ăn "sống chết" với biển. Nẻo đường nào trên biển bây giờ cũng thấy lá cờ Tổ quốc mình tung bay, là vững tin làm ăn. Xin mọi người yên tâm, tinh thần yêu nước của ngư dân xa bờ là không bao giờ thiếu...".

Tôi nhìn ra nhóm tàu bò gù đang "ăn" đá lạnh, những lá cờ bạc mầu gió biển đều tung bay trang trọng trên mỗi khoang tàu...

Anh Hiệp còn cho hay, chuyện đầu tư tàu lớn, phương tiện hiện đại là nguyện vọng của rất nhiều gia đình ngư dân hiện nay, trong đó có gia đình anh. Bởi như vậy mới đánh bắt hiệu quả, an toàn và có thể vững lòng "nói chuyện" với những kẻ xâm nhập lãnh hải bất hợp pháp. Thế nhưng ngành ngân hàng vẫn còn khá e dè và lãi suất cho ngư dân vay đóng tàu vẫn còn quá cao. "Thí dụ, vốn liếng trong nhà một chủ tàu vỏ gỗ cỡ một tỷ đồng thì không thể đóng tàu vỏ thép, công suất lớn (5 - 7 tỷ đồng/chiếc) được. Nếu vay "nóng" bên ngoài để đóng tàu thì... bất khả kháng!", thuyền trưởng Hiệp nói.

Chị Phạm Thị Mỹ Liên (33 tuổi, ở Đông Tác, Tuy Hòa), vợ anh Lương Công Đồng (39 tuổi, thuyền trưởng tàu cá PY91049) thì nói: "Tài sản, cuộc sống của gia đình tui là chiếc tàu câu bò gù này, chồng tui không đi biển thì lấy gì để sống? Hết lo bão gió, nay lại thêm nạn tàu nước ngoài quậy phá. Nhưng vợ chồng tui bàn rồi, có gì mà sợ, biển của mình, các tàu đi theo từng tốp, lại có Bộ đội Biên phòng hỗ trợ, thì cứ bình thường làm ăn, mà phải làm ăn bài bản hơn kia, bởi nguồn thu từ câu bò gù lớn lắm!".

Theo ông Phan Thuẫn, vẫn còn nhiều chuyện "đau đầu" để nghề đánh bắt bò gù phát triển tương xứng, bền vững. Thế nhưng khí thế niên vụ vừa qua đang tạo sự hưng phấn cho cộng đồng "cột mốc di động" trên bể Đông...

Theo Hùng Phiên/ Thời nay số Xuân Quý Tỵ

Theo Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, nước ta hiện đang đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu cá ngừ đại dương. Trong đó, Phú Yên luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về giá trị đánh bắt cá ngừ đại dương. Cả nước hiện có hơn 1.800 tàu câu cá ngừ đại dương và "thủ đô bò gù" Phú Yên đang chiếm một phần ba lượng tàu. Ngoại trừ một số tàu lớn của các doanh nghiệp, còn lại là của ngư dân chủ yếu sở hữu tàu vỏ gỗ, công suất từ 90 - 350 CV. Bài toán hiện đại hóa, nâng tầm hiệu quả ngành công nghiệp bò gù vẫn đang là