Để đối phó với nguy cơ vỡ Quỹ lương hưu, Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đề xuất hai phương án tăng tuổi hưu cùng hai phương án về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, phương án 1 là tăng ngay thêm năm năm làm việc. Phương án 2, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Thời điểm áp dụng bắt đầu từ 1-1-2014. Do tính chất nhạy cảm của vấn đề nên dự thảo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Bảo hiểm xã hội là chính sách lớn của bất cứ nước nào, thể hiện trình độ văn minh, tiềm lực và sức mạnh kinh tế cũng như khả năng quản lý. Trong hệ thống bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí đóng một vai trò quan trọng mà về mặt lý thuyết không chỉ tạo sự yên tâm cho người đang làm việc lại còn là thước đo sự công bằng trong việc thụ hưởng các phúc lợi sau một thời gian cống hiến.

Gần đây, thông tin về việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại dự thảo nghị định hướng dẫn Điều 187 Bộ Luật lao động năm 2012 đang được dư luận rất quan tâm, nhất là những người làm việc trong khu vực nhà nước.

Để đối phó với nguy cơ vỡ Quỹ lương hưu, Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đề xuất hai phương án tăng tuổi hưu cùng hai phương án về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, phương án 1 là tăng ngay thêm năm năm làm việc. Phương án 2, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Thời điểm áp dụng bắt đầu từ 1-1-2014.

Do tính chất nhạy cảm của vấn đề nên dự thảo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Hướng dẫn thủ tục cho người lao động tại một phòng bảo hiểm

Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân chung (53,2 tuổi) thấp hơn nhiều so với tuổi nghỉ hưu hiện nay; trong đó nam là 55,1 tuổi, nữ là 51,6 tuổi. Theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của nam giới hiện nay là 60 và nữ giới là 55, bất kể làm việc trong ngành nghề nào. Trong khi đó, theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình và kỳ vọng sống của người Việt Nam đang tăng. Những nguyên nhân này đã tạo nên áp lực về mất cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong tương lai gần, đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi về tuổi nghỉ hưu.

Trong dự thảo nghị định hướng dẫn và quy định chi tiết Điều 187 Bộ Luật Lao động về tuổi nghỉ hưu, với đối tượng đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu thì dự thảo đã căn cứ vào môi trường, điều kiện làm việc và tính chất công việc của lao động làm việc nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nặng nhọc, độc hại để đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu. Nhưng với các đối tượng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo nghị định không đề cập đến yếu tố quan trọng này mà đề xuất theo chức vụ trong quản lý và theo học hàm, học vị.

Kéo dài tuổi nghỉ hưu có tác động cả mặt tích cực và không tích cực. Trước hết, kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ sử dụng được tốt hơn kinh nghiệm, chất xám của lực lượng lao động có bề dày kinh nghiệm công việc. Người lao động cũng có thêm cơ hội nâng cao trình độ, được thăng tiến, đề bạt, thời gian cống hiến cho xã hội nhiều hơn. Ngoài ra, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm áp lực với Quỹ Bảo hiểm xã hội bởi theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2029 quỹ này sẽ không còn đủ khả năng chi trả.

Thế nhưng dưới một góc nhìn khác thì việc tăng tuổi nghỉ hưu lại ảnh hưởng tới cơ hội có được việc làm của lực lượng lao động trẻ, dự kiến được bổ sung cả triệu người mỗi năm, sẽ khó khăn hơn trong vấn đề tìm việc.

Thật ra, tăng tuổi nghỉ hưu không còn là quan điểm của riêng ai vì Điều 187 Bộ Luật Lao động đã quy định rõ trong thời gian tới sẽ tăng cho một số nhóm đối tượng như người làm việc có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý ở những lĩnh vực đặc biệt... Cho nên tăng tuổi nghỉ hưu là việc đương nhiên phải thực hiện, nhưng tăng như thế nào thì phải tính toán cẩn trọng.

Nhiều ý kiến cho rằng những người có trình độ chuyên môn cao thường là những người có nhiều năm công tác, tích lũy nhiều kinh nghiệm, nếu áp dụng mức tuổi nghỉ hưu của họ là 60 thì hơi lãng phí. Với những đối tượng trên cần kéo dài độ tuổi nghỉ hưu (tùy từng đối tượng, đủ sức khỏe để lao động) nhưng không quá hai năm - là hợp lý. Những người lao động làm các công việc nặng nhọc thì nên áp dụng đúng thời hạn tuổi nghỉ hưu hiện nay.

Với những người lao động trực tiếp, độc hại thì không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu, thậm chí có thể hạ tuổi nghỉ hưu xuống năm năm. Chẳng hạn như trong ngành dệt may, hầu hết lao động gần đến tuổi nghỉ hưu đều trong tình trạng thị lực kém, năng suất làm việc thấp, không đạt các yêu cầu kỹ thuật khắc nghiệt, thì cần được hưởng chế độ nghỉ hưu sớm.

Có thể nói tùy đặc thù ngành nghề, quy định có thể đưa ra mức tuổi phù hợp.

Còn trong khu vực hành chính sự nghiệp, trước tiên cần nhìn vào thực tế của các ngành, các bộ để nhanh chóng tinh giản đội ngũ công chức không làm việc mà vẫn lĩnh lương.Các chính sách hưu trí phải dứt khoát với những đối tượng đến tuổi hưu mà còn tiếc nuối muốn kiếm chác thêm ở các chức vụ khác.

Với các nhà khoa học tên tuổi, những công chức cán bộ năng lực cao thì chắc chắn không thiếu cơ hội để tiếp tục cống hiến tài sức. Thực tế này được kiểm chứng qua một nghiên cứu đề tài "Người về hưu tại TP. Hồ Chí Minh" mà kết quả được công bố trên báo Tuổi Trẻ cho thấy 78% người hưu trí ở thành phố này vẫn tiếp tục được trọng dụng ở nhiều lĩnh vực ngoài khu vực nhà nước. Riêng phụ nữ có đến 41% người nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm công việc khác, do quy định tuổi hưu 55 là quá sớm.

Tất nhiên không loại trừ nhiều người có năng lực lại xin nghỉ hưu non - vì đồng lương nhà nước không tương xứng - để ra ngoài làm việc, vừa có thu nhập cao vừa được hưởng lương hưu theo quy định. Đây là một vấn đề khác thuộc về bất hợp lý của chính sách.

Trong một cuộc hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi về tuổi nghỉ hưu, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng không nên coi 60 tuổi nghỉ hưu hay 55 tuổi nghỉ hưu hiện hành là quy định tuổi lao động. Bởi người lao động sau khi nghỉ hưu hoàn toàn có thể tiếp tục làm việc và có thu nhập chính đáng. Tuổi nghỉ hưu của cả nam lẫn nữ là quyền được nghỉ hưu và phải bình đẳng với nhau về tuổi nghỉ hưu.

Một số ý kiến lại cho rằng việc quy định tuổi nghỉ hưu nên xem xét theo hai đối tượng. Với nhóm đối tượng làm việc ở vùng sâu vùng xa, phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên và lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì sẽ hạ thời gian nghỉ hưu. Nhưng nghỉ sớm bao nhiêu năm cần phải có tính toán, tránh dẫn tới tình trạng như hiện nay có người 45 tuổi đã nghỉ hưu, đưa đến nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội. Nhóm thứ hai là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao như giáo sư, bác sĩ, nhóm các nhà quản lý, nhóm lao động đặc thù thì cần nâng tuổi nghỉ hưu.

Mặt khác, rất cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phương Tây, ở đó Quỹ hưu bổng được quản lý không chỉ là những khoản nộp vào của người đang làm việc và khoản chi cho những người đã nghỉ hưu. Quỹ hưu của họ được quản lý bởi một bộ máy không lệ thuộc vào đồng tiền của nhà nước và hoạt động sinh lợi qua việc tham gia đầu tư vào những lĩnh vực ít rủi ro. Làm được như vậy thì Quỹ hưu sẽ tránh được tình trạng mất cân đối tài chính như Quỹ Bảo hiểm xã hội của chúng ta.

Theo Minh Trí/ DNSG cuối tuần