Liệu dự án khí đốt đình đám Nga – Trung có được thực hiện và nếu có thì có đúng tiến độ hay không?

>> Xem lại Kỳ 1: Nga- Trung: Từ khí đốt đến liên minh chiến lược?

Có thể nói cuộc khủng hoảng Ukraine của nước Nga đã phần nào thúc đẩy thỏa thuận khí đốt “Sức mạnh Siberia” giữa nước này với Trung Quốc. Tuy nhiên, dư luận quốc tế băn khoăn rằng liệu thỏa thuận này có làm thay đổi cục diện địa chính trị - chiến lược của thế giới hay không…  

Trước mắt, với thỏa thuận khí đốt, Nga hiện nay đã đồng ý cung cấp gần 10% nhu cầu của Trung Quốc từ năm 2018, và có thể tăng lên khoảng 15%. Trung Quốc đã phải đồng ý trả trước cho Nga một khoản là 25 tỷ đô-la Mỹ cho việc xây dựng hệ thống cung cấp. 

Với nước Nga, hợp đồng này dường như giúp tháo gỡ phần nào thế bao vây do lệnh trừng phạt của Phương Tây. Giá bán khí đốt cho Trung Quốc có thể bị đánh giá là thấp hơn so với các khách hàng khác như châu Âu hay Nhật Bản, nhưng có vẻ lợi ích lâu dài vẫn được ưu tiên.  

{keywords}

Gazprom và CNPC ký hợp đồng khí đốt đình đám, trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước. Ảnh: TTXVN

Nga chỉ là mảnh ghép 

Điều khó khăn với nước Nga là nước này sẽ phải phát triển hai vùng khai thác mới là Chayanda và Kovykta; sau đó là xây dựng một đường ống dẫn dài 4.000 km qua địa hình khó khăn nhiều địa chấn tới Trung Quốc, với tổng chi phí là 55 tỷ đô-la. Số tiền Trung Quốc cam kết trả trước sẽ chỉ đỡ được phần nào.  

Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận được ký, những biến động về giá dầu mỏ và kéo theo là giá khí đốt thế giới đã theo chiều hướng hoàn toàn không thuận lợi. Giá dầu thô thế giới nhanh chóng hạ từ trên 100 đô-la một thùng, xuống mức còn phân nửa. Điều này đặt Trung Quốc vào tình thế “mua hớ” khi bị cho rằng, họ đã đàm phán với Nga một giá mua khí đốt quá đắt.  

Người ta từng dự đoán, do căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Phương Tây sau khủng hoảng Ukraine, Nga sẽ cắt khí đốt sang châu Âu và chuyển sang bán cho Trung Quốc. Nhưng nếu làm như vậy thì chẳng còn gì là uy tín của một nhà cung cấp nữa – và bán cho Châu Âu, trước mắt là “tiền tươi thóc thật” còn bán cho Trung Quốc, thì xây đường ống như thế nào và ở đâu?  

Khi mà một phần ba lượng khí đốt sang châu Âu qua đường ống Ukraine, tưởng rằng quan hệ Nga – Ukraine xấu đến thế rồi thì Châu Âu chết rét như chơi. Nhưng hiện nay 6 nước EU đang mua khí đốt từ Nga, và EU cũng đang tính toán cho việc “cai sữa” khí đốt. Thậm chí ông Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk còn đề nghị thành lập “Liên minh khí đốt” nhằm tạo ra một khách hàng duy nhất, giảm thiểu khả năng thao túng giá bán của Nga… Thêm vào đó là những nỗ lực của EU trong việc xây dựng các trung tâm tiếp nhận khí hóa lỏng để đa dạng hóa nguồn cung cấp…  

Để cắt hẳn khí đốt sang châu Âu qua ngả Ukraine, Nga cần xây dựng xong “Dòng chảy Phương Nam” và sau đó là đường ống sang Trung Quốc. Tuy nhiên, “Dòng chảy Phương Nam” nếu đúng tiến độ, phải 2018 mới đi vào hoạt động, còn đường ống sang Trung Quốc còn lâu hơn nữa.  

Sau khi ký thỏa thuận khí đốt, Nga - Trung còn tổ chức tập trận chung Hải quân hai nước. Nhưng vẫn còn đó những vấn đề bất đồng còn tồn tại về lãnh thổ. Người ta cảm thấy rõ điều đó khi trong diễn văn ngày Chiến thắng 9/5/2015 trên Quảng trường Đỏ, V. Putin đã chỉ nhắc đến Trung Quốc như một nước đã chiến đấu chống chủ nghĩa phát-xít ở Châu Á, mà không nói gì đến chiến thắng của Liên Xô trước đạo quân Quan Đông của Nhật Bản ở Đông Bắc Trung Quốc; hay những hành động mang tính đột phá trong việc gây ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ…   

Hợp đồng khí đốt Nga – Trung Quốc ký đúng thời điểm nhạy cảm về chính trị, nhưng làm ăn, vẫn cứ là làm ăn; và với tổng thể những nước đi của Trung Quốc trong suốt một thập kỷ qua, thì Mátxcơva chỉ là một miếng ghép trong bài toán năng lượng của Bắc Kinh.  

Nếu nhìn rộng ra thì không chỉ hướng tới nước Nga, Trung Quốc đã đầu tư 30 - 35 tỷ đô-la vào dầu khí Bắc Mỹ. Ngoài tìm kiếm lợi nhuận hay đa dạng hóa nguồn cung, Trung Quốc còn muốn tìm kiếm một công nghệ cho riêng mình trong khai thác cát dầu và dầu đá phiến sét. Có thể nói, đó chính là mục tiêu năng lượng chiến lược của nước này. 

Dự án đình đám liệu có đúng tiến độ? 

Vậy sau một năm, Hợp đồng khí đốt đình đám Nga- Trung đã đi đến đâu rồi? Sau khi hợp đồng được ký kết, nổi lên hai nhà thầu chính của Gazprom, mà cả 2 đều được kiểm soát bởi những người bị coi là chiến hữu thân cận của Putin và đang bị trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Với những lệnh trừng phạt này, tình hình tài chính của các nhà thầu sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.  

Theo hợp đồng này, Gazprom sẽ cung cấp khí đốt cho vùng Đông Bắc Trung Quốc vốn có một nền công nghiệp phát triển và sử dụng nhiều năng lượng từ than đá đang gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tuy nhiên, nếu bán cho Trung Quốc qua ngả Đông Bắc – dự án “Sức mạnh Siberia” từ Đông Siberia của Nga sẽ gặp một số khó khăn, như xây dựng đường ống dài 3.968 km qua địa hình phức tạp dễ có động đất, hay phải đi qua những vùng thuộc diện di sản thiên nhiên thế giới trong danh sách của UNESCO…  

Do đó, Nga đang rất muốn bán cho Trung Quốc khí đốt theo hướng Tây Siberia và vào Trung Quốc ở Tân Cương. Vấn đề là Tân Cương Trung Quốc đã là trung tâm dầu khí của nước này và đã có dự án xây dựng đường ống dẫn dầu khí rất lớn. 

Ngày 18/3/2015, hãng tin Reuters đưa tin Gazprom có thể hoãn dự án “Sức mạnh Siberia” mà muốn thay vào đó một tuyến đường ống mới bán khí cho Trung Quốc ở ngay ngả Tân Cương – mà họ gọi là “Dự án Altai”. Một phân tích trước đó cho rằng Altai có thể chỉ tốn 10 tỷ đô-la thấp hơn nhiều so với “Sức mạnh Siberia.”  

Theo dự kiến ngày 24/4/2015, Đuma quốc gia Nga họp và thông qua việc cho phép xây dựng đường ống khí đốt “Sức mạnh Siberia.” Tuy nhiên, theo những thông tin chính thức từ các hãng thông tấn Nga thì chỉ có thỏa thuận “Dự án Altai” được Gazprom và CNPC đi đến ký kết vào ngày 8/5/2015 và vẫn chưa có thêm thông tin gì về “Sức mạnh Siberia.” 

Phải chăng điều đó cho phép chúng ta hiểu “Sức mạnh Siberia” vẫn chưa có được khoản 25 tỷ đô-la ứng trước và do đó, nhà thầu Stroytransgaz sẽ chỉ đặt được từ 70 đến 80 km đầu tiên của “Sức mạnh Siberia” (trên tổng số 2136 km đường ống của giai đoạn đầu dự án) trong năm 2015 mà thôi. Và như vậy, liệu dự án này có được thực hiện và nếu có thì có đúng tiến độ hay không?

Phúc Lai