Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Nga can thiệp vào Ukraine cho thấy “hổ lớn” và “gấu lớn” đang mải mê, sa đà vào khai thác tài nguyên hơn là nâng cao vị thế bằng cải thiện não trạng. Cách nhìn đó đặt ra sự lựa chọn con đường phát triển đất nước cho Việt Nam – nước kế cận bị ảnh hưởng.

Đến Việt Nam đúng những ngày phong trào phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam đang dân cao, nhà báo Thomas L. Friedman, tác giả của “Thế giới phẳng”, đã đề cập đến cả Nga và Trung Quốc.

Trong bài bình luận trên The New York Times hôm 10/5/2014, tác giả này viết: “Uknaine là một nước trung bình, nằm kề bên một con gấu lớn. Việt Nam cũng là nước trung bình, ở bên cạnh một con hổ lớn. Uknaine đang phải đối mặt giải quyết những vấn đề với một nước Nga suy yếu, đang hòng tìm kiếm vị thế ở những địa bàn bất ổn, như Crimea. Còn Việt Nam đang phải đương đầu với với một anh láng giềng đang hòng thọc mũi khoan dầu vào vùng biển".

{keywords}
Tác giả Thế giới phẳng ký tặng các bạn trẻ. Ảnh: Bùi Dũng

Trước khi có bài viết nêu trên, góc nhìn của cây viết chuyên về toàn cầu hoá và quan hệ quốc tế đã được thể hiện trong một số cuộc thuyết trình, toạ đàm với một số giới ở Việt Nam. Quan điểm của Thomas Friedman về Nga nói chung và cá nhân Tổng thống Putin nói riêng vốn không lạ với độc giả theo dõi những bài bình luận hàng tuần của tác giả Mỹ này.

Riêng về Trung Quốc, Thomas Friendman đã bày tỏ một khía cạnh đáng chú ý quốc gia này: “Một lĩnh vục yếu kém của Trung Quốc là chế độ pháp quyền. Nếu Trung Quốc không vượt qua thách thức đó thì Trung Quốc khó có thể thành công trong thế giới ngày nay. Việt Nam có lý do để lo lắng về một nước Trung Quốc hùng mạnh và chúng ta đã chứng kiến một sự kiện trong tuần này ở Biển Đông. Nhưng tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn cũng phải lo lắng khi Trung Quốc suy yếu. Và một nước Trung Quốc suy yếu với nền kinh tế yếu kém sẽ gây ra các vấn đề khác nhau cho các nước láng giềng” (Tuổi Trẻ Online, 8/5/2014).

Không chỉ Thomas Friendman mà lâu nay, nhiều học giả uy tín trên thế giới đã nêu ra nhiều ưu thế, cơ hội bên cạnh những thách thức, bất ổn của đất nước láng giềng với Việt Nam. Tư tưởng bành trướng khiến Trung Quốc có khả năng leo lên vị trí “siêu cường”, nhưng cũng có thể “tụt hậu”, sa đà vào những bất ổn.

Với nhiều lợi thế sẵn có, hổ Trung Quốc coi việc khai thác dầu mỏ, tài nguyên thiên nhiên, cai trị và bành trướng bằng tư tưởng bá quyền là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, điều không được nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản… coi là ưu tiên. Vậy thì, đó là điềm lành hay điềm dữ đối với Trung Quốc?

Trong một số cuộc tiếp xúc, trò chuyện tại Việt Nam, chính Thomas Friedman đã gợi đến những “mũi khoan” của các nước này. Qua đây, một “lối thoát” cho sự đi lên vững chắc của một đất nước, khác với cách Trung Quốc và Nga chọn, được nêu ra là trường hợp của Singapore, cho dù như tác giả này nói “tầm vóc của đất nước là rất quan trọng”.

“Singapore không thể cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc về số lượng, nhưng Singapore là một ví dụ tốt khi có thể vượt lên sự không thuận lợi về quy mô của chính mình bằng cách xây dựng thành công dựa trên 3 nhân tố cơ bản là giáo dục, cơ sở hạ tầng và Nhà nước pháp quyền. Nền kinh tế Singapore lớn hơn rất nhiều so với tầm vóc quốc gia, vì Singapore có rất nhiều chính sách đúng đắn để thành công trong thế giới toàn cầu hoá”, tác giả “Thế giới phẳng” nói.

{keywords}
Ảnh: Nguồn Cảnh sát biển Việt Nam

Có một lưu ý khác về Thomas Friedman, đó là cây bút này thường thể hiện là người theo đường lối “kỹ trị” (technocratic). Điều đó có nghĩa nhiều lập luận trong hệ thống tác phẩm của ông xoay quanh những vấn đề về ứng dụng và tác động của công nghệ sự thay đổi của các quốc gia và môi trường toàn cầu, theo kiểu “tất định luận công nghệ” (technological determinism). Ở đây, tạm gạt qua thiên kiến nếu có thì những điều Thomas Friedman nêu ra hoàn toàn có thể đánh động đến Việt Nam.

Chúng ta cũng có dầu mỏ, có tài nguyên, nhưng những lợi thế đó có giới hạn, không bao giờ là căn cốt vững chắc để trỗi dậy, thoát khỏi vòng cương toả và các mối đe doạ từ láng giềng. Sự thành công của Singapore, sự trỗi dậy của Hàn Quốc đáng để nhìn vào để đổi thay và cải cách trước khi quá muộn. Vấn đề về nhà nước pháp quyền được coi là “gót chân Achilles” của Trung Quốc cũng là vấn đề của Việt Nam. Chính Thomas Friendman cũng không quên nhắc đến điều này khi được hỏi liệu có cách nào Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?

“Để làm được việc này, Việt Nam cần tiến hành cải cách sâu rộng hơn để giúp giải phóng sức lao động của người dân, đặc biệt là sự sáng tạo. Điều này đòi hỏi phải tiến hành tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước, cải cách hệ thống giáo dục một cách thực sự. Tôi phải nói rằng Việt Nam nên tiến hành cải cách sâu rộng hệ thống luật pháp và tư pháp để bảo đảm sự rõ ràng của hệ thống cũng như cải cách hệ thống chính trị, tự do báo chí, tự do ngôn luận, và bầu cử thường xuyên để chọn ra bộ máy lãnh đạo”, tác giả “Thế giới phẳng” trả lời.

Trong những ngày cả nước diễn ra nhiều cuộc tuần hành yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam, không tiếp tục xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, một lần nữa ta lại thấy được tinh thần yêu nước được thắp sáng trong dân chúng. Câu chuyện bó đũa được Thomas Friedman nhắc đến trong bài bình luận của mình dưới góc độ Việt Nam cần có đồng minh (ở đây là Mỹ) để đầy lùi các mối đe doạ, bên cạnh ý về sự cần thiết của tinh thần đoàn kết.

Điều này không sai; nhưng bên cạnh việc liên kết với sức mạnh bên ngoài thì sức mạnh nội tại, tinh thần tự lực tự cường của Việt Nam vẫn là điều quan trọng nhất. Lòng yêu nước thể hiện một cách hữu hiệu nhất, như một học giả nói, là mỗi người làm tốt nhất công việc, nghề nghiệp, sứ mệnh của mình để mưu cầu cho bản thân và phụng sự xã hội. Hoạ có thể đến và cũng có thể đi, nhưng một quốc gia được coi là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì sẽ đủ tài trí, đủ khả năng đương đầu với những đe doạ cố hữu hoặc khó lường.

Chính lúc này, tư tưởng của Phan Châu Trinh, nay được một giải thưởng của giới học giả, trí thức được trao hàng năm, mang tên nhà cách mạng này, coi là phương chân hành động, vẫn thể hiện sự đúng đắn với Việt Nam hôm nay, đó là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

“Sức mạnh bó đũa” thực sự dài lâu của đất nước đến từ cái đầu chứ không chỉ ở những giếng dầu.

  • Bùi Dũng

Tham khảo: Bài viết “More Chopsticks, Please!” của Thomas L. Friedman:

http://www.nytimes.com/2014/05/11/opinion/sunday/friedman-more-chopsticks-please.html?smid=tw-TomFriedman&seid=auto&_r=0