Từ trước đến giờ VN thiếu hoàn toàn một bộ phận sản xuất, đến một giai đoạn điện ảnh phát triển đủ, chúng ta phải sản xuất điện ảnh theo quy trình thông thường của một nền điện ảnh trên thế giới.

Nhà báo Hoàng Hường: Thưa quý vị! cách đây mấy thập niên, người Việt Nam chúng ta đã biết đến dòng phim điện ảnh cách mạng. Đến những thập niên 1980, 1990 dòng phim ‘mì ăn liền’ lên ngôi. Quãng thời gian sau đó, dòng phim tư nhân và dòng phim nhà nước cùng nhau cạnh tranh. Lúc đó những người yêu điện ảnh cùng với những người có giấc mơ điện ảnh hầu như chỉ có hai lựa chọn là làm sao để có được vai vế quan trọng trong hãng phim nhà nước; hoặc là một tỉ phú để có thể mở một hãng phim tư nhân, sản xuất bộ phim cho riêng mình. Ấp ủ một dự án điện ảnh từng là giấc mơ rất xa xôi, nhưng giờ đây giấc mơ ấy hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi vài năm gần đây, một nhóm làm phim trẻ đã tìm ra được con đường làm phim độc lập, dòng phim tuy không mới trên thế giới nhưng vẫn đầy gập ghềnh ở VN.  

Trong năm 2014 nhà làm phim trẻ Nguyễn Hoàng Điệp được coi là hiện tượng với những thành công liên tiếp trong các kì LHP thế giới cũng như ở Việt Nam với bộ phim truyện đầu tay dài ‘Đập cánh giữa không trung’. Nguyễn Hoàng Điệp sẽ chia sẻ những khó khăn và thành công bước đầu mà  mình đang dấn thân. 

Cùng tham gia tọa đàm còn có anh Vũ Mạnh Cường (Marcus Mạnh Cường Vũ). Anh có hai bằng thạc sĩ kinh tế ở Đức và ở Pháp, là nhà sáng lập Tiệc phim YxineFF và là giám tuyển (giám sát - tuyển chọn) của LHP YxineFF (Ynine Film Festival), người góp phần chắp cánh cho ước mơ của những nhà làm phim độc lập trở thành hiện thực.

           Mời độc giả click xem Phần 1 buổi tọa dàm:

Phim độc lập đã có vị trí 

Thưa đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, được biết từ cuối tháng 1 vừa qua bộ phim được giải LHP của chị đã được phát hành tại Việt Nam. Khán giả Việt Nam đón nhận nó như thế nào? 

Nguyễn Hoàng Điệp: Hóa ra mọi người rất quan tâm đến bộ phim. Tôi không hiểu sự quan tâm này là quan tâm thông thường cho tất cả các bộ phim VN hay là chỉ dành cho ‘Đập cánh giữa không trung’. Bởi vì, mọi người thường nghi ngờ rằng một bộ phim nghệ thuật, tác giả hướng tới LHP quốc tế hẳn nhiên sẽ kén khán giả, sẽ khó thành công về mặt thị trường.  

Tôi cũng băn khoăn như vậy, và  cũng đã nghe rất nhiều câu hỏi như thế rồi. Và hôm nay khi trò chuyện với chị thì tự nhiên tôi lại nghĩ ra rằng “ừ, có khi những câu hỏi, suy nghĩ, sự lo lắng của mọi người cũng có lí”, chỉ có mình hơi mơ mộng quá khi quên bẵng cái lí đó đi thôi.

Thực ra khi  làm ‘Đập cánh giữa không trung’ thì tôi nghĩ là mình cứ làm xong một bộ phim rồi mang nó đến cho khán giả thì đó là lẽ đương nhiên, chẳng có cái gì đó viển vông và mơ mộng. Tức là đương nhiên phim đã làm ra thì phải có người xem và bằng một con đường nào đó thì người xem sẽ được tiếp cận nó. 

Tính đến thời điểm này, ngày hôm nay chúng ta trò chuyện với nhau thì quá trình phát hành ‘Đập cánh giữa không trung’ đang ở giai đoạn tương đối tốt. Tôi ngại dùng từ ‘hơn nữa’, bởi vì tôi không có một cái nhìn hết sức là lạc quan của các nhà phát hành vốn phải có. Tôi chỉ có cảm giác phim độc lập VN đang có một vị trí hoặc hình như là đang đi lên. 

Vũ Mạnh Cường: Nếu như trước đây đạo diễn Phan Đăng Di đã mở ra con đường làm phim bằng nguồn vốn độc lập và các nguồn vốn đó được lấy từ quỹ hay là các phần tài trợ từ nước ngoài; thì chị Điệp tiếp nối con đường đó của anh Di và còn mở ra con đường mới nữa là phát hành được bộ phim theo cách độc lập. Cạnh tranh bình đẳng với tất cả các bộ phim khác hiện đang chiếu tại rạp.  

Con đường mà ‘Đập cánh giữa không trung’ ban đầu không trải bằng toàn hoa hồng. Nó có thể có gai nhưng những người khởi đầu phải dũng cảm bước qua dù có thể bị gai cào tứa máu. Chị Điệp không quá lạc quan, nhưng tôi rất lạc quan. Tôi cho rằng có người mở đường, thì sẽ có những người đi tiếp. 

{keywords}
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tại buổi tọa đàm
 

Nhà sản xuất ‘bất đắc dĩ’ 

Hoàng Hường: Chị Điệp đã đứng ở nhiều vị trí: nhà sản xuất, đạo diễn, và hiện tại chị còn đảm nhiệm vai trò nhà phát hành phim. Vai trò nào làm chị căng thẳng, khâu nào là thách thức nhất? Giải quyết các thách thức đó thế nào? 

Nguyễn Hoàng Điệp: Vai trò khiến tôi căng thẳng nhất chính là vai nhà phát hành. Tôi được đào tạo chính quy tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh HN chuyên ngành đạo diễn. Tôi là người rất tôn trọng việc học và khi đã học thì tôi muốn làm công việc đã được học một cách chính quy.

Khó khăn đem đến những thách thức thú vị, thực ra bất kì cái khó, hay thách thức nào trong nghệ thuật đều là những cảm xúc, là chất xúc tác cần thiết.  Thế nên tôi không thấy căng thẳng, tôi nghĩ đó là con đường đương nhiên mình phải đi.  

Nhưng trở thành nhà sản xuất phim là vai trò đột nhiên phát sinh.

Từ trước đến giờ VN thiếu hoàn toàn một bộ phận sản xuất. Chính xác hơn, chúng ta không có khái niệm về nhà sản xuất phim, đến một giai đoạn điện ảnh phát triển đủ, chúng ta phải sản xuất điện ảnh theo một qui trình thông thường như mọi nền điện ảnh trên thế giới, không chỉ đơn giản là những người quản lý tiền bạc, thủ quỹ hay làm chủ nhiệm để lên trở thành nhà sản xuất phim được.

Chính vì sự thiếu hụt đó mà chúng tôi phải tự vận động bạn bè hoặc tự mình làm. Đấy là lí do tôi trở thành nhà sản xuất cho bộ phim ‘Bi, đừng sợ!’ từng đoạt giải LHP quốc tế trước đó và đến giờ thì đạo diễn Phan Đăng Di đổi vai làm nhà sản xuất cho ‘Đập cánh giữa không trung’. Vì không có nguồn nhân lực nên chúng tôi cứ phải đổi vai như vậy.

Tuy nhiên, đến lúc Di khởi động dự án ‘Cha và con và..’ thì chúng tôi không thể hỗ trợ nhau như vậy được nữa vì cùng thời điểm tôi đang sản xuất phim của tôi. Để thấy rằng dù chúng tôi rất muốn tìm một đội ngũ, hoặc một người có thể gánh vác vai trò nhà sản xuất, nhưng gần như không có. Vì thế, làm nhà sản xuất phim vẫn là vai hơi bất đắc dĩ của tôi cho đến tận bây giờ. Nhưng nó không đến nỗi làm  tôi căng thẳng. 

Vì, nếu với những nhà sản xuất thông thường thì họ phải bảo vệ nhiều quyền lợi, riêng tôi thì đơn giản, tôi chỉ bảo vệ quyền lợi của đạo diễn và bộ phim thôi. Định hướng của tôi rất rõ ràng: tiền chưa đủ thì phải lo đủ. Chỉ có một con đường để đi thôi, đó là phải làm ra bộ  phim tốt, đạo diễn hài lòng. Thành thử tôi không bị căng thẳng quá.

Nhưng phát hành phim lại là chuyện rất mới. Tôi chưa bao giờ có ý tưởng trở thành nhà phát hành phim, nên tôi không chuẩn bị. Tôi không biết chuyện gì đang chờ tôi và ngày mai, rồi báo cáo doanh thu sẽ thế nào? Ngay cả những chuyện khủng hoảng truyền thông cũng là phần khá xa lạ với tôi, dù trước đây tôi cũng đã từng làm báo. Mọi thứ lớn nhanh quá vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mình.  

Việc phát hành cũng vậy, chúng tôi không có một kế hoạch chỉn chu như các nhà phát hành lớn được, phải có những tiềm lực khác nữa trong đó tiềm lực tài chính rất quan trọng. Cuối cùng thì tôi thấy rằng không có hướng nào cả ngoài hướng phát hành độc lập. Phải tự mình làm thôi. 

Xem kỳ 2: Một xã hội VN ‘bề bộn và ngồn ngộn chất liệu’

"Trong một xã hội như VN, về mặt thuận lợi các nhà làm phim rõ ràng là đang ngồn ngộn chất liệu” – Vũ Mạnh Cường.

Tuần Việt Nam

Ảnh: Lê Anh Dũng

Quay phim: Xuân Quý, Đức Yên

Dựng phim: Huy Phúc