Khi người dân được tham gia vào mọi quá trình quản lý xã hội họ sẽ ý thức được rằng đó là việc của mình và sẽ không còn tình trạng “cha chung không ai khóc” như chuyện môi trường ở nước ta.

Mỗi lần kết thúc đợt nghỉ lễ du khách trở về với cuộc sống thường ngày, họ đã để lại những bãi biển khu du lịch, vui chơi ngập ngụa rác thải. Chuyện này không mới, nhưng ngày nay, khi điện thoại thông minh được phổ cập nên những hình ảnh đó lập tức được đưa lên mạng xã hội nên người dân cảm thấy nhức nhối.

Vậy đâu là nguyên nhân?

Chẳng ai còn tặc lưỡi

Thực ra thì chuyện sau khi ăn uống, những thứ đồ thừa như bao gói không dùng đến người ta phải vứt đi. Khi loài người còn thưa thớt, rác thải ít không mấy ai để ý. Cơn lốc đô thị hóa đã hình thành những khu dân cư tập trung đông người. Thoạt tiên là thị tứ, thị trấn, thị xã rồi đô thị, thậm chí là siêu đô thị. Việc đô thị hóa khiến các nhà quản lý phải nghĩ ngay đến không gian công cộng, đó là thứ mà không thuộc sở hữu của một ai, là không gian chung nên mỗi người đều có quyền sử dụng nó, thậm chí cả... xả rác.

Để có không gian công cộng xanh, sạch và đẹp là việc của người quản lý. Thứ nhất, họ phải có quy hoạch hợp lý bao gồm hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thu và xử lý rác thải. Thứ hai là công tác quản lý bao gồm việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, cùng với đó là các chế tài xử phạt. Thứ ba là có đội quân thu gom rác thải kịp thời.

Thú thực người viết bài này cũng đã từng đi biển, cũng đã từng ăn quà vặt rồi nhìn quanh quất xung quanh, chẳng thấy có một thùng rác nào đành tặc lưỡi vứt xuống biển. Biết là hành vi đó sai nhưng để tìm kiếm một chỗ bỏ rác thật khó, đành chấp nhận cái sai đó. Khi một vài người tặc lưỡi thì lượng rác thải ít, không mấy ai để ý. Trong kỳ nghỉ dài ngày, các bãi biển có hàng ngàn người đến tắm thì lượng rác thải sẽ nhiều lên, trong khi đó không bố trí người thu gom hoặc thu gom không kịp thì rác thải đã trở thành ngổn ngang như bãi chiến trường.

Khi đó, hẳn chẳng còn ai.. tặc lưỡi nữa.

{keywords}
Một góc Hà Nội. Ảnh: Báo Dân trí

Bức xúc vì hiện tượng này, tôi đã gọi điện cho ông bạn hiện đương là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, hỏi: Rác thải nhiều quá ông à, tỉnh mình đã có chương trình đầu tư cho việc thu gom và xử lý rác chưa? Bàn nhiều rồi ông à, nhưng kẹt nhiều thứ quá. Thu gom thì có nhưng xử lý thì chưa. Chủ yếu vẫn là chôn lấp mà chưa có tiền đầu tư xử lý. Ngân sách căng thẳng, đành chờ đợi các doanh nghiệp đầu tư thôi. Xã hội hóa mà...

"Cha chung không ai khóc"

Khó khăn ở cấp quản lý nhà nước là vậy. Tôi lại gọi điện cho một ông bạn đang làm giám đốc một công ty về môi trường: Rằng, rác thải là bức xúc của cả xã hội, vậy là ông tha hồ đất sống, kỳ này chắc mần ăn phát đạt. Ông bạn trả lời: Chơi dài ông à! Rác thải đầy ứ, ai cũng bức xúc nhưng để đầu tư, thu gom rồi kiếm lời từ nó thì rất khó. Để được phê duyệt một dự án xử lý rác thải, phải tiếp đón rất nhiều đoàn tham quan. Ông khoa học công nghệ cũng quan trọng, ông tài nguyên môi trường cũng rất quan trọng, lại còn các ông kế hoạch, ông xây dựng... cả một đoàn như vậy nếu không chi đẹp sẽ rất khó.

Lại còn đấu thầu nữa, quân xanh, quân đỏ, thủ tục hành chính trông thì có vẻ minh bạch nhưng thực chất thì toàn làm việc… dưới gầm bàn. Nhá nhem, mệt mỏi, chơi còn đỡ lỗ ông à.

Vậy là doanh nghiệp muốn làm môi trường cũng không dễ, chỉ vì nhà nước chưa có chính sách quản lý thông thoáng. Ngân sách thiếu tiền, chuyện này không mới, vấn đề môi trường, chuyện bức xúc đã lâu vậy mà không có chính sách rành mạch. Trước đây bức xúc về vấn đề hạ tầng yếu kém, nhiều tỉnh đã có chính sách: Đổi đất lấy hạ tầng, nay chuyện môi trường sao không làm theo cách ấy?

Hậu quả của sự chậm chạp và yếu kém là môi trường sống ngày càng bẩn và đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hơn thế là sự dung túng sự bừa bãi của người dân. Không ai có thể sạch, có thể ngăn nắp khi xung quanh mình toàn bẩn, toàn sự bừa bãi. Người sạch sẽ không thể hiện được điều gì khi đến những khu du lịch mà ai cũng có thể vứt rác chỉ vì không có chỗ thu gom và không có người dọn dẹp kịp thời.

Rác thải không chỉ làm gia tăng chi phí xã hội mà hiệu quả kinh tế cũng bị tác động mạnh. Là đất nước có bờ biển dài và đẹp, có nhiều danh thắng nhưng tại sao khách du lịch nước ngoài đến VN chưa đông, số ngày lưu trú ngắn? Một du khách nước ngoài bày tỏ: Chứng kiến cảnh ngập ngụa những rác thải từ mẩu thuốc lá, các vỏ que kem, hoa quả, đến túi nilon... của du khách vứt lại,  khi thấy những cảnh đó tôi bị tụt hết cảm xúc.

Ai đó đã có dịp đi nước ngoài, chẳng phải đâu xa, chỉ cần sang Singapore hoặc Hong Kong sẽ thấy những bãi biển của họ cũng đông nghịt người nhưng không có chuyện xả rác bừa bãi như của ta. Ở các bãi biển của họ đặt rất nhiều các thùng chứa rác để tạo điều kiện cho người dân bỏ rác đúng quy định.

Người Việt mình sang đó đi chơi muốn bừa bãi cũng khó, đành phải làm theo họ. Sự ngăn nắp của cơ quan quản lý khiến người dân từ người lớn cho tới trẻ em ở đây đều rất có ý thức trong việc tìm đến các thùng, nơi chứa rác để bỏ rác chứ không vứt bừa bãi ở bãi biển như ở chúng ta.

Cũng cần nói thêm, ở nước ngoài, dẫu có đông khách thì người họ vẫn rất trật tự, nhã nhặn, không có những cảnh chen lấn chặt chém như chúng ta. Kỷ cương của một xã hội được hình thành bằng sự minh bạch và sự tham gia của mỗi người dân. Khi người dân được tham gia vào mọi quá trình quản lý xã hội họ sẽ ý thức được rằng đó là việc của mình và sẽ không còn tình trạng “cha chung không ai khóc” như chuyện môi trường ở nước ta.

Đinh Thị Lan Hương, Thu Hương

Bắt đầu từ Chính phủ
Việt Nam: Mãnh hổ hay mèo rừng?
30 năm qua láng giềng vượt xa ta quá