Việc giao quyền ra chính sách cho các địa phương là một điều tự nhiên và nên thực hiện. Vai trò của Bộ GD&ĐT chỉ nên là kiểm soát chất lượng chung, hỗ trợ đào tạo người quản lý giáo dục cấp địa phương…

Tỉnh khác có xin được "đặc thù" như Bí thư Thăng

Ngày 7/6, Sở GD&ĐT TP. HCM đã có những đề xuất xin “cơ chế tự chủ” trong các quyết định GD&ĐT. Những đề xuất này bao gồm quyền tự chủ chương trình đào tạo, sách giáo khoa, và khảo thí ở nhiều cấp học, từ mầm non đến Đại học.

Tôi là một học sinh tỉnh lẻ đến hết lớp 9, rồi học phổ thông ở một trường chuyên ở TP. HCM, sau đó du học  tại Mỹ, và hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ kinh tế tại ĐH Harvard. Từng trực tiếp học qua nhiều môi trường, tôi nhận thấy rằng cơ chế tự chủ là yếu tố hết sức cần thiết để tạo môi trường cạnh tranh giáo dục lành mạnh, thúc đẩy chất lượng học sinh đầu ra.

Chắc chắn sẽ có nhiều băn khoăn về việc liệu giao cho TP. HCM và các tỉnh thành quyền tự chủ có đào sâu khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, tạo sự không đồng bộ trong chất lượng giáo dục cả nước. Song chúng ta không nên vì thế mà ngăn trở một thay đổi rất cần thiết trong tư duy giáo dục thể hiện qua đề xuất này: đó là, xóa bỏ tư duy cào bằng và tính không hiệu quả của việc lên kế hoạch tập trung.

Các địa phương có cần “cào bằng”?

Trước khi bàn đến “cơ chế tự chủ”, câu hỏi cần đặt ra là: liệu có lý do nào khiến chúng ta muốn một nền giáo dục mà các địa phương đều như nhau không?

{keywords}

Cái cần thay đổi nhất và trước tiên có lẽ chính là cách Bộ GD&ĐT đi tìm sự thay đổi. Ảnh: Doisongphapluat.com

Trên thực tế, các địa phương vốn khác nhau – từ tài chính đến điều kiện cơ sở vật chất và nhân sự. Do đó, việc dạy, học, và khảo thí trên cùng một chương trình toàn quốc chắc chắn sẽ hạn chế hiệu quả giáo dục của tất cả địa phương Điều này cũng giống như cố tình chọn một cỡ áo cho hai người có vóc dáng khác nhau: ít nhất một người sẽ mặc không vừa.

Thử ví dụ một vấn đề nổi cộm là sự khác biệt về việc dạy học tiếng Anh ở các tỉnh so với các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM. Vì điều kiện nhân sự và cơ sở vật chất, học sinh các tỉnh luôn chịu thiệt thòi nhất định. Nếu Bộ ra chính sách khảo thí theo chuẩn của các thành phố lớn, chắc chắn học sinh tỉnh sẽ theo không kịp. Còn nếu Bộ khảo thí theo chuẩn của học sinh tỉnh, việc học tiếng Anh ở các thành phố sẽ thiếu động lực để phát triển, dù những nơi này có các nguồn lực cần thiết.

Do đó, theo tôi, người làm chính sách, nên chấp nhận sự khác biệt, để các tỉnh tự chọn hướng đi phù hợp, và đầu tư nâng cấp cho các tỉnh phát triển để thu hẹp khoảng cách vùng miền. Hướng tiếp cận này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với đầu tư nghiên cứu để viết một cuốn sách giáo khoa chung.

Trao tự chủ để thúc đẩy tự lực

Theo tôi , có ba lý do chính để trao quyền tự chủ giáo dục cho TP. HCM cũng như các địa phương khác.

Trước hết, làm giáo dục hiệu quả ở cấp Bộ đòi hỏi một bộ máy cồng kềnh.

Kinh nghiệm từ quá khứ đã cho chúng ta bài học về phương thức quản lý kinh tế tập trung: quản lý tập trung dù tốt trên lý thuyết, lại rất khó thực hiện hiệu quả, vì cấp quản lý đòi hỏi phải nắm rõ thông tin của từng vùng miền để lên kế hoạch phù hợp.

Điều này không chỉ đúng trong kinh tế, mà còn đúng cho quản lý giáo dục. Vì các địa phương hiểu rõ nhất đặc thù của mình, việc giao quyền ra chính sách cho các địa phương là một điều tự nhiên. Vai trò của Bộ GD&ĐT chỉ nên là kiểm soát chất lượng chung, hỗ trợ các địa phương yếu về tài chính, và hỗ trợ đào tạo người quản lý giáo dục cấp địa phương.

Nếu xác định được vai trò rõ như vậy, chính sách giáo dục sẽ thực tiễn, sát với tình hình địa phương, và Bộ GD&ĐT sẽ bớt cồng kềnh, không phải qua nhiều bước tập trung thông tin như hiện nay.

Hai là, tự chủ giáo dục sẽ khuyến khích sáng kiến giáo dục và học hỏi lẫn nhau.

Việc Bộ GD&ĐT quyết định toàn bộ cơ chế giáo dục và khảo thí đặt các địa phương vào thế thụ động, vì các tỉnh thành chỉ cần thực hiện những gì đã được quyết ở cấp Bộ. Một khi phải tự quyết định, các địa phương sẽ có động lực tự nghĩ ra cơ chế phù hợp; những chính sách không hợp lý sẽ thể hiện rõ khi so sánh giữa các địa phương để có sự điều chỉnh hợp lý.

Ba là, tự chủ sẽ nâng cao chất lượng đầu ra của học sinh – sinh viên. TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng là nơi tập trung nhiều cơ hội việc làm, những địa phương này hiểu rõ kiến thức, kỹ năng nào là cần thiết để đào tạo một nguồn lực lao động chất lượng cao. Có quyền tự chủ, các thành phố này sẽ hướng chương trình giáo dục theo hướng thực tiễn, hướng nghiệp, và tránh những sự quá tải kiến thức không cần thiết. Từ đó, các địa phương khác sẽ có áp lực để thay đổi tương tự.

Điều cần thay đổi nhất

Chắc hẳn nhiều người dân Việt Nam đồng ý với nhận định nền giáo dục chúng ta còn nhiều bất cập, và tôi tin hơn ai hết, tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là người trăn trở nhiều nhất về việc làm sao để có thay đổi giáo dục hợp lý.

Nhưng muốn vậy, cái cần thay đổi nhất và trước tiên có lẽ chính là cách Bộ GD&ĐT đi tìm sự thay đổi. Trong 10 năm lại đây, Bộ GD&ĐT luôn là đầu tàu của sự thay đổi, từ việc thay sách giáo khoa mới đến việc thay cách tuyển sinh Đại học (mỗi năm). Tuy nhiên, những thay đổi này không mang lại hiệu quả, phải chăng vì sự khô cứng, không linh động theo địa phương; vì mỗi chính sách cần rất nhiều đầu tư vào thí điểm trên khắp cả nước; vì tư duy giáo dục phổ thông của Bộ vốn không ăn khớp với nhu cầu của các trường Đại học, và sâu hơn nữa là thị trường lao động?

Hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng cơ chế để TP. HCM và các địa phương chủ động tìm con đường phát triển giáo dục phù hợp cho mình, những bước đi mạnh dạn này sẽ tạo nên động lực giúp giáo dục nước nhà phát triển mạnh mẽ hơn.

Châu Thanh Vũ