“Đi nơi nào cũng có rác cả, lãnh đạo ông nào cũng đi qua nhưng không ông nào làm gì hết.”

Đó là một trong những “phát ngôn” đầu tiên của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trong chuyến làm việc tại huyện Ba Vì ngày 23/02 vừa mới đây.

Phải nói ngay là chuyện này cũ, “xưa như trái đất” ở không chỉ Ba Vì, nơi ông Hải đến làm việc, không chỉ Hà Nội, nơi ông vừa nhậm chức, mà là… cả nước! Ông Hải mới chỉ nói đến “lãnh đạo”, nhưng thực tế là: nhiều người đi qua nhưng không ai làm gì hết, thậm chí người ta còn vô tư xả, đổ thêm rác. Và bấy nay, chuyện “sống chung với rác” là chuyện thường ngày ở Ba Vì, ở Hà Nội, ở thôn, ở xã, ở huyện, ở tỉnh, ở thành, ở khắp nơi nơi…

Thực ra nói như trên sẽ là võ đoán, sẽ bị một số nơi, chẳng hạn bà con và du khách ở vùng Cù Lao Chàm – Quảng Nam “cự cãi” đến cùng!

{keywords}
Bí thư Hà Nội: "Đi nơi nào cũng có rác cả". Ảnh: Nguyên Trí

Khi chính quyền và người dân đồng thuận

Tháng 5/2009, chính quyền cơ sở phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon” bằng cách huy động sự đồng thuận của cộng đồng người dân, triển khai bài bản nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ giải pháp thay thế, nhằm kêu gọi cộng đồng sử dụng có trách nhiệm, giảm thiểu và tiến đến không sử dụng túi nilon một cách tự giác trên toàn quần đảo Cù Lao Chàm.

Để rồi, sau bấy nhiêu năm kiên trì thực hiện, 100% người dân nhận thấy môi trường xanh sạch đẹp, 85% người dân đánh giá ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, 80% người dân nhận thấy Cù Lao Chàm được khách du lịch tới đông hơn, 25% người dân nhận rõ thu nhập bình quân của mình có tăng lên khi tham gia hoạt động nói không với túi nilon tại địa phương.

Dịp Tết này, về quê tôi khá ngạc nhiên và sau đó phấn khởi vì thấy ở nơi hóc chọ đồi núi nghèo này (xóm 4 Chọ Hao, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), việc gom và xử lý rác đã được mọi người thực hiện tự giác. Mỗi nhà đều có bì đựng rác, đến giờ gom vào vị trí nhất định và giao cho một người chuyên lo việc vận chuyển, xử lý. Theo tôi, làm được thế đã là tốt lắm rồi so với nhiều nơi khác.

Thế nhưng, khi trở lại Hà Nội nơi mình đang sinh sống và làm việc, đúng như ông Bí thư nói về chuyện rác, lại thấy bên cạnh cái được lâu nay vẫn có nhiều điều đáng nói.

Nơi tôi ở là một khu chung cư mới đưa vào sử dụng. Có nhiều hộ “chính chủ” nhưng cũng có một số hộ thuê nhà, nên không tránh khỏi chuyện người lo nhiều, kẻ lo ít, thậm chí có người tranh tối tranh sáng làm bẩn cầu thang máy, dội nước trên cao xuống hay vứt rác được là vứt, miễn là… không ai thấy!

Bên cạnh là hai dãy chung cư liền kề, sung túc hơn, chăm chút hơn. Có nhà nuôi cả thú cưng, hàng ngày chăm bẵm, bế bồng rất văn minh, thời thượng. Chỉ hiềm một nỗi là đêm đến, có người dắt chó đi, mắt trước mắt sau xong việc rồi để đó, mặc cho hàng xóm nghĩ gì hay nói gì.

{keywords}
Cảnh Giao thừa qua đi, rác ở lại ở Hà Nội mới đây: Lê Anh Dũng

Học Cù Lao Chàm cần không kém học Singapore

Rõ ràng, trong câu chuyện này, ai cũng biết, cũng thấy, cũng khó chịu và muốn làm một việc gì đó. Nhưng...

Thì đây, hãy nhớ lại Cù Lao Chàm hồi nào cũng rác như nhiều nơi khác. Đó là rác thải sinh hoạt của người dân đổ bừa bãi ra môi trường xung quanh và xuống biển; rác từ hoạt động du lịch, khai thác thủy sản; rác từ đất liền với nhiều loại túi nilon theo sóng tấp vào bãi biển, kè đá làm mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Túi nilon còn được tìm thấy tại các rạn san hô, thảm cỏ biển…

Kinh nghiệm của Cù Lao Chàm trong việc triển khai hoạt động nói không với túi nilon là, chính quyền đóng  vai trò quan trọng, nhưng trong việc thực hiện thì người dân lại là yếu tố then chốt quyết định thành bại. Ở đây đã xây dựng được mối quan hệ đồng thuận giữa người dân và chính quyền để cùng phối hợp thực hiện. Người dân có trách nhiệm thực thi tuân thủ các quy định mà chính quyền và người dân đã thống nhất đề ra ban đầu!

Chính quyền Hà Nội đang có kế hoạch tổ chức đi học tập cách trồng và bảo vệ cây xanh ở Singapore, thật là một việc làm đúng đắn và cần thiết. Và sau nhận xét rất chí lý của ông Bí thư về chuyện rác, thiết tưởng việc tham quan, học tập mô hình “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon” cũng lại cần thiết không kém, dù thực tế ở hai nơi có thể hoàn toàn không giống nhau.

Không dễ ngày một, ngày hai có thể giải quyết dứt điểm câu chuyện rác và vấn đề môi sinh, môi trường. Nhưng việc tập trung chỉ đạo, làm từng bước từng mô hình như cách làm ở Cù Lao Chàm và một số nơi khác, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng dần lại là việc ở trong tầm tay của bất cứ gia đình, tổ dân phố hay phường, quận nào.

Chợt nhớ có lần bách bộ trên một con phố ở London. Nhóm bạn trẻ vừa đi vừa đùa nghịch, nói cười, có người dắt theo chú chó cưng. Thế rồi chú này bất ngờ đứng lại, ghếch một chân lên. Một người trong số đó lấy túi nilon chuẩn bị sẵn và nhanh chóng cho vào thùng rác gần đó. Họ còn rất trẻ…

Thế đó, cả ý thức người dân trong việc tuân theo quy định, cả hệ thống hạ tầng phục vụ đều đồng bộ. Vậy mà có lúc đường phố vẫn không hết rác, huống nữa là Ba Vì hay cả Hà Nội và nhiều nơi khác, như ông Bí thư nói chuyện rác tưởng nhỏ nhặt mà thực ra không hề nhỏ.

Châu Phú

TIN LIÊN QUAN: