"Trong điều kiện một đảng, không có đối trọng, anh phải tìm và tạo dựng cơ chế giám sát quyền lực, khắc phục và ngăn chặn sự tha hóa. Anh phải tạo cơ chế để người ta lấy đá ghè vào chân anh chứ không thể trông chờ anh tự lấy đá ghè chân mình được," Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

>>Tướng Lê Văn Cương bàn chuyện chỉnh đốn Đảng

Như ông đã nói, chúng ta đã nhiều lần chỉnh đốn đảng nhưng tình hình không được cải thiện. Theo ông, đâu là những điểm nhấn đột phá để NQTW 4 thực sự đi vào cuộc sống, tạo được bước chuyển thực sự?

Nghị quyết TƯ 4 đã nêu đầy đủ các giải pháp rồi. Theo tôi, cần tập trung ngay vào những nhát cắt chí tử, tạo chuyển biến mà người dân có thể thấy được.

Xuất phát điểm hành động chính là phải trở lại thực hiện NQ ĐH VI (1986) của Đảng. (Rất tiếc đến nay ta vẫn chưa có tổng kết về việc thực hiện nghị quyết này). Cụ thể:

"Trong điều kiện đảng lãnh đạo chính quyền, mỗi đảng viên dù ở cương vị nào đều phải là một công dân kiểu mẫu". "Có lập lại kỉ cương trong đảng, trong cơ quan lãnh đạo các cấp của nhà nước, mới có sức mạnh lập lại trật tự trong xã hội". "Trong tư tưởng cũng như trong hành động, phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi. Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa?... Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu hơn trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền tự ban cho mình những đặc quyền, đặc lợi".

Không xuất phát từ đây, tất cả chỉ là con số 0.

Có lập lại kỉ cương trong đảng, trong cơ quan lãnh đạo các cấp của nhà nước, mới có sức mạnh lập lại trật tự trong xã hội.

Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa?...

Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu hơn trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền tự ban cho mình những đặc quyền, đặc lợi".

Trích Nghị quyết ĐH VI của Đảng.

Nhưng liệu có ai tự nguyện vác đá ghè chân mình, thưa ông, trong khi thực tế nhóm hưởng đặc quyền, đặc lợi và nhóm lợi ích như Tổng bí thư đã nêu lại chính là những người có quyền?

Chính vì thế phải thay đổi cơ chế giám sát quyền lực. Trong điều kiện một đảng, không có đối trọng, anh phải tìm và tạo dựng cơ chế giám sát quyền lực, khắc phục và ngăn chặn sự tha khóa. Anh phải tạo cơ chế để người ta lấy đá ghè vào chân anh chứ không thể trông chờ anh tự lấy đá ghè chân mình được. Phải thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của lợi ích nhóm để thấy rõ: chỉnh đốn đảng nghiêm túc là con đường độc đạo mà đảng phải đi, để vượt qua chính mình để giữ vai trò lãnh đạo.

Suy cho đến cùng, sự tha hóa là kết quả của việc quyền lực không bị giám sát. Nơi nào quyền lực không bị giám sát thì ở đó có tha hóa, không phải ở riêng ĐCS VN.

Với đảng ta, dân chủ trong sinh hoạt đảng chưa được phát huy đầy đủ. Từ năm 1951, 1952, HCM đã nói: "dân chủ trong Đảng mới quét sạch được sự tha hóa, tham ô, lãng phí..."

Ở đâu và khi nào trong sinh hoạt đảng thể hiện sục sôi dân chủ thì đảng có sức sống mãnh liệt. Thiếu dân chủ, cơ quan lãnh đạo của đảng sẽ thiếu thông tin nhiều mặt về một vấn đề, đặc biệt những vấn đề hệ trọng quan hệ đến sự sinh tồn của đảng. Thiếu dân chủ thì sinh hoạt đảng trở thành độc thoại một chiều từ người lãnh đạo cao nhất, thiếu thông tin phản hồi từ dưới lên...Chỉ khi nào dân chủ thực sự thì sinh hoạt đảng mới loại bỏ được sự tha hóa trong đảng.

Hai là, hệ thống giám sát quyền lực trong Đảng, trong nhà nước hoạt động chưa thực sự hiệu quả. UBKT của Đảng, Thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành... cớ sao phát hiện vụ Vinashin quá muộn. Đó là bằng chứng của việc giám sát thiếu hiệu quả.

Vụ Tiên Lãng hiện nay, UBKT của Thành ủy Hải phòng, của huyện ủy Tiên Lãng ở đâu? Cơ quan dân cử của huyện Tiên Lãng, của TP Hải Phòng ở đâu, mà để nên cơ sự như vậy? Đó là một xã trong một huyện ở thành phố lớn, không phải nơi xa xôi, rừng xanh nước đỏ nào. Các bộ máy của Đảng, HĐND các cấp ở Hải Phòng đã ở đâu?

Nói điều này không có nghĩa những cán bộ, đảng viên ở các UBKT của đảng, thanh tra các cấp yếu kém, mà do sự ràng buộc của cơ chế khiến họ không phát huy được vai trò. Người giỏi và tốt đến mấy mà vào cơ chế này, thì thay đổi nếu có cũng chỉ được chút ít thôi. Vấn đề là phải sửa từ cơ chế.

Ảnh minh họa
Ba là, sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ, cấp ủy, tính chiến đấu, tính giáo dục thấp nếu không muốn nói là hình thức. Có bao nhiêu vụ tha hóa, tham nhũng do sinh hoạt đảng, cấp ủy phát hiện ra? 15 năm trước, Đảng ủy Quỳnh Phụ (Thái Bình) 10 năm liền trong sạch vững mạnh vậy mà cuối cùng sự kiện Thái Bình 1997 lại nổ ra.

Bốn là, độ chín muồi về chính trị của các đảng viên cộng sản, nhất là các đảng viên giữ vị trí chủ chốt trong đảng chưa đến. "Cán bộ phải là công bộc của dân" cơ mà. Bác Hồ từng nói tại Thanh Hóa: Chính phủ không làm tròn trách nhiệm, hư hỏng, dân có quyền đuổi chính phủ đi....

Cứ soi chiếu vào điều lệ đảng, bao nhiêu đảng viên đã làm đúng, làm đủ?Hay khi nắm quyền lực không ít người lại quên ngay những gì mình từng tuyên thệ trước quốc kì, đảng kì?

Cũng phải nói thêm rằng, đảng xác định mình là bộ phận ưu tú của dân tộc. Và vì tin điều đó, dân tộc giao cho đảng quyền lãnh đạo. Gắn với nó, cả Hiến pháp và điều lệ đảng đều nói nhân dân phải có quyền giám sát hoạt động của cán bộ đảng viên, cán bộ nhà nước. Nghị quyết của đảng cũng nêu rõ phải xây dựng cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động của đảng, nhà nước và các cán bộ đảng viên.

Điều lệ đảng, nghị quyết đảng nêu rồi, nhưng thực tế, cơ chế cho dân giám sát chưa có.

Sửa từ cơ chế là như thế nào, theo ông?

Trước hết, cần củng cố lại toàn bộ hệ thống cơ quan quyền lực của đảng và nhà nước. Giao quyền mà không củng cố hệ thống thì chỉ tạo điều kiện cho sự tha hóa.

Đương nhiên sẽ có những vấn đề phải chờ đến ĐH Đảng 12 để sửa điều lệ như việc lập Ủy ban Kiểm tra, Giám sát và Kỉ luật của Đảng do đại hội bầu (không phải do Ban chấp hành trung ương hay cấp ủy các cấp bầu). Kèm theo đó, phải có cơ chế 1/3 ủy viên Bộ chính trị/ Cấp ủy là thành viên của UB, chủ nhiệm là thường trực Ban bí thư.

Ủy ban này đã tổ chức theo hệ thống dọc, không phụ thuộc vào cấp ủy địa phương. Chủ nhiệm UB mỗi cấp có quyền bảo lưu ý kiến của mình, trình lên cấp trên khi khác với ý kiến của bí thư.

Mỗi kì họp thường kì của đảng, theo tôi, cần có hai báo cáo: một báo cáo của Bí thư về hoạt động của đảng và một của Chủ nhiệm UB Kiểm tra, Giám sát và Kỉ luật về nội tình của đảng.

Cơ quan thanh tra phải độc lập tương đối, trực thuộc Quốc hội, không phải Chính phủ (có thể do Phó Chủ tịch QH làm Chủ tịch). Ở địa phương cũng tổ chức tương tự, thanh tra thuộc cơ quan dân cử. Các cơ quan thanh tra ngành cũng đảm bảo sự độc lập tương đối.

Việc lập UB Kiểm tra, Giám sát và Kỉ luật có thể đưa vào ngay từ dịp sửa Hiến pháp sắp tới. Thực chất của nó chính là tăng quyền hạn của UB Kiểm tra trung ương hiện nay. Điều chỉnh thanh tra nhà nước trở thành cơ quan thuộc QH cũng là việc làm được, cần làm ngay.

Hai là, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế. Ở ta, vai trò của cá nhân và tập thể bị lẫn lộn. Người đứng đầu hoặc lạm quyền, hoặc không dám quyết định, không dám đột phá. Chừng nào chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân, đừng nói đến chống tham nhũng, chặn tha hóa, vì sẽ chỉ là nói suông thôi.

Ba là, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng với nhà nước, không để tình trạng hoặc bao biện, làm thay hoặc bỏ mặc. Với điều kiện một đảng lãnh đạo, ta phải tự tìm lấy lời giải cho mình. Không khắc phục được sự bất cập trong phương thức lãnh đạo của đảng với nhà nước, thì còn tha hóa. Quan hệ giữa cấp ủy, người đứng đầu, với thủ trưởng các cơ quan phải ràng buộc, cụ thể và rõ ràng hơn, theo luật.

Đơn cử, trong vụ việc ở Tiên Lãng, trách nhiệm của Thành ủy Hải Phòng, huyện ủy Tiên Lãng đến đâu? Trong vụ Vinashin, đảng ủy tập đoàn, tổng giám đốc Vinashin trách nhiệm như thế nào?

Trách nhiệm của đảng, đáng tiếc, vẫn là một vùng trống. Đó cũng là món nợ của các nhà khoa học Việt Nam với đảng. Đến lúc ta cần tháo tung ra cho các nhà khoa học thảo luận, tìm lối thoát cho đảng để lãnh đạo nhà nước.

Bốn là, tăng cường hơn nữa sự giám sát của cơ quan lập pháp đối với cơ quan hành pháp, cũng như sự độc lập của cơ quan tư pháp trong xét xử. Đây là điều được quy định trong Hiến pháp nhưng đến nay vẫn chưa làm được trong thực tế.

Song song với nó là tăng sự giám sát của cơ quan dân cử. Hiện nay cơ quan dân cử còn đóng vai trò mờ nhạt lắm.

Năm là, bố trí cán bộ dứt khoát phải qua kiểm tra, chọn lọc... mà ở đó, người đứng đầu phải trình bày và bảo vệ phương án của mình. Các ứng viên giám đốc sở, bộ trưởng chẳng hạn, đều phải nêu ra những ưu tiên công việc của mình nếu trúng cử. Tương tự, tại quốc hội, các ứng viên Thủ tướng cũng phải trình bày phương án, để từ đó Quốc hội lựa chọn. Đó là cách để ràng buộc trách nhiệm sau này, bãi miễn nếu làm sai. Có như vậy mới không còn chỗ cho chạy cửa sau, chạy chức, chạy quyền.

Sáu là, xây dựng cơ chế để thực hiện giám sát, phản biện cho nhân dân tham gia giám sát hoạt động của đảng, nhà nước và các cán bộ, đảng viên, như điều lệ đảng đã nêu. Cần trao cho các tổ chức nhân dân quyền phản biện, tham vấn về các chủ trương, chính sách của đảng. Đó chính là bộ lọc cho các chính sách có thể đi vào cuộc sống và gắn với cuộc sống, được dân ủng hộ. Đảng ta đã có lịch sử lắng nghe phản biện: thủy điện Sơn La, cảng Vân Phong... cần phát huy hơn nữa.

Cuối cùng, cần xây dựng cơ chế tuyển chọn và sử dụng hiền tài vào các vị trí quyết định trong hệ thống chính trị, từ cấp cao nhất đến cơ sở. Không có chính sách trọng dụng hiền tài, đất nước khó mà phát triển được.

Chúng ta cũng không thể trông chờ sự thay đổi trong ngày một ngày hai được. Trong nhiệm kì này, chúng ta chỉ có thể khắc phục một số vấn đề. Và tôi tin đảng sẽ khắc phục được, nhưng sẽ là một quá trình dài đau đớn.

Hoàng Phương Loan