Việc nhiều nhân sự trẻ giữ cương vị đứng đầu ở các địa phương cho thấy đã có sự chuyển động đáng lưu tâm…

Trong phần tiếp theo của bài viết, TS Vũ Minh Khương phân tích về vị thế hiện nay của đất nước và những tín hiệu chuyển động từ các bí thư trẻ vừa được bầu sau ĐH Đảng ở các địa phương.

Xem phần 1: TS Vũ Minh Khương bàn về cơ hội chọn người đứng đầu

Triển vọng tiến vào giai đoạn kiến tạo phồn vinh

Quá trình đổi mới của Việt Nam có thể chia thành ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên là thoát đói nghèo. Giai đoạn này diễn ra vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 và được đặc trưng bởi quyết định bước ngoặt từ bỏ tư duy giáo điều - lạc hậu, chấp nhận những qui luật kinh tế cơ bản của kinh tế thị trường. Nhờ vậy, nguồn lực xã hội được giải phóng và người dân thóat cảnh đói nghèo.

Giai đoạn thứ hai nhằm vào thúc đẩy tăng trưởng. Giai đoạn này diễn ra từ nửa cuối những năm 1990 đến nay. Giai đoạn này tập trung vào đẩy mạnh đầu tư, tăng cường hội nhập quốc tế, khuyến khích kinh tế tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Nỗ lực này, dù chưa hoàn hảo, đã giúp nền kinh tế phát triển nhanh, rộng khắp. Nhờ vậy, vị thế đất nước được nâng lên, cuộc sống người dân nói chung khấm khá hơn trước.

Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn này và đang có những cố gắng mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong việc hội nhập quốc tế sâu rộng với việc ký kết hiệp định lịch sử đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác, cải thiện môi trường kinh doanh, và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Đất nước ta cũng đang đứng trước triển vọng tiến vào giai đoạn thứ ba – Kiến tạo phồn vinh.

Giai đoạn này đặc trưng bởi khả năng hoạch định chiến lược, nỗ lực nâng cấp thực lực công nghệ, và thành công trong trọng dụng hiền tài. Nếu bước được sâu vào giai đoạn này, Việt Nam sẽ làm nên một kỳ tích phát triển mới của Đông Á trong thế kỷ 21.

Nếu chúng ta không bước được vào giai đoạn này mà chỉ xoay xở với những cố gắng của giai đoạn 2 thì đất nước sẽ đứng trước ba rủi ro lớn: rủi ro cấu trúc; rủi ro bất ổn; và rủi ro chia rẽ xã hội.

{keywords}
Ảnh minh họa: Đinh Tuấn

Rủi ro cấu trúc gắn với khả năng Việt Nam sẽ được xếp vào toa tầu hạng cuối trong đoàn tầu thế giới khi Việt Nam mạnh dạn hội nhập sâu mà không nỗ lực nâng cao phẩm cách hệ thống. Rủi ro bất ổn là khả năng tổn thương nặng nề của nền kinh tế khi khủng hoảng tài chính châu Á hoặc toàn cầu được phỏng đoán sẽ diễn ra trong thập kỷ tới. Rủi ro chia rẽ xã hội là do phân hóa giàu nghèo ngày càng trở lên gay gắt. Người nghèo mất đi cơ hội và khả năng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới cho thấy, bộ máy lãnh đạo ưu tú là một động lực trung tâm để một quốc gia bước vào được vào giai đoạn thứ ba.

Đại hội Đảng 12 đang đứng trước những lựa chọn thế hệ lãnh đạo sẽ chịu trách nhiệm đưa đất nước tiến vào giai đoạn này. Nếu người lãnh đạo được lựa chọn đủ tầm đảm trách nhiệm vụ này, thế hệ hôm nay sẽ có cơ hội để lại một di sản phát triển vô giá mà hậu thế muôn đời thán phục, tự hào.

Ngược lại, nếu người lãnh đạo được lựa chọn hẹp về tầm nhìn, thấp về phẩm chất hiến dâng, kém về năng lực hành động thì trong nhiều thập kỷ tới, thì Việt Nam vẫn chỉ là một quốc gia có mức phát triển thấp so với hầu hết các nước Đông Á trong những thập kỷ tới.

Tín hiệu từ các bí thư trẻ

Vừa qua việc bầu các chức danh quan trọng ở cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã xong. Kết quả có một số nhân sự rất trẻ giữ cương vị đứng đầu ở các địa phương. Đó là một phát triển tích cực cho dù sự đi lên của các cán bộ trẻ này chưa được thẩm định bởi một qui trình được người dân tâm phục khẩu phục.

Việc đánh giá các cán bộ này trong thời gian tới có thể thực hiện nhanh qua ba khía cạnh bắt đầu bằng chữ I trong tiếng Anh: Integration (Gắn kết); Initiatives (Sáng kiến); và Impact (Dấu ấn).

Những người lãnh đạo trẻ phải thể hiện sự xuất sắc của mình trong gắn kết với dân, với doanh nghiệp, và với thế giới bên ngoài. Họ phải sớm đưa ra những sáng kiến hành động làm xã hội phấn chấn ủng hộ. Họ cần tạo ra được dấu ấn cá nhân tích cực, nếu không nói là đặc sắc, trong nỗ lực khẳng định mình.

Việc xuất hiện các cán bộ lãnh đạo rất trẻ trong đại hội lần này, do vậy, vừa giúp tháo bỏ những rào cản trong đề bạt người trẻ vừa nâng tầm đòi hỏi với họ về năng lực và thành quả công tác. Trước diễn biến mới này, lạc quan thận trọng, ủng hộ, và đòi hỏi nghiêm khắc có lẽ là một cách tiếp cận hợp lý.

 Lan Anh ghi