Trung Quốc đang tiếp tục hoàn thành một kế hoạch quy mô lớn, đưa 250 triệu dân nông thôn vào các thị trấn và thành phố mới trong vòng một thập kỷ tới – một sự kiện mang tính đột biến có khả năng mở ra một làn sóng tăng trưởng mới hoặc đẩy nước này vào sâu những rắc rối trong các thế hệ tiếp theo.

Chính phủ, thường thông qua các sắc lệnh, đang thay thế những ngôi nhà nhỏ ở nông thôn bằng những tòa nhà cao tầng, mọc lên trên các diện tích đất canh tác rộng lớn và làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của người dân nông thôn. Quy mô của kế hoạch này lớn đến mức tổng số thị dân tại các thành phố mới này sẽ bằng số dân cư thành thị của Mỹ - ở một đất nước vốn đang bùng nổ các siêu thành phố.

Điều này sẽ có tính chất thay đổi quyết định. Bởi đảng cầm quyền suốt nhiều thập niên qua luôn nhấn mạnh, phần lớn nông dân, ngay cả những người đang làm việc tại thành phố, sẽ vẫn có những mảnh đất cắm dùi nhỏ để đảm bảo ổn định chính trị và kinh tế. Nhưng hiện tại, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi các ưu tiên, chủ yếu để tìm kiếm nguồn động lực tăng trưởng mới khi nền kinh tế đang có xu hướng chậm lại và phụ thuộc ngày càng nhiều vào tiêu dùng của dân thành thị.

Sự chuyển hướng này đang diễn ra mau lẹ và chi phí bỏ ra cho kế hoạch này sẽ lớn đến mức một số người lo ngại nông thôn Trung Quốc sẽ một lần nữa là nơi chứng kiến một cuộc kiến thiết xã hội toàn diện mới.

Những thập niên qua, đảng Cộng sản Trung Quốc đã không ít lần điều chỉnh quyền sử dụng đất của nông dân. Trong cuộc cải cách đất đai những năm 1950, nông dân được trao những mảnh đất nhỏ để canh tác, nhưng vài năm sau đó lại bị tập thể hóa. Hiện giờ số lượng các chủ đất nhỏ đang bị dần thu hẹp.

{keywords}
Ảnh: Newyork Times

Tại khắp Trung Quốc, máy ủi đang san lấp các làng quê có từ nhiều triều đại về trước. Những ngọn tháp đua nhau mọc lên tận trời cao từ những cánh đồng và trên những ngọn đồi xanh tươi. Những đền chùa đổ nát hay các sân khấu ngoài trời ở vùng nông thôn thường phải nhường chỗ cho các trường học và bệnh viện.

“Thành phố mang đến một thế giới mới cho chúng tôi”, Tian Wei, 43 tuổi, người trước đây từng trồng lúa mì ở tỉnh Hồ Bắc, và hiện đang làm bảo vệ ca đêm ở một nhà máy, băn khoăn. “Cả cuộc đời tôi làm việc với hai bàn tay trên cánh đồng. Liệu tôi có đủ trình độ để theo kịp người dân thành phố hay không?”

Trung Quốc lâu nay luôn có những ngôi làng thuộc hạng nhỏ nhất thế giới và cũng có những khu ổ chuộc thành thị đông đúc, ô nhiễm nhất thế giới. Mục tiêu cuối cùng của kế hoạch hiện đại hóa là nâng mức dân số thành thị lên 70%, tức khoảng 900 triệu người, vào năm 2025 (Tỷ lệ hiện nay là khoảng 35%).

Công cuộc xây dựng điên cuồng này đang diễn ra ở nhiều nơi, như Liêu Thành, khu vực trước đây từng nổi tiếng là vựa lúa mì ở đồng bằng phía bắc. Nhưng giờ đây, bao quanh nó là vô số các tòa nhà trên dưới 20 tầng - nơi ở của nhiều nông dân không đất canh tác bị đẩy vào cuộc sống thành thị. Nhiều người hăm hở với cuộc sống mới – họ nhận căn hộ miễn phí, cộng thêm hàng chục nghìn USD tiền đền bù đất – nhưng không ít người cũng lo xa hơn, không biết sẽ làm gì sau khi tiêu hết số tiền trên.

Theo một số nhà kinh tế, khoản ngân sách khổng lồ sẽ được đổ vào xây dựng đường sá, bệnh viện, trường học, trung tâm công cộng – ước tính khoảng 600 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, tổng ngân sách cần thiết để chi cho giáo dục, y tế và trợ cấp cho các nông dân cũ cũng sẽ rất lớn.

Trong khi của cải của nhiều người đã tăng lên nhanh chóng trong cuộc đại di cư vào thành phố, thất nghiệp và các vấn đề xã hội khác cũng sẽ theo sau những sự xáo trộn này. Một số thanh niên cảm thấy may mắn có được việc làm đủ để mưu sinh với mức lương khoảng 150 USD/tháng. Số khác thì hưởng thụ những ngày tháng giàu sang tại những khách sạn có bể bơi và các quán game.

Những nỗ lực chỉ đạo từ trên xuống nhằm nhanh chóng làm biến đổi toàn bộ xã hội thường khó dẫn đến kết quả mong muốn, và công cuộc thành thị hóa hiện nay có vẻ chính là một trong những thay đổi mạnh mẽ nhất trong 35 năm chuyển đổi kinh tế vừa qua ở Trung Quốc. Tranh chấp đất đai là nguyên nhân dẫn tới hàng nghìn cuộc biểu tình mỗi năm, bao gồm hàng chục vụ tự thiêu diễn ra trong những năm gần đây do người dân cương quyết không chịu rời đi.

Tân Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ ra tại buổi họp báo nhậm chức hồi tháng 3 rằng đô thị hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng nó sẽ đòi hỏi kèm theo là những thay đổi về pháp luật “để khắc phục nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình này”.

Một số vấn đề có thể kể đến bao gồm nạn thất nghiệp kinh niên ở thành thị, việc làm không được đảm bảo, và các cuộc biểu tình của những nông dân nghi ngờ với kế hoạch và không sẵn sàng di dời. Thay vì mang đến một cuộc sống sung túc, thành thị hóa có thể sinh ra một tầng lớp dưới cư trú tại những thành phố lớn và dẫn đến hủy hoại văn hóa cũng như phong tục nông thôn.

Từ hơn hai năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng một kế hoạch thành thị hóa toàn diện. Kế hoạch ban đầu được dự kiến trình bầy tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc hồi tháng 3, nhưng do nhiều quan ngại nên đã bị đình lại, theo một số thông tin thân cận với chính phủ. Một vài trong số đó bao gồm thách thức về mặt tài chính, sự phối hợp giữa nhiều bộ ngành và cân bằng quyền lợi cho nông dân, những người có đất bị tịch thu cho các dự án đô thị.

Những quan ngại này cũng đã khiến Trung Quốc phải hoãn một hội nghị cấp cao để chính thức công bố kế hoạch dự kiến diễn ra trong tháng này. Theo các nhà cố vấn chính phủ, sự kiện trên sẽ được lui lại đến mùa thu này. Các lãnh đạo cấp cao có thể đang cân nhắc khoản chi tiêu này sẽ dẫn đến lạm phát và nợ xấu.

Các lo ngại đó đã dẫn tới cuộc kêu gọi bảo vệ quyền tài sản của nông dân trong một báo cáo chính phủ công bố hồi tháng 3. Báo cáo nói Trung Quốc phải “bảo đảm quyền và lợi ích về tài sản của nông dân”. Dù vậy, đất đai thuộc sở hữu nhà nước nên nông dân sẽ không có quyền sở hữu dù theo bản kế hoạch mới này.

Tuy nhiên, trên mặt đất thì một làn sóng đô thị hóa mới đã đang diễn ra. Gần như mỗi tỉnh đều có các chương trình quy mô lớn di dời nông dân vào ở tại các tòa nhà cao tầng, và đất đai của những nông dân này sẽ được trao cho các doanh nghiệp và thành phố quản lý. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để nâng cao sức hấp dẫn của cuộc sống đô thị, nhưng nông dân nằm trong diện quy hoạch của các chương trình thường không có lựa chọn nào khác.

Thực tế, xu hướng lớn này đã bắt đầu từ mấy chục năm trước. Đầu những năm 1980, khoảng 80% dân số Trung Quốc sống ở nông thôn, so với tỷ lệ 47% hiện nay, cộng với 17% lao động làm việc ở thành phố (nhưng được phân loại là nông dân). Ý tưởng ở đây là phải đẩy nhanh quá trình và đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia đô thị hóa sớm hơn so với việc cứ để diễn ra một cách tự nhiên.

Còn nữa

Đình Ngân (theo NYtimes)