Nhận ra hệ thống pháp lý Việt Nam thời điểm đó đang cản trở sự phát triển, đổi mới…, chúng ta đi đến kết luận: Muốn hội nhập, muốn phát triển phải cải tạo hệ thống luật pháp. 

‘Khi ấy tôi thấy rõ thiện chí của ông Nguyễn Cơ Thạch’ 

LTS: Tác động của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) đã được phân tích, mổ xẻ nhiều từ các góc độ khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tiếp theo trong loạt bài Hai mươi năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn của “người trong cuộc” - ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định BTA. 

Đường đi còn tắc

Cuộc đàm phán Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) bắt đầu từ cuối năm 1995. Cho đến lúc đó, Việt Nam đã gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ trên tinh thần "Việt Nam chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc, phấn đấu vì hòa bình và phát triển". Việt Nam khi đó chưa có hướng dẫn về hội nhập kinh tế; Nghị quyết 07 về hội nhập kinh tế của Bộ Chính trị ban hành tháng 11/2001 tức là hơn một năm sau khi BTA được ký kết, trong đó đề cập đến mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc hội nhập...

Ở cái thời đó, xã hội Việt Nam, sau khi đã không thành công với nền kinh tế bao cấp, kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đã nhận thức được rằng, phải chấp nhận kinh tế thị trường để phát triển, rằng kinh tế thị trường là sản phẩm của xã hội loài người, không phải là sản phẩm riêng của CNTB. Việt Nam bắt đầu bằng một quá trình "phá", cố gắng "phá" hết những cái gì có màu sắc "bao cấp", những cái gì cho là không phải kinh tế thị trường. Phá thì dễ, nhưng "xây" thế nào để có một nền kinh tế thị trường trong lòng CNXH thì chưa rõ, còn bàn cãi.

Tôi còn nhớ, Luật thương mại được viết lại và ban hành năm 1995, nhưng mười năm sau ít thấy một điều khoản nào đi vào cuộc sống. Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được "chốt" khá chặt chẽ ở 3 chương, 80 điều trong Bộ luật dân sự 1995, nhưng ở một cửa hàng bán các đĩa nhạc trên phố Tràng Tiền ngay cạnh tòa nhà Bộ thương mại, bán toàn đồ rởm, đồ nhái mà không ai làm gì được. Lý do là bởi Luật không quy định điều khoản thực thi, không quy định giao cho ai bắt, ai thu. Bắt, thu xong xử lý thế nào…

{keywords}

Tổng thống Bill Clinton tiếp ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, tại Nhà Trắng, Washington, ngày 13/7/2000. Ảnh: tác giả cung cấp.

Một dự thảo "sặc mùi Mỹ"

Sau mấy vòng gặp gỡ cả ở Hà Nội, cả ở Washington D.C tìm hiểu luật lệ, cơ chế, chính sách của các bên, sáng ngày 12/4/1997 đầu giờ vòng đàm phán thứ 4 tại phòng khách Bộ thương mại, 31 phố Tràng Tiền Hà Nội, ông Jozeph Damond, Trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ trao cho tôi bản dự thảo Hiệp định BTA gồm 4 phần: Thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, quan hệ đầu tư, thương mại dịch vụ… và báo cho chúng tôi biết rằng: Dự thảo được thiết kế trên những nguyên tắc của WTO.

Sau khi đọc bản dự thảo tôi thực sự bị choáng, nó "sặc mùi Mỹ", nó quá mới mẻ, hàng loạt khái niệm chưa được tiếp cận, làm quen:

Thứ nhất, bản dự thảo thiết kế trên những nguyên tắc WTO, mà ở thời điểm đó, ở Việt Nam chỉ mới nghe chứ chưa biết nội dung của nó là gì. Ngay cả những nội dung của GATT (Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại) ở Việt Nam cũng chưa được chuyển tải trên phương tiện thông tin vì đó là luật chơi của "phe tư bản", xa lạ với luật chơi XHCN.

Thứ 2, trong dự thảo, Hoa Kỳ đưa ra quy chế Đối xử quốc gia (National Treatment), Đối xử bình đẳng giữa hàng hóa trong nước và ngoài nước, giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Trong từ điển tiếng Việt ở Việt Nam chưa có từ này. Nó trái với quan điểm, đường lối, chính sách và luật lệ kinh tế XHCN ở Việt Nam.

Thứ 3, Hoa Kỳ yêu cầu gỡ bỏ hết mọi rào cản thương mại theo quy định của WTO, thực thi một nền thương mại tự do. Điều này vi phạm nguyên tắc quyền độc lập tự chủ của Việt Nam.

Thứ 4, Hoa Kỳ đòi Việt Nam giảm thuế xuất nhập khẩu. Đây cũng là điều khó, vì ở Hoa Kỳ thuế XNK chỉ chiếm chưa đầy 2% nguồn thu ngân sách, ngoài ra còn có thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản… Trong khi đó, ở Việt Nam, cũng như ở các nước XHCN trước đó, thuế XNK là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách, chiếm gần 20% ngân sách, ngoài thuế XNK lúc đó Việt Nam chưa có thuế nào khác. Nếu cắt giảm thuế XNK thì ngân sách khó khăn.

Thứ 5, trong chương Thương mại dịch vụ: là chương mới được thiết kế vào trong WTO, trước đây trong GATT chưa có.

Trong lúc trên thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ, các ngành dịch vụ phát triển mạnh mẽ, đã có luật lệ hoàn chỉnh để điều tiết, thì ở Việt Nam lúc đó các dịch vụ như ngân hàng, vận tải… vẫn được coi như chỉ là khâu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, chưa có bất kỳ một luật nào điều tiết hoạt động dịch vụ. Hoa Kỳ quan tâm và yêu cầu Việt Nam mở cửa cả những ngành dịch vụ nhạy cảm mà lúc đó Việt Nam coi là lĩnh vực liên quan an ninh quốc gia, là vùng cấm như tài chính, viễn thông…

Thứ 6, trong chương quan hệ đầu tư: Nội dung mà Hoa Kỳ đưa ra đàm phán là dựa vào Hiệp định đầu tư mẫu (Model Investment Treaty) mà Hoa Kỳ đã ký trong NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) và với các nước phát triển khác. Những nội dung này hoàn toàn khác với các Hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với hàng chục nước trong đó có cả những nước phát triển. Đặc biệt có những quy định mới và chặt chẽ như: Khái niệm về đầu tư, về nhà đầu tư, quy định về vấn đề trưng dụng, quốc hữu hóa, đền bù, sử dụng trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp…

Chung quy lại những nguyên tắc mà Hoa kỳ muốn cài đặt vào BTA để làm hành lang pháp lý vận hành quan hệ kinh tế thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam là:

Nguyên tắc bình đẳng: Bình đẳng không phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu; Bình đẳng không phân biệt giữ đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Nguyên tắc kinh tế mở: Các doanh nghiệp tự do kinh doanh XNK mọi hàng hóa mà luật không cấm. Các nhà đầu tư được xuất khẩu những hàng hóa do mình sản xuất ra và nhập khẩu những hàng hóa phục vụ cho sản xuất; Mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào, thực thi một chính sách đầu tư minh bạch, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thực thi một cơ chế đầu tư thông thoáng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nguyên tắc luật pháp: Phải công khai, minh bạch, thống nhất đồng bộ, dễ hiểu, dễ thực thi, dân và các doanh nghiệp phải được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng luật.

Cuộc đàm phán diễn ra trầy trật, kéo dài, "lên bờ xuống ruộng". Chấp nhận những cam kết như thế này nghĩa là phá vỡ gần như toàn bộ khung pháp lý hiện hành. Đó là điều chưa có trong một cuộc đàm phán quốc tế.

Nhưng rồi, trên cơ sở nhận diện được xu thế phát triển của thời đại, những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế thế giới, cùng với nhu cầu bình thường hóa đầy đủ quan hệ với Hoa Kỳ, và trên cơ sở xã hội cũng đã nhận ra được rằng, hệ thống pháp lý Việt Nam thời điểm đó đang cản trở sự phát triển, đang làm bế tắc mọi ý tưởng đổi mới, không thể vận hành được nền kinh tế thị trường, chúng ta đã đi đến kết luận: Muốn hội nhập, muốn phát triển phải cải tạo hệ thống luật pháp.

Hai bên từng bước tìm hiểu luật lệ của nhau, tìm cách tiến gần nhau và cuối cùng BTA được hoàn tất ký kết và có hiệu lực từ tháng 12/2001.

>> Xem tiếp Kỳ 2: Họ nghĩ chơi được với Mỹ có thể chơi với bất kỳ ai

Nguyễn Đình Lương (Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ)

 

>> Xem thêm các bài trong mạch Hai mươi năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ