Là một phần trong nỗ lực đầy tham vọng nhằm chấm dứt Chiến tranh lạnh, Carter đặt hy vọng hòa giải với Việt Nam. Chính quyền ông đã ngừng phản đối Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, hạn chế các lệnh cấm di chuyển đối với người Việt Nam, và cho phép các tổ chức phi chính phủ gửi viện trợ tới Việt Nam. Đổi lại, Mỹ chỉ yêu cầu có một hồ sơ hoàn thiện nhất về số người Mỹ mất tích trong chiến tranh.

>> Việt Nam trong bàn cờ các nước lớn

Sự xuất hiện của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại cảng nước sâu quan trọng của Việt Nam, cảng Cam Ranh, rất giàu sắc thái biểu trưng. Trong nhiều bức thư (không được hồi âm) gửi tới Tổng thống Harry S. Truman kêu gọi Mỹ hỗ trợ Việt Nam giành độc lập khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp, lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh đã đưa ra đề xuất thành lập căn cứ quân sự Mỹ tại vịnh Cam Ranh. Trong cuộc chiến chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vịnh trở thành căn cứ hải quân và không quân chiến lược, là điểm tiếp nhận hàng nghìn binh lính và khối lượng quân nhu khổng lồ phục vụ chiến đấu của Mỹ. Năm 1975, sau khi Mỹ rời khỏi Việt Nam, Liên Xô tiếp quản căn cứ này. Chuyến thăm của Panetta tới vịnh Cam Ranh đánh dấu một mốc son mới trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ hậu chiến tranh. Thực tế, những sự tăng cường hợp tác quân sự gần đây giữa hai nước đã mở ra triển vọng nối lại tình hựu nghị thực sự giữa hai bên từng là kẻ thù không đội trời chung.

Con đường đi đến tình hữu nghị còn dài và trải đầy trắc trở. Tháng 4/1975, chiến tranh Đông Dương kết thúc không mang đến hòa bình giữa Mỹ và Việt Nam. Bị mất mặt bởi một quốc gia nhỏ bé, cường quốc hùng mạnh nhất thế giới không còn tâm trạng làm hòa; Mỹ rút khỏi Việt Nam với tư thế kẻ thua cuộc. Mỹ đã mở rộng những lệnh cấm vận áp đặt lên miền Bắc thời chiến ra toàn bộ lãnh thổ, mập mờ từ chối - và có điều kiện - bồi thường thiệt hại theo đúng cam kết của chính quyền Nixon về thiết lập hòa bình, như yêu cầu được cung cấp hồ sơ đầy đủ về người Mỹ mất tích trong chiến tranh và phủ quyết việc Hà Nội nộp đơn xin gia nhập Liên hợp quốc (LHQ). Ngoại trưởng Henry Kissinger, vị kiến trúc sư chiến lược bình thường hóa đầu tiên của Mỹ, nhấn mạnh, mối quan hệ ngày càng xấu đi của Việt Nam với Trung Quốc và việc phụ thuộc nhiều hơn vào Liên Xô đến lúc nào đó sẽ buộc Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu của Mỹ.

Nếu nhìn dài hạn thì Kissinger đã đúng, nhưng kết quả trực tiếp dễ thấy vẫn là sự bế tắc. Không khó hiểu khi Việt Nam sẽ không muốn nhượng bộ trước quốc gia mà họ vừa giành chiến thắng. Việt Nam yêu cầu bồi thường chiến tranh như một điều kiện tiên quyết cho mọi đàm phán liên quan đến bình thường hóa. Một nỗ lực hòa giải nghiêm túc trong thời chính quyền Jimmy Carter cũng vấp phải bức tường "bồi thường". Là một phần trong nỗ lực đầy tham vọng nhằm chấm dứt Chiến tranh lạnh, Carter đặt hy vọng hòa giải với Việt Nam. Chính quyền ông đã ngừng phản đối Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, hạn chế các lệnh cấm di chuyển đối với người Việt Nam, và cho phép các tổ chức phi chính phủ gửi viện trợ tới Việt Nam. Đổi lại, Mỹ chỉ yêu cầu có một hồ sơ hoàn thiện nhất về số người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Tuy nhiên, trước một kẻ thù từng quá tàn ác, Việt Nam đã giữ kiên định lập trường yêu cầu Mỹ phải bồi thường. Rồi sau đó, hiểu rõ rằng sẽ không bao giờ nhận được sự đồng tình của Quốc hội, Carter đã công khai tuyên bố, nước Mỹ không nợ Việt Nam thứ gì cả. Việt Nam đã phản ứng giận dữ nhưng vẫn tin tưởng rằng các lực lượng phản đối chiến tranh tại Mỹ sẽ thuyết phục được Washington ưng thuận.

Bình thường hóa cũng là nạn nhân của một cuộc chiến tranh lạnh đang sôi sục. Khi nước Mỹ quay trở lại với cuộc đối đầu trước Liên Xô và hàn gắn quan hệ với Trung Quốc trong cuối những năm 1970, Việt Nam cũng chuyển hướng, ký kết một hiệp ước với Liên Xô, và vào năm 1978, đưa quân vào giúp nhân dân Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng.

Mỹ đã thể hiện thái độ cứng rắn hơn trong những năm 1980. Sau một thời gian tạm ngủ yên, vấn đề chiến tranh Việt Nam lại trở nên ầm ĩ trong đời sống Mỹ với mức độ cao hơn lúc trước. Tổng thống Ronald Reagan đã gọi chiến tranh Việt Nam là "cuộc chiến vì chính nghĩa cao cả". Giới lãnh đạo quân sự cũng như dân sự nhấn mạnh rằng nước Mỹ có thể - và lẽ ra - đã chiến thắng nếu sử dụng sức mạnh khổng lồ của mình một cách quyết liệt hơn. Dòng người tị nạn từ Việt Nam và việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia đã bị phía Mỹ lợi dụng để biến thành vết nhơ cho Hà Nội.

Bị kích động bởi hình ảnh người Mỹ "sau tấm mành tre" (Bamboo Curtain), vấn đề Tù nhân Chiến tranh và Quân nhân Mỹ Mất tích (POW/MIA) lại trỗi dậy. Những thước phim cảm động như Rambo tuyên truyền một câu chuyện sai lệch về những người Mỹ bị các chiến sĩ Cộng sản Đông Dương bắt giữ và được các siêu anh hùng Mỹ giải cứu. Một cuộc vận động có sức thuyết phục mạnh mẽ đã gây áp lực lên chính phủ Mỹ và biến Hà Nội trở thành con quỷ trong mắt người Mỹ. Mỹ trở lại với yêu cầu thông tin đầy đủ về tù binh chiến tranh và người Mỹ mất tích và gắn việc bình thường hóa với việc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, bất chấp nguy cơ trở lại cầm quyền của chế độ Khmer Đỏ. Quan điểm cứng rắn này đã thỏa mãn cả yêu cầu chính trị trong nước và đồng thời như trừng phạt đối với người chiến thắng. Một số quan chức Mỹ thậm chí còn kỳ vọng nó có thể góp sức lật đổ chế độ Hà Nội. Người kế nhiệm Reagan, George H.W. Bush, đã vạch ra một lộ trình cụ thể mà Việt Nam phải thực hiện thì mới tính chuyện đàm phán bình thường hóa quan hệ. Hiếm có khi nào trong lịch sử chiến tranh, một quốc gia thất bại lại có quyền áp đặt những yêu cầu khắt khe với người thắng cuộc như vậy. "Một ngày nào đó Việt Nam sẽ vượt qua được những hậu quả của việc chiến thắng trong cuộc chiến tranh với người Mỹ", tờ Economist năm 1991 quan sát. "Người Mỹ đang trì hoãn cái ngày này lâu nhất có thể".

Đến đầu những năm 1990, chiến tranh nối tiếp chiến tranh đã trở thành gánh nặng cho cả hai bên. Để thống nhất đất nước sau năm 1975, mô hình kinh tế được Hà Nội theo đuổi một cách cứng nhắc đã không mang lại những kết quả như mong muốn. Cuối những năm 1980, một giới lãnh đạo thực tế hơn đã phát động công cuộc cải cách kinh tế, dựa trên cách làm áp dụng tại Trung Quốc và Liên Xô thời Mikhail Gorbachev. Quá trình đổi mới đã mở cửa nền kinh tế theo nhiều hướng quan trọng, áp dụng những tiến bộ của tư bản chủ nghĩa và chủ động tìm kiếm đầu tư nước ngoài. Chính phủ mới thậm chí cũng nới lỏng một số kiểm soát chính trị. Trong bầu không khí mới mẻ này, thương mại với Mỹ lấy lại tầm quan trọng. Việt Nam cũng nhận thấy đang bị cô lập rất lớn về ngoại giao và gặp khó khăn trong vấn đề Campuchia. Liên Xô sụp đổ đã khiến Việt Nam mất đi một đồng minh và nhà viện trợ kinh tế quan trọng. Hà Nội sau đó chấp nhận kế hoạch của LHQ về rút quân khỏi Campuchia. Mặc dù có tới chừng 300.000 người Việt Nam mất tích trong khi đang làm nhiệm vụ, Việt Nam bắt đầu hỗ trợ Mỹ xác định vị trí hài cốt lính Mỹ tử trận. Hợp tác trong lĩnh vực này đã mở ra những cuộc đàm phán hiệu quả trong nhiều vấn đề khác.

Mỹ cũng tìm thấy động lực cho bình thường hóa quan hệ. Với một số người Mỹ, hòa giải với Việt Nam mang đến một cách duy nhất "chấm dứt" cuộc chiến đã quá đeo đẳng đối với họ. Các cuộc thăm dò công luận cho thấy người Mỹ ngày càng ủng hộ việc bình thường hóa hơn và sự phản đối cũng mờ nhạt đi. Đến giữa những năm 1990, Việt Nam đã đáp ứng hầu hết các điều kiện trong lộ trình Bush. Hiệu lực chính của việc tiếp tục duy trì lệnh cấm vận là để hạn chế doanh nhân Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ do đó ngày càng vận động để chấm dứt điều này. Điều tra nhiều năm, đặc biệt của một Ủy ban đặc trách Thượng viện do hai cựu chiến binh cuộc chiến Việt Nam John McCain và John Kerry đứng đầu, đã không phát hiện bằng chứng người Mỹ còn đang bị giam giữ.

Từng công khai tham gia phản đối chiến tranh Việt Nam khi còn là sinh viên, Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Bill Clinton đã có những bước đi thận trọng tiến đến bình thường hóa. Tháng 7/1993, chính quyền của ông đã ngừng ngăn chặn các khoản cho vay quốc tế đến với Việt Nam và cắt cử các nhà ngoại giao đến Hà Nội để giúp người Mỹ tìm kiếm thông tin về quân nhân mất tích. Đầu năm 1994, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận. Cuối năm đó, Việt Nam trao lại cho Mỹ pháo đài từng là niềm tự hào, và nay đang bong ra từng mảng, nơi mà Mỹ sử dụng làm đại sứ quán tại Thành phố Hồ Chí Minh, biểu tượng cho sự hiện diện sức mạnh và sự ra đi đầy hổ thẹn của Mỹ. Tháng 7/1995, Clinton tuyên bố khôi phục quan hệ ngoại giao toàn diện với Việt Nam. Trong một lựa chọn nhiều cảm hứng, Clinton đã bổ nhiệm Douglas "Pete" Peterson làm đại sứ Mỹ đầu tiên tại Hà Nội. Ông từng là phi công Không quân Mỹ và từng là tù nhân chiến tranh. Hoạt động ban đầu của ông tại Việt Nam là ở nhà tù Hỏa Lò khét tiếng. Peterson tỏ ra là một tác nhân hiệu quả trong hoạt động hòa giải.

Bình thường hóa đã mang lại ít nhiều kết quả quan trọng. Các tập đoàn Mỹ như PepsiCo, Nike và United Airlines mau chóng tìm tới Việt Nam. Nike trở thành nhà tuyển dụng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Nhưng đến cuối thập niên, Mỹ vẫn chỉ xếp thứ 8 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Mãi đến năm 1999, hai nước mới có thể đi đến một hiệp định thương mại. Việc Việt Nam chưa được Mỹ chấp nhận chế độ tối huệ quốc đã hạn chế lượng hàng hóa bán sang Mỹ, do đó, cùng với mức thu nhập bình quân đầu người thấp, đã hạn chế sức mua của Việt Nam.

Chuyến thăm của Clinton tới Việt Nam vào tháng 11/2000 là một bước tiến quan trọng. Tổng thống Mỹ đã thu  hút được đám đông quan tâm khổng lồ. Ông không nói lời xin lỗi rằng nước Mỹ đã gây ra cuộc chiến như một số người Mỹ muốn ông làm như vậy, nhưng ông đã nhấn mạnh chủ đề rằng Việt Nam là một quốc gia chứ không phải một cuộc chiến tranh, đây là điều mà nhiều người Mỹ chưa bao giờ hiểu được. Ông tới thăm nơi khai quật hài cốt lính Mỹ tử trận, nhưng cũng bầy tỏ quan tâm đối với những người Việt Nam còn chưa rõ tung tích. Chuyến thăm Việt Nam của ông cũng phơi bầy ra những bất đồng đáng kể đang tồn tại. Việt Nam nhấn mạnh Mỹ phải chịu nhiều trách nhiệm hơn trong các vấn đề nghiêm trọng do việc sử dụng hàng loạt chất độc màu da cam và do khối bom mìn còn sót lại chưa phát nổ gây ra. Trong khi Clinton nêu ra các vấn đề liên quan đến nhân quyền và tự do cá nhân và mở cửa nền kinh tế, giới lãnh đạo Việt Nam lên án nước Mỹ vẫn đang là đế quốc đang cố gắng áp đặt ý chí của mình lên một quốc gia có chủ quyền.

Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, quá trình bình thường hóa diễn biến nhanh. Năm 2001, Mỹ trao cho Việt Nam quy chế thương mại bình thường có điều kiện (NTR), hạ thấp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và hai nước đã ký kết một hiệp định thương mại song phương. Việt Nam đồng ý tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế. Năm 2007, với sự ủng hộ của Mỹ, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Quốc hội Mỹ thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn. Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 20% thị phần xuất khẩu vào năm 2009. Hai năm sau, kim ngạch thương mại song phương đạt 176 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2001, với cán cân hết sức có lợi cho Việt Nam. Các đại diện thương mại Mỹ và Việt Nam gặp gỡ thường xuyên để thảo luận các khu vực còn bất đồng như Mỹ kiện Việt Nam bá phá giá sản phẩm cá da trơn và hàng may mặc tại thị trường Mỹ và lo ngại trước vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Các quan hệ kinh tế khác cũng nở rộ. Mỹ nhanh chóng trở thành nhà đầu tư nước ngoài quan trọng tại Việt Nam. Kể từ năm 2000, Việt Nam trở thành một trog những quốc gia nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất từ Mỹ - 140 triệu USD năm 2011. Phần lớn viện trợ dành cho phòng chống HIV/AIDS. Mỹ cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam trong thúc đẩy cải cách kinh tế, đưa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của WTO, trong hoạt động tháo gỡ bom mìn chưa phát nổ và giáo dục.

Hàng loạt các cuộc gặp gỡ cấp cao đã tạo thêm thuận lợi cho mối quan hệ đang trên đà phát triển. Tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành quan chức Việt Nam đầu tiên tới Mỹ kể từ sau khi kết thúc chiến tranh. Tổng thống George W. Bush tới thăm Việt Nam vào tháng 11/2006. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp gỡ cấp cao với Tổng thống Bush vào năm 2008. Trong khi đưa ra những lời tán dương thường thấy cho những cải thiện trong mối quan hệ, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận nhiều vấn đề thương mại, thống nhất cử nhân viên quân sự Việt Nam sang Mỹ đào tạo tiếng Anh, và cho phép người Mỹ nhận con nuôi người Việt Nam. Năm 2008, Tổng thống Bush và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố thiết lập cơ chế đối thoại chính trị và quân sự. "Sự tham vấn và hợp tác nhịp nhàng đã trở thành đặc trưng của quan hệ Việt-Mỹ và đó là điều chưa từng có", nhà phân tích Frederick Z. Brown ghi nhận vào năm 2010.

Các vấn đề di sản để lại sau chiến tranh vẫn gây chia rẽ giữa hai nước. Việt Nam yêu cầu Mỹ nhận trách nhiệm và giúp làm sạch các chất độc hại gây chết người còn sót lại từ khoảng 21 triệu gallon thuốc diệt cỏ, nửa trong đó là chất độc màu da cam, được phun trên khoảng 10% diện tích khu vực phía nam Việt Nam và điều trị cho hàng triệu nạn nhân Việt Nam chịu ảnh hưởng của chất dioxin do Mỹ gây ra. Dù không chính thức nhận trách nhiệm, nhưng từ năm 2007, Mỹ đã cũng cấp các quỹ đáng kể cho thanh tẩy dioxin và chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Chính phủ Việt Nam cũng ra sức hỗ trợ tìm kiếm hài cốt lính Mỹ tử trận. Thông qua công nghệ và tiếp cận các hồ sơ thông tin, Mỹ cũng đã bắt đầu giúp xác định vị trí những người Việt Nam mất tích.

Vấn đề nhân quyền đang là trở ngại lớn. Đã thành chiêu bài, phía Mỹ vẫn luôn yêu cầu Việt Nam cải cách chính trị và tự do tôn giáo. Một số người Mỹ lợi dụng thương mại để đòi hỏi Việt Nam cải cách chính trị. Quốc hội và một số tổ chức nhân quyền Mỹ thường xuyên ban hành các đạo luật trừng phạt Việt Nam với lý do "đàn áp  chính trị". Có lúc, Mỹ lại cố tình đặt Việt Nam vào nhóm các nước quan ngại đặc biệt về đàn áp tôn giáo.

Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi lớn lao trong những năm đổi mới. Các cá nhân có thể tham gia tự doanh. Việt Nam khẳng định luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng và số lượng nhà thờ không ngừng tăng. Chính phủ thậm chí còn cho phép xây dựng chuỗi sân gôn chạy từ bắc vào nam, gọi là đường mòn gôn Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với Mỹ, tất cả vẫn còn những hạn chế. Mỹ thường xuyên lên tiếng ủng hộ những thành phần có ý đồ chống phá nhà nước Việt Nam và đe dọa sự cầm quyền của Đảng Cộng sản.

Việt Nam và Trung Quốc thường tự hào gắn bó như răng với môi. Trên thực tế, trong suốt chiều dài lịch sử, mối quan hệ với người láng giềng phương bắc này luôn lúc nóng lúc lạnh. Thời gian chịu sự đô hộ hàng nghìn năm phương bắc, Việt Nam đã tiếp thu văn hóa, ngôn ngữ và thể chế từ Trung Quốc. Việt Nam cũng đã kiên cường chống quân phương bắc xâm lược. Những năm gần đây, Việt Nam học hỏi mô hình cải cách kinh tế đang áp dụng tại Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Nhưng hai nước còn nhiều bất đồng trong một số vấn đề. Việt Nam phản đối kế hoạch xây dựng những con đập khổng lồ trên thượng nguồn sông Mekong, mạch nước quan trọng đối với nền kinh tế và hệ sinh thái Việt Nam. Việt Nam cũng e ngại ảnh hưởng lớn hơn của Trung Quốc tại Lào và Campuchia. Bất động lớn nhất diễn ra xung quanh vấn đề Biển Đông và các đảo trên Biển Đông, nơi là tuyến vận tải biển quan trọng, và có tiềm năng tài nguyên thiên nhiên to lớn. Các tuyên bố "chủ quyền không tranh cãi" của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực đe dọa tới lợi ích mà Việt Nam coi là sống còn. Trung Quốc cũng nhiều lần ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc bắt bớ nhiều tàu cá của Việt Nam. Tháng 7, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Việt Nam và Philippine, Trung Quốc vẫn ngang nhiên thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" như một cách để củng cố các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo trên Biển Đông. Mặc dù thận trọng để không gây khiêu khích Trung Quốc, Việt Nam vẫn nhận thấy giá trị chiến lược trong sự hiện diện hơn nữa của Mỹ tại Đông Nam Á và trong mối quan hệ gần gũi hơn với kẻ thù khi xưa này.

Mỹ cũng có mối quan hệ thương mại quan trọng với Trung Quốc và Trung Quốc nắm giữ khoản nợ khổng lồ còn đang tăng mạnh của Mỹ. Là cường quốc Thái Bình Dương, Mỹ cũng không thoải mái với các tuyên bố chủ quyền hống hách của Trung Quốc và cách nước này ức hiếp các quốc gia nhỏ hơn ở Đông Nam Á. Một số nhà chiến lược quân sự cảnh báo về các mối đe dọa từ lực lượng quân sự và đặc biệt là sức mạnh hải quân không ngừng lớn mạnh của Trung Quốc. Bị vướng vào hai cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan từ đầu thế kỷ, sự hiện diện của Mỹ trong khu vực Mỹ từng đô hộ dần biến mất. Trong một sự chuyển hướng chính sách quan trọng năm 2010, chính phủ Mỹ đã tuyên bố "xoay trục chiến lược" hay "tái cân bằng" theo hướng ngả về phía một khu vực có khả năng là trung tâm của thương mại thế giới trong những năm tới đây. Mặc dù tuyên bố trung lập trong các tranh chấp đang khấy đục Biển Đông, Mỹ vẫn kiên quyết bảo vệ tự do hàng hải. Lập trường của Mỹ đối với việc giải quyết tranh chấp biển đảo đang ngả sang các quốc gia nhỏ nhiều hơn.

Việt Nam và Mỹ đã trải qua một hành trình dài kể từ sau những năm tháng khó khăn lúc vừa kết thúc chiến tranh. Mỹ sẽ tiếp tục thúc giục Việt Nam trong vấn đề nhân quyền và nếu Mỹ không nhìn nhận lại, nó sẽ càng đè nặng lên các vấn đề mà Việt Nam mong muốn như dỡ bỏ lệnh cấm vận mua bán vũ khí, viếng thăm cấp cao, và hạ thấp thuế quan. Thật trớ trêu, cùng một vấn đề đã kéo cả hai nước lại với nhau cũng có thể tạo thành trở ngại lớn nhất đi đến hòa giải hơn nữa. Mối quan hệ của mỗi bên với Trung Quốc quan trọng đến mức không bên nào muốn có những hành động gây phương hại đến nó. Sau khi thể hiện một quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc năm 2010, Mỹ đã trở nên bớt nặng nề đáng kể. Việt Nam là bậc thầy trong quan hệ bang giao với nước lớn và sẽ tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với Nga và Trung Quốc cũng như với Mỹ. Trừ một số diễn biến ngoài mong đợi, hợp tác Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển cho tới khi đạt đến điểm không thể tiếp tiến.

Trâm Anh theo George C.Herring/ American review magazine. Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt