Chính sự vô tư, dễ dãi đã tạo điều kiện cho một số kẻ tha hóa trục lợi. Điều này thật nguy hiểm vì nó làm tổn thương nghiêm trọng niềm tin của xã hội.

Từ thiện và giả từ thiện để trục lợi

Xã hội loại người sợ nhất là thái độ thờ ơ giữa chính con người với con người. Nguồn gốc của sự lỏng lẻo trong mối liên hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng xuất phát từ lối sống vị kỷ thực dụng, vô cảm. Hoạt động từ thiện là tác nhân quan trọng nhằm giảm thiểu những nguy cơ trên.

Người viết từng biết một đôi vợ chồng trẻ ở Đà Nẵng, người chồng làm thợ sắt, người vợ công tác ở phường. Đều đặn 04 giờ sáng các ngày Chủ Nhật, họ cùng nhóm thiện nguyện múc từng tô cháo cho các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện.

{keywords}
Ảnh minh họa: motthegioi.

Có nữ tiến sĩ đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, qua một bản tin trên báo đã cùng các bạn vận động quyên góp tiền và gửi vào tài khoản của người viết nhờ chuyển đến tận tay hai đứa bé có hoàn cảnh bất hạnh ở Đà Nẵng.

Chính người viết cũng cùng các bạn trên facebook đóng góp, thăm hỏi một số trường khó khăn mỗi khi được hô hào.

Nhiều đoàn cứu trợ của tư nhân, của các tổ chức… cũng đang ngược xuôi tìm đến những ngôi làng, ngôi trường xa xôi hẻo lánh tận tay chia sẻ cho những số phận khó khăn, bất hạnh.

“Quán cơm 2000 đồng” là nghĩa cử cao cả, nhưng muốn nhân rộng và áp dụng rộng khắp cả nước thì cần dựa vào truyền thông, và báo chí đã làm rất tốt điều này.

Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt. Trong bối cảnh thiếu rào cản pháp lý để kiểm soát, cách thức quản lý thiếu minh bạch đã khiến không ít kẻ nảy sinh lòng tham. Báo chí đã nói nhiều về “nghề từ thiện” và “nhà từ thiện” đang góp phần làm tổn thương niềm tin của xã hội, của cộng đồng.

Có người quan niệm, bản thân cần cho là cứ cho, cần quyên góp là quyên góp, ai làm sai người ấy chịu, ai có tội người ấy chịu sự trừng trị của luật nhân- quả. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng làm từ thiện mà không biết tiền mình đi về đâu, đến nơi nào… là vô trách nhiệm.

Như báo chí đã nêu, trục lợi trên danh nghĩa từ thiện có muôn hình vạn trạng, là bòn rút chiếm dụng vốn từ thiện, lợi dụng kinh doanh sản phẩm, quảng cáo thương hiệu, quảng cáo hình ảnh cá nhân, là trốn thuế, lừa đảo…

Không thể phủ nhận, chính sự vô tư trong sáng, ngây thơ cả tin đã tạo cơ hội để các “nhà từ thiện” dỏm, lưu manh tung hoành trục lợi.

Đọc báo hàng ngày, chúng ta đã từng rất phẫn nộ khi một số cơ sơ từ thiện bị phát hiện chỉ làm giàu cho chính bản thân họ. Họ tìm cách tiếp cận với những người nổi tiếng, chụp hình với các chức sắc trong tôn giáo, với các lãnh đạo cấp cao… nhằm xây dựng niềm tin, lôi cuốn, đánh lừa thị giác những người giàu lòng hảo tâm hiền hậu.

Đọc báo hàng ngày, chúng ta từng giận dữ khi phát giác một số cán bộ xã ăn chặn gạo, ăn chặn thuốc men thận chí ăn cả gia súc, trâu bò, tiền trợ cấp nhân đạo…của dân nghèo, người tàn tật.

Vụ gần 20 hoa hậu tham gia chương trình “Hoa hậu Việt Nam một năm nhìn lại” do công ty tư nhân TNHH Sắc Màu tổ chức đi làm thiện nguyện ở cố đô Huế là một ví dụ về cách làm từ thiện không thành công.

"Các người đẹp không đủ thời gian để sống cùng một ngày với các em nhỏ như kế hoạch ban đầu, mà chỉ vỏn vẹn mấy tiếng đồng hồ. Việc tham gia nấu nướng, đón các em nhỏ đi học về cũng đành gác lại vì lúc họ đến thì mọi chuyện đã xong xuôi”, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, nơi mà “đoàn từ thiện” dừng chân kể với báo chí.

Ngay cả một vài tổ chức từ thiện phi chính phủ nước ngoài đến Việt Nam cũng có dấu hiệu lừa đảo, chiếm dụng vốn của các đối tác địa phương. UBND tỉnh Cà Mau vừa gửi công văn cảnh báo và khuyến cáo, yêu cầu các tổ chức và người dân chỉ nên hợp tác với các tổ chức từ thiện quốc tế nào đã được Đăng ký giấy phép hoạt động ở địa phương.

Không thể phủ nhận hoạt động từ thiện đã góp những viên gạch xây cho đời tốt đẹp hơn. Và cũng không thể phủ nhận, sự vô tư, dễ dãi đôi khi đã tạo điều kiện cho một số kẻ tha hóa trục lợi. Điều này thật nguy hiểm vì nó làm tổn thương nghiêm trọng niềm tin của xã hội.

Minh Phước