Gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa liên tục tăng nhanh từ hơn 96 tỷ USD năm 2011 lên 281,5 tỷ USD năm 2020, năm Covid-19 đầy khó khăn.  

Tuy vậy, phần lớn tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI; trong đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng âm; và do đó, tỷ trọng trong của khu vực FDI trong kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục từ 51% năm 2011 lên 72% năm 2020, và tăng lên tới 76% trong quý 1/2021.

Nhìn chung, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu không có gì đổi đáng kể, vẫn chủ yếu là sản phẩm lắp ráp, gia công xuất khẩu; giá trị gia tăng thấp.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của nước ta, tiếp đến là EU, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc; kim ngạch xuất khẩu sang các nước thành viên CPTTP khác như Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Chile tuy có tăng nhưng chưa thực sự đáng kể. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của nước ta.

Hoa Kỳ là thị trường chúng ta thu về ngoại tệ nhiều nhất, nhưng Trung Quốc lại là thị trường có ảnh hưởng lớn nhất đến sinh kế của người dân, nhất là nông dân.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng nhanh từ 2011 đến nay; và nhập khẩu của khu vực FDI cũng luôn tăng cao hơn nhiều so với khu vực kinh tế trong nước. Tuy vậy, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước luôn cao hơn xuất khẩu.

{keywords}
Nhìn chung, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu không có gì đổi đáng kể, vẫn chủ yếu là sản phẩm lắp ráp, gia công xuất khẩu; giá trị gia tăng thấp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Vì vậy, tỷ trọng nhập khẩu khu vực FDI chỉ tăng từ 52,7% năm 2011 lên khoảng 60% tổng kim ngạch nhập khẩu đến 2020; còn tỷ trọng nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm từ 47,3% xuống còn khoảng 40% trong cùng thời kỳ. Phần lớn hàng nhập khẩu là để sản xuất, lắp ráp sản phẩm xuất khẩu.

Cơ cấu hàng xuất khẩu cơ bản không thay đổi, tương tự đối với cơ cấu hàng nhập khẩu, tức là đều gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp.

Những rủi ro tiềm ẩn

Về thị trường, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm tới gần 20% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước ta; tiếp đến là Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, ASEAN.

Sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp ở nước ta đang phụ thuộc nặng vào nguồn cung từ Trung quốc.

Trái ngược lại, nhập khẩu của chúng ta từ Hoa Kỳ còn quá thấp (khoảng 4-5% kim ngạch nhập khẩu) so với họ nhập khẩu từ nước ta. 

Mấy năm gần đây, xuất siêu luôn có xu hướng tăng, nhưng có một số điểm đáng lưu ý. Một là, tất cả thặng dư thương mại có được là nhờ xuất khẩu của khu vực FDI. Hai là, Việt Nam luôn có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ và EU, nhưng thậm hụt lớn ở mức tương tự với Trung Quốc.

Cơ cấu nói trên đã tồn tại nhiều năm và ngày càng trầm trọng thêm; chứa đựng trong đó những rủi ro khó lường đối với nền kinh tế nước ta.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh và hiện nay đã ở mức cao, làm cho độ mở của nền kinh tế cũng gia tăng tương ứng (trên 200% và đang có xu hướng tăng nhanh).

Tuy vậy, đang có một số điểm bất lợi trong thực trạng mở cửa kinh tế hiện nay. 

{keywords}
Nếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm, ngưng trệ, thì nhập khẩu từ Trung Quốc và một số đối tác khác khó có thể được duy trì; nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phụ thuộc vào khu vực FDI

Một là, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đang chi phối độ mở của nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước lại thiên về hướng nội, kết nối kém với khu vực đầu tư nước ngoài nói riêng và các chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung. Do đó, các cơ hội tiếp cận thị trường tạo ra bởi các FTA chủ yếu đang dành cho các nhà đầu tư nước ngoài tại nước ta.

Hai là, độ mở cửa lớn nói trên đang phụ thuộc nặng vào một số đối tác lớn và bất cân xứng. Về FDI, chúng ta đang phụ thuộc vào một số đối tác châu Á, gồm Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và gần đây là cả Trung Quốc.

Ngược lại, đầu tư FDI từ Hoa Kỳ, EU (là những đối tác được kỳ vọng nhiều nhất), lại chiếm một tỷ trọng không đang kể và đang có xu hướng giảm.

Cũng tương tự như FDI, về xuất, nhập khẩu, chúng ta cũng phụ thuộc nặng nề vào một số ít các đối tác, gồm Trung Quốc (cả xuất và nhập), Hoa Kỳ và EU (xuất khẩu), Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN.

Các đối tác đầu tư lớn vào nước ta lại là các đối tác xuất khẩu vào nước ta nhiều hơn so với nhập khẩu; tạo ra thâm hụt lớn thương mại hai chiều. Trái lại, xuất khẩu sang đối tác đầu tư không nhiều vào nước ta lại lớn hơn nhiều so với nhập khẩu tự họ; tạo ra thặng dư thương lớn trong thương mại hai chiều.

Trên thực tế, chúng ta có thặng dư lớn với Hoa Kỳ và EU là để bù đắp thâm hụt lớn với Trung Quốc và một số đối tác châu Á khác.

Nếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm, ngưng trệ, thì nhập khẩu từ Trung Quốc và một số đối tác khác khó có thể được duy trì; nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng. Và ngược lại cũng tương tự. Tình huống nói trên cho đến nay chưa có giải pháp khắc phục.       

Giải pháp bền vững

Tóm lại, độ mở cửa lớn, phụ thuộc lớn và bất cân xứng vào một số ít đối tác, nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ, đang và sẽ tạo thêm nhiều rủi ro phức tạp, khôn lường trước; làm cho nền kinh tế có sức chống chịu kém, dễ bị tổn thương trước tác các động bất lợi từ bên ngoài.

Do đó, độ mở lớn (có thể là quá mức) có thể không còn là điểm mạnh như lâu nay vẫn nhìn nhận; mà là một điểm yếu của nền kinh tế nước ta. Nguyên nhân gốc rễ của nó xuất phát từ yếu kém của thể chế và cơ cấu nội tại bên trong của nền kinh tế.

Để khắc phục các điểm bất lợi của thực trạng mở cửa quá mức nền kinh tế hiện nay, thì thể chế kinh tế phải cải cách và thay đổi cơ bản theo hướng khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh, bền vững khu vực kinh tế trong nước, trước hết là kinh tế tư nhân, và thu hút được FDI (quy mô lớn) trực tiếp từ Hoa Kỳ và EU.

Lan Anh (lược ghi)

Năm đề xuất tạo cú hích để doanh nghiệp sản xuất an toàn

Năm đề xuất tạo cú hích để doanh nghiệp sản xuất an toàn

Đối mặt với dịch bệnh kéo dài ngoài dự kiến, cùng các biến chủng virus nguy hiểm, các nước trên thế giới đã triển khai chiến lược chống dịch khác nhau. Nhiều nước tiến tới chấp nhận “sống chung với Sars-Cov-2”.