Lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật đã nhất trí sửa đổi Thỏa thuận về đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai (CMIM), một mạng lưới bảo vệ tài chính khu vực.

Hôm 14/12, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và các đối tác trong khu vực Đông Nam Á đã nhất trí sửa đổi Thỏa thuận về đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai (CMIM), một mạng lưới bảo vệ tài chính khu vực, nhằm ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra.

Theo Bộ Kinh tế và tài chính Hàn Quốc, quyết định trên được các đại diện tài chính và ngân hàng trung ương các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản cùng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), còn gọi là ASEAN+3, đưa ra tại cuộc họp diễn ra ở thành phố Busan, miền Đông Nam Hàn Quốc.

{keywords}
Quang cảnh Họp báo kết thúc hội nghị AEM Retreat-22 và Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu. Ảnh TTXVN

Trước đó, hồi tháng Năm vừa qua, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN nhất trí thúc đẩy CMIM, tăng cường hợp tác tài chính và ủng hộ các hệ thống đầu tư và trao đổi thương mại đa phương.

Các bên cũng nhất trí bổ sung một cơ sở pháp lý bao quát, tạo điều kiện để CMIM hỗ trợ các thành viên giải quyết các rủi ro thông qua các khuyến nghị chính sách, cũng như hỗ trợ tài chính.

CMIM có hiệu lực từ năm 2010 với tổng trị giá 120 tỷ USD nhằm giải quyết các khó khăn về cán cân thanh toán và tính thanh khoản ngắn hạn tại khu vực trong thời điểm xảy ra khủng hoảng. Cơ chế này cung cấp các hỗ trợ tài chính thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa các thành viên trong những trường hợp cần thanh khoản.

Mỗi quốc gia tham gia CMIM, theo các điều kiện và thủ tục được nêu trong thỏa thuận, sẽ thực hiện hoán đổi đổng nội tệ với đồng USD với mức tối đa tương đương với mức cam kết đóng góp của mình nhân với hệ số được áp dụng cho nước đó.

Có thể thấy, các quốc gia châu Á đã có những tiến bộ đáng kể trong việc đảm bảo ổn định tài chính khu vực sau cuộc khủng hoảng năm 1997. Tuy nhiên, châu Á cần chuẩn bị tốt hơn trước các thách thức nảy sinh từ sự biến động của kinh tế toàn cầu và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ.

Đó là nhận định của các diễn giả tham dự hội thảo "20 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á: Thành tựu và phương hướng", bên lề hội nghị thường niên lần thứ 50 của Ban lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra mới đây tại thành phố cảng Yokohama (Nhật Bản).

Bên cạnh việc điểm lại những tiến bộ đã đạt được, các diễn giả tham dự Hội thảo cũng thảo luận cách thức đạt tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện. Bà Junhong Chang, Giám đốc AMRO, cho rằng: "Các nền kinh tế trong khu vực phải cân bằng giữa xuất khẩu và nhu cầu trong nước để đạt được tăng trưởng bền vững". Các nhà hoạch định chính sách cũng cần tập trung nghiên cứu giải pháp chống lại các cú sốc từ bên ngoài.

{keywords}
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (thứ ba, trái, hàng hai) chụp ảnh chung với các quan chức dự hội nghị ASEAN+3. Ảnh: EPA/TTXVN

Liên quan đến hợp tác tài chính khu vực, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản Masatsugu Asakawa đề nghị nâng cao tính độc lập của CMIM với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để các quốc gia trong khu vực có thể đối phó với khủng hoảng nhanh hơn. Ông Asakawa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực giám sát trong khu vực.

Đề cập tới tăng trưởng của châu Á trong hơn nửa thế kỷ qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda đánh giá khu vực này đã thay đổi đáng kể và đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, ADB cần tiếp tục hỗ trợ khu vực, khi hầu hết các quốc gia châu Á vẫn có mức thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, dù khá ổn định về kinh tế và tài chính, châu Á có thể bị tổn thương do "căng thẳng về địa chính trị" hoặc chịu tác động từ các cuộc bầu cử ở châu Âu.

Sáng kiến Chiang Mai

Sáng kiến Chiang Mai, được đưa ra nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.

"Sáng kiến Chiang Mai" có nội dung sau: Thứ nhất, thành lập một mạng lưới hỗ trợ tài chính giữa các nước ASEAN; Thứ hai, quan trọng hơn, là xây dựng hệ thống giúp đỡ lẫn nhau mang tính song phương, giữa mỗi quốc gia ASEAN và nhóm 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Theo những hiệp định hỗ trợ tài chính song phương trước đây, nước chủ nợ chỉ đơn thuần giao tiền mặt cho đối tác, quan hệ này không mang tính chất tín dụng lắm.

Ví dụ, một ngân hàng trung ương cho vay tiền mặt đổi lấy ký quỹ là các phương tiện thanh toán có tính lỏng thấp, chẳng hạn trái phiếu kho bạc Mỹ. Các hiệp định mới trong khuôn khổ “Sáng kiến Chiang Mai” thì không như vậy. Nước chủ nợ sẽ cho vay ngoại tệ mạnh, đổi lấy nội tệ của đối tác, trong kỳ hạn 6 tháng. Vì thế, họ sẽ phải mạo hiểm thực sự, phải cảnh giác với mức độ tín nhiệm của đối tác.

Thu Thủy - Vũ Thị Huyền