Những cố gắng suốt từ Đổi mới đến nay đã mang lại nhiều thành công nhưng cũng mới đưa Việt Nam vào nhóm nước thu nhập trung bình và đang có nguy cơ rơi vào cái bẫy "thu nhập trung bình". Đâu là nguyên nhân chính?

Tuần Việt Nam giới thiệu Phần 3 cuộc tọa đàm với học giả Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy Fulbright, nhà nghiên cứu của Viện Raiawali về Châu Á; chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn; tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen; tiến sĩ Mộc Quế, chuyên gia tư vấn.

Phần 1: Việt Nam từng giàu có chưa?

Phần 2: Các quốc gia nghèo vì đâu?

Thưa ông Huỳnh Bửu Sơn, đã có nhiều học giả đi tìm câu giải đáp vì sao Việt Nam chưa giàu để "sánh vai các cường quốc năm châu". Dân tộc ta rất vĩ đại trong sự nghiệp bảo vệ độc lập tổ quốc, nhưng tại sao chưa phát huy được tiềm lực để trở nên giàu mạnh?

{keywords}

Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Vào thế kỷ thứ 16, 17 ở châu Âu đã có xu hướng trọng thương, đưa thương thuyền có chiến thuyền hỗ trợ đi buôn bán khắp nơi trên thế giới, mở rộng thị trường.

Ở Việt Nam thời kỳ đó, cả đàng trong và đàng ngoài đều mở cửa đón tiếp ảnh hưởng của châu Âu qua hoạt động buôn bán, tiếp thu học hỏi khoa học công nghệ của châu Âu. Ở đàng ngoài chúa Trịnh tiếp nhận sự giúp sức của người Bồ Đào Nha, đàng trong chúa Nguyễn dùng quân sư người Hà Lan. Vì là thời kỳ nam bắc phân tranh nên công nghệ kỹ thuật chủ yếu là vũ khí song những tiến bộ về thương mại buôn bán cũng được học hỏi, áp dụng. Miền Bắc đã có "thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến", miền Nam có thương cảng lớn Hội An, Đà Nẵng luôn sầm uất.

Không thể nói người Việt không có khát vọng kinh doanh làm giàu. Những di dân mở cõi về phương Nam dù là thành phần nghèo khó nhưng đã chịu khó khai phá, tích lũy. Khi có điều kiện đã cho con cái đi du học, nhiều ngưởi đã thành công trong kinh doanh, trở thành những nhà tư bản.

{keywords}
Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn

Bản chất của dân tộc ta là ham học hỏi. Ở đây có chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa về động cơ là "học để làm quan" nhưng chỉ một phần. Nhiều người học thành công đã áp dụng vào SX - KD có hiệu quả cao.

Tinh thần tự chủ độc lập của người Việt Nam ta rất mạnh mẽ. Đây là ưu điểm lớn. Nếu không chúng ta đã bị đồng hóa từ lâu. Và tinh thần tự chủ, độc lập lớn đến mức tạo ra một vùng đất linh thiêng, đã dung nạp rất nhiều di dân từ Trung Hoa và một số nước khác vào để cùng xây dựng và bảo vệ lãnh thổ.

Trong quá trình phát triển, trừ những giai đoạn chiến tranh thì không thể phát triển kinh tế, còn lại, theo tôi khả năng làm giàu của người Việt Nam không hề kém nếu được tạo điều kiện, được khuyến khích và được bảo vệ.

Xin được hỏi tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng: vì sao những thời cơ lớn và cũng là vận may của thời đại ở thế kỷ 19 và 20 chưa đến được với Việt Nam?

Bà Bùi Trân Phượng: Thực ra ở châu Âu những tư tưởng và chính sách cải cách, canh tân cũng chỉ xuất hiện sau Cách mạng công nghiệp đã tác động lớn cho sự phát triển của châu Âu và mở ra cơ hội lớn cho nhiều quốc gia châu Á. Nhật Bản là trường hợp biết nắm bắt cơ hội đó.

Tương đồng với Việt Nam, vào nửa cuối thế kỷ 19, nước Nhật đã rất thành công với hàng loạt cải cách của Minh Trị Thiên hoàng. Còn ở Việt Nam, vua Tự Đức qua những điều trần của Nguyễn Trường Tộ đã bắt đầu thực hiện canh tân đất nước cũng một số quan đại thần có đầu óc cải cách theo phương Tây.

Tuy nhiên, tầng lớp quan lại lúc bấy giờ vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo đã chống đối quyết liệt. Thậm chí ngay cả quan đại thần là tể tướng Trần Tiễn Thành, tương đương với chức Thủ tướng còn bị phe bảo thủ ám sát tại nhà riêng mà vua Tự Đức cũng không thể tìm ra thủ phạm.

Thất bại của triều đình nhà Nguyễn trong cải cách như Nhật Bản là do thế lực bảo thủ ở Việt Nam quá mạnh. Nhật Bản có may mắn hơn chúng ta là nhà vua lúc ấy là đứa trẻ con nhưng có những bậc quan lại trung thành ái quốc phò trợ đắc lực, tập hợp được lực lượng, có chính sách cải cách canh tân đất nước đúng đắn, phù hợp với thời đại.

{keywords}
TS. Bùi Trân Phượng

Thưa bà, bài học để lại sau canh tân đất nước thất bại thời vua Tự Đức là gì?

TS. Bùi Trân Phượng: Tự Đức là vị vua thông minh dù có phần yếu đuối nên đã không vượt qua được thế lực bảo thủ, lạc hậu. Đây là bi kịch cho dân tộc ta không chỉ thời nửa cuối thế kỷ 19.

Trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam đến nay, vẫn thường hay bị thế lực bảo thủ chi phối, ngăn cản. Nếu như thời Tự Đức thế lực đó ngăn cản, chi phối là vì nhận thức của họ thì giai đoạn sau này thế lực ngăn cản còn nguy hiểm hơn vì lợi ích cục bộ, cá nhân biến tướng từ tham ô, tham nhũng mà hiện nay người ta hay gọi là "lợi ích nhóm" đây.

Chính Tổng Bí thư đã dùng từ "lợi ích nhóm" một cách công khai đầu tiên để chỉ ra đích danh thế lực nguy hiểm cản trở đất nước. Những thế lực này không khi nào muốn thay đổi hiện trạng và rất sợ cải cách vì lo ngại ảnh hưởng đến lợi ích ngầm ngầm nhưng rất lớn của họ. Cho nên họ nhân danh cái này cái kia để can thiệp, tác động để bảo vệ cho quyền lợi của họ, bất chấp lợi ích dân tộc, mặc kệ những thời cơ và cơ hội của Tổ quốc.

Thưa tiến sĩ Mộc Quế, ông có chia sẻ gì với quan điểm trên?

Ông Mộc Quế: Theo tôi, còn nhiều hạn chế và thách thức. Để cho dễ hiểu thì tôi gom lại theo nhóm như sau:

Về chính sách, dù có chủ trương đúng nhưng nhiều chính sách của ta chưa phù hợp đang rất cần điều chỉnh hoặc thay đổi. Báo chí thời gian qua cũng đã phản ánh rất nhiều. Chính sách chưa phù hợp lại bị tham nhũng, "lợi ích nhóm" cào cấu vào đấy nên bị biến dạng là thực trạng rất nguy hiểm.

Về phía người dân, thì chưa được tiếp cận nhiều những tiến bộ mới kịp thời. Văn hóa truyến thống ở xã hội nông thôn đang thay đổi nhưng chưa định hình cái mới, nên đang rất tối - sáng  chưa rõ ràng. Ý chí và khát vọng làm giàu là có nhưng để hiện thực ý chí đó thì phương pháp và biện pháp chưa thật sự đúng nếu không nói là chưa hiệu quả.

{keywords}
TS Mộc Quế

Là người nghiên cứu chương trình Saemuel - xây dựng nông thôn mới - của Hàn Quốc để đưa về áp dụng ở Việt Nam, ông đã có trải nghiệm gì?

Ông Mộc Quế: Với Hàn Quốc, Saemuel là chương trình quốc gia của họ từ những thập niên 60 đã mang lại thành công to lớn cho đất nước này. Người Hàn ngày nay chúc nhau vẫn còn dùng từ "Saemuel", tức là chúc có tinh thần mạnh mẽ như chương trình Saemuel.

Còn tôi, áp dụng, đưa Saemuel vào một số vùng nông thôn, lồng ghép vào chương trình nông thôn mới chưa thể so sánh với chương trình quốc gia của họ. Mặc dù vận, tinh thần tự lập, tự cường và đoàn kết của Saemuel đã mang lại những kết quả ban đầu rất quý. Đó là xây dựng cho người dân ở nông thôn và kể cả thành thị ý chí làm giàu và biết nương tựa vào nhau để cộng đồng cùng giàu có, trù phú, cùng vượt qua khó khăn.

Trước thềm năm mới, các vị khách có lời chúc và kỳ vọng gì?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rất rõ nguyên nhân và những vấn đề tồn tại phải giải quyết. Điều này đang được nhiều tầng lớp đồng tình, ủng hộ và mong mỏi. Vấn đề là hành động như thế nào và bao giờ. Bản thân tôi tin rằng, làm được như thông điệp của Thủ tướng đưa ra thì năm 2014 chúng ta sẽ tạo được tiền đề cho những năm sau thoát ra khó khăn để phát triển.

Ông Mộc Quế: Thủ tướng đã xác định rõ những vấn đề quan trọng của đất nước, định vị vai trò của từng thành phần và từng lĩnh vực. Người nông dân vốn chiếm đa số ở Việt Nam đã được quan tâm. Hy vọng rằng qua năm 2014 thay đổi sẽ đến và có nhiều thành công, đưa đất nước trở lại quỹ đạo phát triển!

Tuần Việt Nam xin cảm ơn và chúc sức khỏe, chúc năm mới đến các diễn giả!

Duy Chiến (Thực hiện)