Tuy lời đe dọa của Triều Tiên không chắc chắn sẽ được thực hiện, song tình trạng căng thẳng vẫn tiếp diễn giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

Một lần nữa Bình Nhưỡng đẩy căng thẳng lên một nấc mới sau khi cấm một số lao động Hàn Quốc sang làm việc tại nước này. Trong khi Mỹ bắt đầu triển khai hạm đội tàu chiến của mình, tạp chí Đại Tây Dương của Algeria đặt ra một vấn đề liên quan đến hình thái cuộc chiến tranh nếu xảy ra vì nó sẽ rất khác với các vụ đụng độ ở châu Phi hay Trung Đông.

Tuy lời đe dọa của Triều Tiên không chắc chắn sẽ được thực hiện, song tình trạng căng thẳng vẫn tiếp diễn giữa Bình Nhưỡng và Seoul với việc Triều Tiên không cho người lao động Hàn Quốc sang làm việc tại khu công nghiệp hỗn hợp Kaesong.

Về phương diện chiến lược, một cuộc đối đầu thực sự có thể khác với các cuộc chiến hiện đại ở điểm nào?Thách thức của một cuộc chiến tranh khi phải đối mặt với một quân đội chính quy thay vì một nhóm vũ trang là gì?

Theo tướng Jean - Vincent Brisset, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), đến lúc này, nếu tin vào tuyên bố của Mỹ, nước duy nhất có phương tiện thực sự để kiểm soát những gì đang diễn ra ở Triều Tiên, thì không có sự chuẩn bị nào về quân sự đang diễn ra, cũng không có việc triển khai quân hay hoạt động đặc biệt nào xung quanh các điểm nhạy cảm.

Việc đưa vào hoạt động trở lại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, yếu tố nằm ở trung tâm ván bài rất mập mờ mà cả Washington lẫn Bình Nhưỡng cùng chơi từ năm 1993, không có ý nghĩa quân sự trực tiếp, giống như việc cấm người lao động Hàn Quốc vào khu công nghiệp hỗn hợp Kaesong nằm ở phía bắc giới tuyến. Cả hai phương thức hành động này đều từng được sử dụng trong quá khứ khi Triều Tiên "khoa chân múa tay" vào các thời điểm khác nhau.

Biên giới từng bị đóng cửa trong một thời gian ngắn vào tháng 3-2009, khiến vài trăm người lao động Hàn Quốc bị ách lại trong nhà máy nơi họ làm việc. Điều đáng ghi nhận là hoạt động của khu công nghiệp Kaesong là một trong những nguồn thu nhập hiếm hoi mà Triều Tiên có được và nếu ngừng hoạt động sẽ có thể làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế của nước này.

{keywords}

Công dân Hàn Quốc biểu tình sau lệnh cấm công dân Hàn Quốc làm việc tại khu công nghiệp Keasong của Triều Tiên

Các lực lượng có mặt trên thực địa là rất đáng kể. Triều Tiên có 1,2 triệu quân cộng với một lực lượng dự bị/dân quân hơn 6 triệu người, 3.500 xe tăng, 20.000 khẩu pháo, hàng chục tàu ngầm cỡ nhỏ, 600 máy bay chiến đấu. Chắc chắn Bình Nhưỡng còn có thêm một số lượng lớn tên lửa đất đối đất tầm trung. Tất cả những trang thiết bị đó đều đã lỗi thời, không sẵn sàng tác chiến và ít tin cậy.

Cũng có thể nghĩ rằng tình báo kỹ thuật của Triều Tiên rất hạn chế, năng lực thông tin cũng vậy. Các mạng lưới chỉ huy Triều Tiên là không hiện đại và bền như ở phương Tây, từ đó làm gia tăng nguy cơ có những hành động quá đà. Chẳng hạn, Triều Tiên dường như thành công trong việc duy trì được hiện trạng số tên lửa đất đối không có khả năng bắn hạ máy bay chở khách hạ cánh ở Seoul.

Bên cạnh lực lượng thông thường đó, Bắc Triều Tiên còn có năng lực hóa học nhất định và phát triển có hệ thống các phương tiện phi đối xứng, chiến tranh điện tử và đặc biệt là chiến tranh mạng.

Tuy nhiên, có thể khẳng định trái với những gì diễn ra trong cuộc chiến tranh Triều Tiên trước đây, Bình Nhưỡng không thể trông cậy được vào sự giúp đỡ của bất kỳ một đồng minh nào, kể cả về phương diện vật chất. Trái lại các đồng minh của Bình Nhưỡng, như Nga và Trung Quốc, đều không được lợi gì nếu xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Đối mặt với lực lượng đó, Hàn Quốc có phương tiện đáng kể với 650.000 quân tại ngũ và hơn 4 triệu quân dự bị. Trang thiết bị quân sự, tuy ít hơn một chút so với Bắc Triều Tiên, song cũng là đáng kể với 2.500 xe tăng, 10.000 khẩu pháo, một lực lượng hải quân vững mạnh và hơn 500 máy bay chiến đấu. Khác với Triều Tiên, trang thiết bị của Hàn Quốc tương đối hiện đại và đặc biệt được bảo quản trong điều kiện tốt.Ngoài lực lượng quân đội quốc gia còn có lực lượng Mỹ đóng tại đây (28.500 quân) và lực lượng tăng viện đáng kể.

Một cuộc đối đầu trực diện, mà người ta nghĩ sẽ khó xảy ra, có thể - theo lý thuyết - sẽ là một cuộc chiến tranh có quy mô khác xa với các cuộc xung đột trong những thập niên trước đây. Không giống các cuộc xung đột hiện đại, thường diễn ra giữa lực lượng du kích và quân đội chính quy, cuộc xung đột này có thể sẽ là trực diện và có sức tàn phá ghê gớm.

Các quan sát viên nghi ngờ Triều Tiên có trong tay vũ khí hạt nhân có khả năng tác chiến, thậm chí nghi ngờ sự thành công của ba vụ thử hạt nhân đã được tiến hành và cho đó có thể chỉ là các vụ thử giả được thực hiện với những khối thuốc nổ thông thường rất lớn. Tuy nhiên, công nghệ cho phép Mỹ chế tạo vũ khí vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai trên thực tế đều nằm trong tầm tay những nước quyết tâm dành đủ phương tiện để làm việc đó và che giấu cộng đồng quốc tế. Cứ cho là có một hay hai quả bom hạt nhân thì chúng chỉ có thể chở đi được bằng máy bay. Ngoài việc các cuộc tấn công liều chết không có trong tư duy của Bình Nhưỡng, phương tiện cảnh giới của Mỹ có thể sẽ khiến một cuộc tấn công lần cuối như vậy khó có thể thành công. Hơn nữa, ông Kim Jong Un có thể không được lợi gì từ một cuộc tấn công như vậy. Trong điều kiện đó, một cuộc phản công bằng hạt nhân lại càng không thể diễn ra.

Mỹ mới đây điều một tàu khu trục chống tên lửa đến vùng gần Triều Tiên để phát hiện và ngăn chặn mối đe dọa của nước này.

Ngoài các phương tiện thực sự phi đối xứng, khả năng gây rối của Triều Tiên chủ yếu dựa vào số tên lửa đất đối đất và đất đối không. Nhưng số vũ khí nằm trong tay Bình Nhưỡng đều là các hệ thống chỉ có thể bắn được từ các giếng phóng và phải được đưa ra ngoài không khí trong một thời gian tương đối dài rồi mới thực sự sử dụng được. Do phải tung ra như vậy nên rất dễ bị phát hiện, từ đó có thể giúp Mỹ có được cái cớ hoàn hảo để phá hủy số tên lửa này trước khi chúng được phóng. Một hành động kiểu đó, có thể được bổ sung bằng đòn đánh có mục tiêu nhằm vào các trung tâm chỉ huy, rất có thể sẽ nhận được nếu không phải là sự đồng tình thì ít ra cũng là một sự đồng cảm nhất định của đa số cộng đồng quốc tế.

Nhưng liệu có một cuộc can thiệp trên bộ từ phía Mỹ và Hàn Quốc và có thể diễn ra dưới hình thức nào, có thể vượt qua vĩ tuyến 38 giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc hay không? Nếu cuộc can thiệp diễn ra dọc theo vĩ tuyến 38, thì cần phải nhớ rằng Seoul và một số thành phố khác của Hàn Quốc chỉ nằm cách đường giới tuyến vài chục cây số, do đó dân thường chịu nguy hiểm ngay trong những giờ phút xung đột đầu tiên. Thật ra khó có thể nghĩ rằng giải pháp đó lại được sử dụng vào lúc này.

Theo DNSG cuối tuần

Các tin liên quan

Khó xảy ra cuộc chiến Mỹ - Triều Tiên

Triều Tiên 'giúp' Mỹ củng cố chiến lược trục xoay?

Có thật Triều Tiên dám gây ra chiến tranh?