Trong hơn hai chục năm qua, Trung Quốc theo đuổi một chính sách nhất quán về Biển Đông với hai trọng tâm là: từng bước củng cố các yêu sách chủ quyền và quyền tài phán, đồng thời ra sức trấn an các quốc gia Đông Nam Á về "mong muốn" trỗi dậy hòa bình của mình. Những động thái gần đây của Trung Quốc nhằm "bảo vệ" cho các yêu sách biển là minh chứng rõ ràng cho vế thứ nhất, tuy nhiên, những hành động đảm bảo về sự trỗi dậy không gây hại cho ai dường như lại đang ngày một hiếm đi.

Quả thật, không chỉ không xoa dịu mối quan ngại của Đông Nam Á về thái độ quả quyết của mình, Trung Quốc còn đổ thêm dầu vào lửa khi cố tình khai thác những chia rẽ bên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để gia cố cho những lợi ích quốc gia của mình.

Lập trường cứng rắn của Trung Quốc

Nhiều nhà bình luận của các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc khi phân tích về vấn đề Biển Đông đã trở nên ít thiện chí hòa giải hơn rất nhiều. Các bài viết thể hiện quan điểm thường nhấn mạnh một số chủ đề mới trong quan điểm chính thức của Trung Quốc.

Chủ đề thứ nhất là lãnh thổ, chủ quyền cũng như quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông theo quan điểm của nước này đang ngày càng bị các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản thách thức. Phản ứng của Trung Quốc, chủ đề này nêu rõ, nên duy trì yêu sách mạnh mẽ hơn, tăng cường sự hiện diện quân sự tại các vùng biển tranh chấp, và nếu cần thiết, sẵn sàng triển khai các biện pháp cưỡng chế đối với các nước khác. Một bài bình luận viết: "Hợp tác phải có sự tin tưởng tốt, cạnh tranh thì phải mạnh, còn đối đầu thì phải kiên quyết".

Một chủ đề khác được truyền thông chính thống TQ nêu nhiều là, trong khi Trung Quốc tỏ ra kiềm chế, các nước khác như Philippine và Việt Nam lại luôn theo đuổi những hành động khiêu khích và trái pháp luật trong nỗ lực "vơ vét" tài nguyên biển như dầu khí và ngư sản mà Trung Quốc coi là thuộc sở hữu của mình.

Chủ đề thứ ba trên truyền thông TQ  là cáo buộc Manila và Hà Nội tiếp tục khuyến khích Mỹ "can thiệp" vào Biển Đông và Mỹ đã lợi dụng các tranh chấp này làm cái cớ "xoay trục" các lực lượng quân sự về châu Á. 

Để đảo ngược những xu hướng tiêu cực ấy, các nhà bình luận Trung Quốc kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp kiên quyết hơn đối với các vùng lãnh thổ và ranh giới tranh chấp trên biển. Họ lập luận, tinh thần chủ nghĩa dân tộc không cho phép họ không làm như vậy.


Ảnh minh họa

Những biện pháp gần đây của chính quyền Trung Quốc thực tế đã hé lộ một quan điểm cứng rắn hơn. Điều đáng lo ngại là, một số sáng kiến kêu gọi cần phát triển một lực lượng quân sự mạnh, có thể dùng như một lời cảnh báo cho các bên tuyên bố chủ quyền khác rằng Trung Quốc sẵn sàng "chơi rắn".

Có lẽ, nỗ lực đáng lưu tâm nhất của Trung Quốc khi bảo vệ các quyền tài phán của mình trên Biển Đông là việc đã nâng địa vị hành chính của "Tam Sa" từ cấp quận lên cấp thành phố hồi tháng 6.

"Tam Sa" ban đầu được thành lập vào năm 2007 là một cơ quan hành chính để "quản lý" quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfield và quần đảo Trường Sa. Việc nâng cấp thành phố cho "Tam Sa" chính là phản ứng trực tiếp đối với bộ Luật Biển vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 21/6, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Chưa đầy một tháng sau, chính quyền "thành phố Tam Sa" bầu thị trưởng và ba phó thị trưởng, đồng thời Hội đồng Quân ủy trung ương Trung Quốc cho phép thành lập một đơn vị đồn trú để "quản lý việc huy động quân đội, nguồn lực quân sự và triển khai các chiến trịch quân sự của thành phố".

Trước đó, cuối tháng 6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố bắt đầu tuần tra "ứng chiến" tại quần đảo Trường Sa để "bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích phát triển an ninh của Trung Quốc". Chưa hết, trước sự bối rối của hải quân Trung Quốc, ngày 13/7, một trong các tàu khu trục của lực lượng này đã bị mắc cạn tại bãi Trăng Khuyết, nơi chỉ cách hòn đảo Palawan của Philippine 70 hải lý và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của nước này. Tàu nhanh chóng nhận được sự ứng cứu chỉ trong vòng 24 giờ, điều đó cho thấy các tàu hải quân Trung Quốc khác cũng đang ở gần đó khi sự việc diễn ra. Những diễn biến này cung cấp thêm bằng chứng về hoạt động quân sự hóa ngày càng ráo riết của Trung Quốc tại những nơi tranh chấp.

Trung Quốc cũng làm suy yếu tuyên bố chủ quyền và các hoạt động thương mại của Việt Nam và Philippine theo những cách thức khác nữa.

Tháng 6, Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã mời các công ty năng lượng nước ngoài tham gia đấu thầu quyền thăm dò tại 9 lô dầu khí ở Biển Đông. Các lô này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đã được công ty PetroVietnam mời thầu phát triển với các công ty năng lượng nước ngoài. Việt Nam do vậy đã phản đối kịch liệt việc mời thầu của CNOOC.

Điều đáng nói hơn là, các lô thăm dò này nằm đúng tại ranh giới "đường chín đoạn" trong bản đồ của Trung Quốc và có vẻ được nhằm mục đích để củng cố cho những lý lẽ giải thích cho đường đứt khúc này của Bắc Kinh là giới hạn ngoài cùng của "các quyền lịch sử" của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, các quốc gia ven biển không được hưởng "quyền lịch sử" tại các vùng biển sâu. Do vậy, sẽ rất khó có công ty năng lượng lớn nào tham gia đấu thầu các lô thăm dò của CNOOC - tuy nhiên, các công ty nhỏ hơn có thể sẽ vẫn tham gia, với hy vọng nhận được sự ưu ái của Bắc Kinh trong các hợp đồng béo bở hơn về sau.

Về vấn đề quyền sở hữu bãi cạn Scarborough, trong đối đầu căng thẳng giữa các tàu bảo vệ ngư dân hồi tháng 5 và tháng 6, quan điểm của Trung Quốc vẫn là không khoan nhượng. Tại Diễn đàn khu vực ASEAN thường niên (ARF) ở Phnom Penh hồi tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi cạn, bác bỏ quan điểm cho rằng đây là vùng tranh chấp và cáo buộc Manila "gây chuyện".

Theo Bộ Ngoại giao Philippine, tàu đánh cá Trung Quốc - dưới sự bảo vệ của các tàu bán quân sự - vẫn tiếp tục khai thác cá tại vùng biển gần bãi cạn Scarborough bấp chấp một thỏa thuận song phương mà hai bên vừa ký kết về việc rút tàu ra khỏi khu vực. [1]

Sau ARF, Trung Quốc lại gia tăng áp lực lên phía Philippine. Giữa tháng 7, Trung Quốc cử một đội tàu gồm 30 tàu cá tới quần đảo Trường Sa với sự hộ tống của tàu quản lý nghề cá có tải trọng 3.000 tấn , tàu Ngư chính 310. Các tàu này khai thác san hô và đánh cá gần đảo Pag-asa của Philippine quản lý và bãi Vành Khăn, bãi Subi đang được Trung Quốc quản lý. Chính phủ Philippine chỉ giám sát tình hình chứ chưa có hành động.

Thất bại tại Phnom Penh

Trước đây, sau khi Trung Quốc có những hành động quả quyết trên Biển Đông, nước này đều cố gắng xoa dịu cảm giác của các nước Đông Nam Á. Thế nhưng, tại một loạt các hội nghị của ASEAN ở Phnom Penh hồi giữa tháng 7, các quan chức Trung Quốc gần như không đưa ra bất cứ lời trấn an nào cho các đối tác Đông Nam Á. Xấu hơn, Trung Quốc dường như còn lợi dụng ảnh hưởng của mình với Campuchia để nhấn chìm các nỗ lực giải quyết tranh chấp của ASEAN, gây rạn nứt trong khối ASEAN.

Tại phiên cuối Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thường niên (AMM), Philippine và Việt Nam muốn thông cáo chung phản ánh những quan ngại nghiêm trọng về vụ việc Scarborough và vụ mời thầu của CNOOC. Hai nước nhận được sự ủng hộ của Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, tạo cảm giác ASEAN đang dần có được một tiếng nói chung. Nhưng Campuchia - nước giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN và có mối quan hệ kinh tế cũng như chính trị gần gũi với Trung Quốc - đã phản đối bởi vì, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong, "ASEAN không thể được sử dụng như một tòa án cho các tranh chấp song phương". Nỗ lực tìm kiếm một sự thỏa hiệp của Bộ trưởng Ngoại giao ndonesia Marty Natalegawa trong văn kiện cũng bất thành và do vậy, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại, một hội nghị Bộ trưởng ASEAN không thể cho ra được một bản thông cáo chung sau phiên bế mạc.

Thất bại của AMM quá nhãn tiền và cay đắng. Ông Marty gọi việc không thể tìm được một thỏa thuận của ASEAN là "vô trách nhiệm" và nói vai trò trung tâm của tổ chức trong việc xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực đã bị đe dọa. Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam thì miêu tả thất bại đó là "sự sứt mẻ nghiêm trọng" đối với uy tín của ASEAN.

Campuchia và Philippine sau đó đổ lỗi cho nhau gây ra kết cục này.

Campuchia đã phải chịu những sự bêu rếu của báo chí khu vực là thiếu khả năng lãnh đạo và đặt quan hệ song phương với Trung Quốc lên trên lợi ích chung của ASEAN. Một nhà phân tích cho rằng các quan chức Campuchia đã tham vấn phía Trung Quốc trong suốt phiên họp cuối cùng khi bàn về thỏa thuận chung trong bản thông cáo. [2]

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc lập tức miêu tả kết quả của AMM là chiến thắng của Trung Quốc, và khẳng định ASEAN không phải là nơi thích hợp để thảo luận tranh chấp, đồng thời đây cũng chính là thất bại của cả Philippine và Việt Nam.

Vài ngày sau AMM, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cử Bộ trưởng Ngoại giao đi 5 nước ASEAN nhằm khôi phục lại tinh thần đoàn kết ASEAN. Chuyến ngoại giao con thoi của Marty đem lại kết quả là một tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 20/7 về "Nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về Biển Đông. [3] Thế nhưng, sau điểm này lại chưa mở ra điều gì mới và chỉ đơn thuần khẳng định lại những đồng thuận mang tính mấu chốt của ASEAN về Biển Đông.

Đáp lại tuyên bố chung trên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết sẽ bàn bạc với ASEAN để thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

Một trong sáu điểm đó kêu gọi sớm đạt được một Bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông (COC), nhưng thất bại tại Phnom Penh khiến cho mục tiêu trên càng bị đặt dấu hỏi lớn.

Mặc dù Trung Quốc chấp nhận thảo luận COC với ASEAN vào tháng 11, nhưng Bắc Kinh lại luôn thiếu nhiệt tình với một thỏa thuận như vậy, và thay vào đó ưu tiên tập trung thực hiện DOC hơn. Không nản lòng, năm nay ASEAN đã bắt đầu soạn thảo các nguyên tắc chỉ đạo cho Bộ quy tắc và vào tháng 6 đã thống nhất về các điểm chính trong COC. Mặc dù phần lớn văn bản đã soạn sẵn, nhưng có hai khía cạnh đán quan tâm.

Trước hết là lời kêu gọi của ASEAN về việc giải quyết "toàn diện và lâu dài" các tranh chấp, một cụm từ có vẻ sao chép lại kiến nghị của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình rằng các bên nên gác lại các tuyên bố chủ quyền và cùng nhau khai thác các tài nguyên biển. Nhưng đương nhiên bốn bên tuyên bố chủ quyền Biển Đông trong ASEAN sẽ không chấp nhận "công thức" Đặng Tiểu Bình, bởi nó chẳng khác nào thừa nhận "chủ quyền không thể tranh chấp" của Trung Quốc đối với toàn bộ các đảo tại Biển Đông.

Khía cạnh đáng quan tâm thứ hai liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh từ các vi phạm hay cách  giải thích bộ quy tắc đề xuất này. Văn bản kiến nghị các bên tranh chấp sử dụng Hiệp ước thân thiện và hợp tác 1976 (TAC) hay các cơ chế giải quyết trong UNCLOS. Tuy nhiên, cả hai sẽ đều có ít khả năng được áp dụng. Trong khi TAC cung cấp một cơ chế giải quyết tranh chấp dưới hình thức một Hội đồng tối cao ASEAN, nó lại chưa bao giờ được viện dẫn bởi bản chất chính trị hóa cao của hội đồng và bởi thực tế nó không thể ban hành những quy định mang tính ràng buộc. Hơn nữa, mặc dù Trung Quốc tham gia hiệp ước TAC vào năm 2003, nhưng Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ từ chối thảo luận Biển Đông tại Hội đồng tối cao bởi Trung Quốc sợ ở trong thế 1 đấu 10.

UNCLOS có các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc, bao gồm việc đệ trình các tranh chấp lên Tòa án Công lý quốc tế hay Tòa án quốc tế về luật biển. Bắc Kinh luôn bác bỏ vai trò của Tòa án công lý trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, và năm 2006, đã thực thi quyền được không tham gia các phương thức giải quyết của Tòa án quốc tế về luật biển liên quan đến ranh giới và hoạt động quân sự trên biển.

Ngày 9/7, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh trình bầy với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN là Trung Quốc sẵn sàng bắt đầu thảo luận COC vào tháng 9. Tuy nhiên, hai ngày sau, khi ASEAN tranh luận về bản thông cáo chung, ông Dương Khiết Trì có vẻ lại loại bỏ khả năng này với tuyên bố, các cuộc thảo luận chỉ có thể diễn ra "khi thời cơ chín muồi". Còn hiện tại, ASEAN và Trung Quốc sẽ không tổ chức bất cứ hội nghị nào về COC, mặc dù các quan chức hiện đang thảo luận các dự án hợp tác chung theo DOC.

Nếu và khi hai bên ngồi lại thảo luận COC, có thể Bắc Kinh sẽ yêu cầu loại bỏ tất cả những sự đề cập đến giải quyết tranh chấp với lý do bộ quy tắc ấy sẽ chỉ được soạn thảo để quản lý các căng thẳng, còn tranh chấp chỉ có thể được giải quyết tay đôi giữa Trung Quốc với từng bên tuyên bố chủ quyền. Tóm lại, những diễn biến trên đã xóa nhòa đi triển vọng sớm đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN. Như thế, tình trạng hiện nay sẽ còn tiếp diễn ít nhất trong một tương lai gần.

Ghi chú:
1. Why There was no ASEAN Joint Communique, Philippine Department of Foreign Affairs, July 19, 2012.
2. Ernest Bower, China reveals its hand on ASEAN in Phnom Penh, Center for Strategic and International Studies, July 20 2012.
3. Statement of ASEAN Foreign Ministers on ASEAN's Six-Point Principles on the South China Sea, Cambodian Ministry of Foreign Affairs, July 20, 2012.

  • Ian Storey là thành viên Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, và tác giả cuốn Southeast Asia and the Rise of China: The Search for Security (Routledge, tháng 5/ 2011).
  • Đình Ngân dịch