Mất cơ hội, Việt Nam tụt hậu càng xa

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston vẫn còn nhớ như in cuộc gặp với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tháng Tư năm 2018. Lần đó, Bộ trưởng dẫn đầu một đoàn công tác sang Boston, Hoa Kỳ và đặt câu hỏi với các nhà lãnh đạo Diễn đàn Toàn cầu Boston: làm thế nào để Việt Nam tiếp nhận làn sóng mới về công nghệ, trí tuệ nhân tạo để bắt kịp với các nước trên thế giới, để trở thành nước mạnh nhất Đông Nam Á về kinh tế trí tuệ nhân tạo?

Chuyến đi thực tế của Bộ trưởng, ông Tuấn nhớ lại lại tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 – VIF19 tổ chức hôm qua ở Hà Nội, là nhằm tìm hiểu các bài học, các kinh nghiệm của thế giới để đáp ứng tâm huyết và khát vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là xây dựng một bản chiến lược về kinh tế dựa trên trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam.

Trong cuộc gặp hôm đó, Giáo sư Jason Furman – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Obama – khẳng định với Bộ trưởng, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để xây dựng mô hình xã hội trí tuệ nhân tạo và chính phủ trí tuệ nhân tạo nếu Chính phủ có tầm nhìn, có các chính sách đột phá. Giáo sư Furman, khi đến Việt Nam gần đây, đã khẳng định lại với những người tham gia đoàn công tác của Bộ trưởng Dũng: “Tôi nhận thấy một sự phấn khích từ phía chính phủ cũng như khu vực kinh tế tư nhân khi nói về trí tuệ nhân tạo. Việt Nam có thể làm được”.

Những lời khuyên và những bài học từ nước ngoài bắt đầu tác động đến ông Dũng, người được giao phát triển chiến lược 4.0. Ông Dũng nói: “Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là thời cơ ngàn năm có một đối với nước ta. Trong các cuộc cách mạng trước đây, chúng ta đã chậm, đã bỏ lỡ so với nhiều quốc gia khác so với các nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không phải mới nhưng cũng chưa phải là quá gấp gáp, nó cho phép chúng ta chậm từ 2 đến 3 năm. Lần này nếu chúng ta không nắm được cơ hội, chúng ta sẽ tụt hậu ngày càng xa; khả năng rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển ngày càng khó khăn hơn”.

{keywords}
Chính phủ điện tử được phát triển trên các giá trị công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình.

Hiện nay, Chính phủ đang soạn thảo một dự thảo nghị quyết về phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, trong đó bao gồm nhiều kế hoạch tham vọng, từ hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở dữ liệu đến thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ,… Bên cạnh đó, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các vườn ươm cũng đang được nghiên cứu, triển khai.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng những điều đó là chưa đủ. “Việt Nam cần có chiến lược đặc biệt, đột phá, có những ý tưởng đi trước trong xây dựng xã hội trí tuệ nhân tạo và Chính phủ trí tuệ nhân tạo”, ông Tuấn nói. Ông từng lãnh đạo Trung tâm Tin học Teltic ở thành phố Nha Trang, Khánh Hoà và đã chỉ đạo xây dựng thành công mạng xa lộ thông tin VietNet, mạng đầu tiên ở Việt Nam theo giao thức TCP/IP, từ đó cung cấp dịch vụ Internet cho cả nước ngay từ năm 1995, hai năm trước khi khi Việt Nam kết nối Internet.

“Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy mô hình xã hội trí tuệ nhân tạo. Chính phủ cần công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình và đầy quyết tâm mới thúc đẩy được mô hình đó”, ông nói.

Thực tế còn nhiều gian nan

Thế nhưng gian nan còn nhiều. Theo Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP),  Việt Nam hiện đang đứng thứ 88 trong số 193 quốc gia về Chỉ số Chính phủ điện tử. Trong chỉ số này, chỉ số thành phần về phát triển hạ tầng công nghệ cho Chính phủ điện tử, Việt Nam mới chỉ đạt mức dưới trung bình của thế giới.

Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách quốc gia về quản trị và tham gia, UNDP Việt Nam, nhận xét: “Trong nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử, Việt Nam đã dần đạt được những tiến bộ nhất định nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình của thế giới”.

Theo khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 do UNDP Việt Nam thực hiện, chỉ có 12% số người trả lời tìm kiếm thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật của Nhà nước; và trong số đó, chỉ có 22% đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử của chính quyền các cấp để lấy thông tin này.

Chỉ có khoảng từ 6% đến 16% người Việt Nam trả lời họ có thể tiếp cận được thông tin qua mạng để tìm kiếm thông tin về việc thực hiện các thủ tục hành chính công như xin cấp phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận nhân thân như chứng sinh, chứng tử, hay tìm hiểu về việc lấy xác nhận của chính quyền địa phương.

“Các cơ quan chức năng vẫn chưa tuyên truyền, phổ biến về sự sẵn có của các cổng thông tin điện tử để người dân được biết và sử dụng”, bà Huyền nói.

Bà Huyền nhận xét, điều quan trọng trong xây dựng chính phủ số, chính phủ điện tử chính là xây dựng lòng tin. Chính phủ cần đảm bảo để người dân có thể tin tưởng khi họ tiếp cận thông tin của Chính phủ, của khu vực công. Người dân cần được thuyết phục rằng, qua cổng thông tin điện tử, họ có thể thực hiện được các thủ tục hành chính một cách dễ dàng, thay vì chỉ xem thông tin, và vẫn phải tới cơ quan công quyền để thực hiện trực tiếp các thủ tục.

Đồng thời, bà nhận xét, người dân cũng trông đợi rằng thông tin được chia sẻ với chính quyền các cấp thông qua các công cụ chính phủ điện tử, chính phủ số được bảo mật tuyệt đối.

Nói cách khác, sự thành bại của chính phủ điện tử, chính phủ số nằm ở việc xây dựng lòng tin của người dân với các cấp chính quyền, và những người cán bộ, công chức ngồi đằng sau những phương tiện điển tử giao dịch trực tuyến với người dân.

Hai giá trị cởi mở và minh bạch

Tại Diễn đàn Internet, Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg cho biết, 94% người Thụy Điển sử dụng Internet tốc độ kết nối nhanh nhất thế giới. Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ và Internet đã giúp Thụy Điển thúc đẩy văn hóa cởi mở, tiếp cận thông tin, đổi mới sáng tạo, và tinh thần khởi nghiệp, nhờ đó tạo ra những phát minh, sự tăng trưởng và thịnh vượng cho đất nước Thụy Điển như ngày hôm nay.

Kết quả đó được phát triển dựa trên hai giá trị quan trọng nhất trong xã hội Thụy Điển: sự cởi mở và tính minh bạch.

Đại sứ nói: “Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những thành tựu tương tự như Thụy Điển với tốc độ Internet phát triển nhanh chóng như hiện nay, đặc biệt là sự phổ biến của các mạng xã hội tại Việt Nam. Việt Nam có một lợi thế lớn đó là Chính phủ luôn ủng hộ thương mại tự do, hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới toàn cầu hóa”.

Những giá trị cần thiết để phát triển một xã hội số, như Đại sứ gợi ý, không xa lạ gì với ông Tuấn. Ông khẳng định, để phát triển mô hình xã hội trí tuệ nhân tạo cần các hệ thống dữ liệu lớn, cho phép công dân tham gia trực tiếp vào các quyết định chính trị, vào các quyết sách của quốc gia. Các công dân cần được đảm bảo về các quyền, có kỹ năng, kiến thức và nhiều đặc tính cơ bản khác và, trên hết, là có lòng tin.

Ông đặt câu hỏi: “Có nhiều băn khoăn, liệu Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, mới ở ngưỡng thu nhập trung bình thấp, làm sao Việt Nam có thể thực hiện được mô hình xã hội trí tuệ nhân tạo?”. Tuy nhiên, nhắc lại quyết định “dũng cảm và kiên quyết” năm 1997, khi Việt Nam kết nối Internet, ông khẳng định: “Cơ hội luôn luôn có dù thách thức lớn như thế nào đi chăng nữa, nhưng vấn đề là Việt Nam cần phải nắm bắt được chứ đừng để vuột qua”.

Ông Tuấn nói: “Thách thức lớn nhất của Việt Nam nằm ở yếu tố con người. Nhưng con người là tất cả. Từng cá nhân phải tự do sáng tạo, học hỏi để nâng cao kỹ năng, kiến thức, phát huy cao nhất khả năng của mình để thúc đẩy, cũng như thích nghi với mô hình mới. Vì vậy, Chính phủ nên hướng đến cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm cho mọi chính sách phát triển”.

Lan Anh