Học giả TQ khá hài hước khi nói rằng: “TQ tăng cường quốc phòng đều là lấy phòng ngự làm mục tiêu, là chuyện rất bình thường; không mang lại nguy hại cho các nước xung quanh và thế giới”(!)

>>Bài 1: "Bằng chứng lịch sử của TQ" vô giá trị với luật quốc tế

>>Bài 2: "TQ là mối đe dọa, Mỹ không thể đứng ngoài"

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu loạt bài viết nhà báo Hoàng Hường, hiện đang tham gia chuyến làm việc của các nhà báo từ 14 nước vùng Châu Á – Thái Bình Dương đến làm việc tại 4 nước Mỹ, Trung Quốc, Phillipines và Singapore về vấn đề Biển Đông.

Ba học giả Trung Quốc và Mỹ được đề cập trong bài viết là: Tiến sĩ Denny Roy, nhà nghiên cứu cấp cao về Quản trị và An ninh, Trung tâm Nghiên cứu Đông Tây, Hoa Kỳ; GS Sherry P. Broder, trường luật William S. Richardson, thuộc Đại học Hawaii, tại Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ; và ông Lý Quốc Cường, Phó giám đốc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS).

Học giả Mỹ: ‘Trung Quốc sẽ hung hăng hơn nữa’

Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo quân sự hàng năm. Báo cáo dành phần lớn thời lượng về Trung Quốc, có hai mục ‘đặc biệt’ trọng tâm là hoạt động của TQ trên Biển Đông và việc gia tăng không ngừng đầu tư quân sự. Theo báo cáo, trong năm 2014 TQ thông báo đã tăng 9.3% ngân sách quốc phòng, nâng tổng số năm là 136 tỷ USD. Trung bình, TQ tăng 9.5% ngân sách mỗi năm trong giai đoạn từ 2005 đến 2014, chủ yếu đầu tư vào việc mua vũ khí nước ngoài, trang thiết bị, nghiên cứu và phát triển.

Cùng việc gia tăng tốc độ và quy mô xây dựng trên Biển Đông và liên tục có hành động gây hấn, TQ khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Tuy nhiên ông Lý Quốc Cường cho rằng: “TQ tăng cường quốc phòng đều là lấy phòng ngự làm mục tiêu, là chuyện rất bình thường; không mang lại nguy hại cho các nước xung quanh và thế giới” (!)

Tăng cường quân sự nhưng không nguy hại?

Ông Lý Quốc Cường đưa ra lập luận khá hài hước rằng từ trước đến nay TQ “là một đất nước mang tính chất phòng ngự” vì “vị trí và kết cấu địa lý của TQ và văn hóa truyền thống của TQ” để dẫn tới kết luận là “việc phát triển quân sự của một đất nước là chuyện rất bình thường, quan trọng là nó không mang lại nguy hại cho các nước xung quanh và thế giới”.

{keywords}

Ảnh vệ tinh chụp bãi đá Châu Viên vào tháng 11.2014 - Ảnh: CSIS

Từ góc nhìn Mỹ, học giả Denny Roy nhận định: Về mặt quân sự, Trung Quốc thậm chí sẽ hung hăng, gây hấn hơn bây giờ. Điều đó sẽ tác động đến quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng.

Về mặt kinh tế, Trung Quốc đang ngày càng nâng cao ảnh hưởng trên toàn cầu. Theo ông Roy, về mặt này, ảnh hưởng của Trung Quốc rõ ràng và chính đáng. “Hãy nhìn một ví dụ: những quốc gia như Anh chẳng hạn đã nhanh chóng tham gia vào AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank – Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á) ngay cả khi nhiều người Anh vẫn có nhiều quan điểm trái chiều với các đường lối của Trung Quốc”, ông Roy nói.

Đồng quan điểm với ông Roy, bà Sherry cho rằng TQ hiện đã đứng đầu thế giới về kinh tế. “Trung Quốc mở rộng sức mạnh kinh tế qua các việc mở rộng thị trường, kinh tế, và các nguồn lực; đã thu hút được 2 nghìn tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới trong việc xây dựng hạ tầng hiện đại và xuất khẩu toàn cầu ($2.2 nghìn tỷ). Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong 30 năm trở lại đây là một hiện tượng. Tới năm 2025, Trung Quốc được dự đoán sẽ trở thành quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực sản phẩm nội địa” bà Sherry chia sẻ.

Về mặt quân sự, bà Sherry chia sẻ: Trong tham luận mà Bộ Quốc phòng Mỹ từng trình Quốc hội ‘Phát triển Quốc phòng và An ninh cùng Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 2015’ có đề cập rằng Trung Quốc đang xúc tiến một chương trình “lâu dài, toàn diện hiện đại hoá quân sự để nhằm nâng cao sức mạnh và giành phần thắng trong một giai đoạn ngắn và bất ngờ trong khu vực”. “Điều này rất đáng lo ngại”, bà nói.

TQ xây đảo vì mục đích cộng đồng?

Cũng hài hước không kém, ông Lý Quốc Cường cho rằng “TQ không có hành động mở rộng các hòn đảo” và “chúng ta phải xem mục đích xây dựng là gì, là chiếm lĩnh hay là phục vụ cộng đồng” (?) Ông Cường cho rằng “TQ không được nhận xét công bằng” vì  “Từ năm 2002 đến nay, TQ mới bắt đầu triển khai một số hoạt động xây dựng quần đảo. Trong khi mười mấy năm nay, các nước khác làm nhiều hơn rất nhiều so với TQ” (!) lời ông Cường.

Bà Sherry: Gần đây Trung Quốc bắt đầu một chương trình tổng lực trong việc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Ở những vùng mà Trung Quốc đang yêu sách, nước này đều không có quyền hợp pháp nào trong việc đòi kiểm soát vùng Biển Đông cũng như các khu vực khác. Tuy nhiên các dự án đang được nước này xây dựng đặc biệt đáng lo ngại vì Trung Quốc sẽ có cảng biển, hệ thống truyền thông và giám sát và ít nhất là một sân bay tại quần đảo Trường Sa.

{keywords}

Cận cảnh các công trình đang được xây dựng phi pháp trên nền đảo nhân tạo trên bãi Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Asahi Shimbun

“Điều đó có nghĩa Trung Quốc sẽ có thể sử dụng Trường Sa như một căn cứ bán quân sự, bao gồm cả các tàu thuyền cá, thương mại và quân sự, cũng như các hạm đội hải quân cho các mục đích lâu dài của nước này”, bà nhận định.

Những dự đoán về diễn biến trên Biển Đông

Dự đoán về các diễn biến trong tương lai ở Biển Đông, học giả TQ dùng từ “kho thuốc nổ”, hai học giả Mỹ “tái cân bằng quyền lực” và “nguy cơ kiểm soát”.

Ông Lý Quốc Cường: Các nước còn tiếp tục tăng cường lực lượng quân đội, không chỉ riêng TQ, khả năng xảy ra xung đột quân sự có quy mô lớn ở khu vực Biển Đông đang giảm xuống, nhưng các điểm khác của “kho thuốc nổ” này lại có thể bùng nổ.

Bà Sherry: Tổng thống Mỹ Obama từng phát biểu rằng chính sách ngoại giao của Mỹ là gắn liền với việc tái cân bằng quyền lực ở vùng Châu Á – Thái Bình Dương và một trong những thành phần chủ chốt trong việc tái cân bằng này cũng là chiến lược mở rộng quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc. Ông Obama cũng đã công du các nước Châu Á và gặp gỡ nhiều lãnh đạo của các nước này như Thủ tướng Nhật Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Tổng thống Indonesia Jokowi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Năm 2015, Tổng thống Obama tiếp tục công du Châu Á. Tầm quan trọng của sự hợp tác và thoả thuận của Mỹ được thể hiện ở số lượng của các chuyến thăm cao cấp.

Ông Denny Roy: Tôi mong rằng sẽ có những giải pháp, nhưng tôi nghĩ có rất ít khả năng. Nguyên nhân chính là Trung Quốc không có thiện chí hay thoả hiệp. Xu hướng tiếp theo sẽ là tiếp tục ép buộc các bên bỏ cuộc.

Trung Quốc là đối tác thương mại chính trong khu vực, và do đó, cũng sẽ trở thành nguy cơ kiểm soát cả khu vực. Sẽ là một hướng tích cực cho khu vực này nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hoà bình.

Những quốc gia khác trong khu vực có thể cùng nhau trở thành những đối tác gần gũi, việc Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh hơn, cũng được coi là đáng lo ngại hơn.

- TS Denny Roy từng giảng dạy ngành Trung Quốc học, lịch sử Châu Á, và chính trị Đông Nam Á tại Trường Cao học Hải quân Monterey, California từ năm 1998 – 2000; nghiên cứu về an ninh – quốc phòng tại Đại học Canberra, Australia; dạy Khoa học Chính trị tại trường Singapore và Anh trước khi trở thành nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông – Tây tại Honolulu, Hawaii, Mỹ đến nay. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu như: The Pacific War and Its Political Legacies; Taiwan: A Political Policy và China’s Foreign Relations cùng nhiều bài viết trên các tạp chí khoa học – chính trị.

- GS Sherry P. Broder hiện giảng dạy tại trường luật William S. Richardson, Đại học Hawaiil, tại Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ. Lĩnh vực giảng dạy nghiên cứu chính của bà là luật quốc tế, luật đại dương, luật môi trường và quyền con người. Ngoài ra bà còn là cố vấn truyền thông, trọng tài luật cho bang Hawaii. Bà là người sáng lập và là giám đốc điều hành của Viện Luật và Công lý Quốc tế Jon Van Dyke, nơi thường xuyên tổ chức các hội thảo và các sự kiện liên quan đến Luật biển quốc tế, Luật môi trường quốc tế và Quyền con người.

- TS. Lý Quốc Cường là nhà nghiên cứu về lĩnh vực triết học và khoa học xã hội. Hiện ông làm việc tại Trung tâm nghiên cứu biên giới tại CASS, Trung Quốc.  

Phần tiếp: Bộ ngoại giao Trung Quốc nói gì?

Hoàng Hường

* Loạt bài được thực hiện trong chương trình Jefferson Fellowships do Trung tâm Đông - Tây (East - West Center) của Mỹ tổ chức tại Hawaii (Mỹ), Bắc Kinh, Hải Nam (Trung Quốc), Masinloc, Manila (Philippines) và Singapore. Tuần Việt Nam giữ Bản quyền đặc biệt, đề nghị các báo không sao chép.