{keywords}
Việc thành lập cơ chế ASEAN+Nhật Bản đã mang lại những thành tựu hợp tác to lớn cho cả hai bên.

Thời gian qua, quan hệ Đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản không ngừng được đẩy mạnh, đạt kết quả rất tích cực trên cả 3 trụ cột hợp tác vì hòa bình và an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hóa giáo dục và hướng đến người dân.

Nhìn từ kinh tế: Nhật Bản là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và cung cấp viện trợ ODA lớn nhất cho ASEAN.

Trong vòng 10 năm qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào ASEAN đã tăng gấp 10 lần và kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN - Nhật Bản tăng 2,4 lần.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản sang ASEAN đạt gần 23 tỷ USD, trở thành nguồn vốn FDI lớn thứ hai vào ASEAN, và chiếm 18,7% tổng mức FDI vào ASEAN cùng năm.

Năm năm trước, ngày 14/12/2013, tại Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản (1973 - 2013) tổ chức tại Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe một lần nữa cam kết cung cấp 2.000 tỷ Yên (tương đương 20 tỷ USD) cho các dự án kết nối và khu hẹp khoảng cách ở ASEAN trong thời gian 5 năm; gia hạn và cấp thêm 100 triệu USD cho Quỹ Liên kết ASEAN - Nhật Bản; cấp 300 tỷ Yên cho hợp tác và hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực quản lý và ứng phó với thiên tai; tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi các dòng thương mại và đầu tư hai bên vào năm 2022; sớm hoàn tất và ký kết các Hiệp định Thương mại Dịch vụ và Đầu tư, tiến tới hình thành Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Nhật Bản toàn diện.

Nhìn từ an ninh - quốc phòng: Nhật Bản đã có những bước đi mới trong việc điều chỉnh hợp tác an ninh - quốc phòng với ASEAN, nhằm giúp các quốc gia thành viên ASEAN gia tăng nội lực, chống lại hành động cưỡng ép của các nước lớn đối với tuyên bố chủ quyền và tranh chấp trên biển, thúc đẩy an ninh và an toàn hàng hải vì mục đích hòa bình, ổn định và trật tự của toàn khu vực.

Mặc dù chịu sự hạn chế nghiêm ngặt bởi điều 9 trong bản Hiến pháp Hòa bình về hoạt động quân sự ở nước ngoài, song Nhật Bản vẫn nỗ lực hỗ trợ các quốc gia ASEAN xây dựng năng lực quốc phòng, quân sự thông qua nhiều gói viện trợ và những hoạt động hợp tác cụ thể.

Trước hết, Nhật Bản hỗ trợ ASEAN củng cố khả năng quốc phòng về mặt hàng hải. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi an ninh hàng hải đang là một vấn đề nóng đối với toàn châu Á - Thái Bình Dương.

Trong những năm qua, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã tham gia nhiều cuộc tập trận chung, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và các hoạt động sơ tán phi chiến đấu với các quốc gia thành viên ASEAN. Theo đó, hàng loạt các hoạt động hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Nhật Bản và ASEAN đã được diễn ra.

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+1, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã kêu gọi ASEAN ủng hộ sáng kiến về việc tổ chức một hội nghị đa phương về an ninh và an toàn hàng hải trong vùng, sao cho “phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”. Đề xuất của Tokyo chứng tỏ quan điểm "linh hoạt và cởi mở" của Nhật Bản về một diễn đàn an ninh mở rộng.

Tháng 4/2015, hai tàu huấn luyện thuộc lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản gồm 500 thành viên đã cập cảng Đà Nẵng, Việt Nam. Tháng 4/2016, tàu hộ vệ JS Ariake-109 và tàu hộ vệ JS Setogiri-156 cùng 500 sỹ quan thủy thủ đã cập cảng quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa của Việt Nam và Vịnh Subic của Philippines. Các chuyến thăm đã giúp lực lượng hải quân các nước trao đổi kinh nghiệm về phòng chống cướp biển, huấn luyện chung về tìm kiếm cứu nạn trên biển, nâng cao nghiệp vụ trong lĩnh vực bảo đảm an ninh hàng hải và thực thi nhiệm vụ an ninh biển.

Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, Thủ tướng Shinzo Abe về cơ bản đã kế thừa phương hướng tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Nhật Bản và ASEAN từ các đời Thủ tướng tiền nhiệm. Hợp tác an ninh - quốc phòng được xem là thành tố cơ bản của “Học thuyết Shinzo Abe” với ASEAN, bảo đảm cho thành công của chiến lược “Châu Á - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”.

Nhìn từ văn hóa - xã hội: Giáo dục luôn được ưu tiên hàng đầu trong chính sách ASEAN của Nhật Bản.

Là đất nước có nền giáo dục đạt chất lượng cao, uy tín trên thế giới, những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục và đào tạo của nhiều nước thành viên ASEAN.

Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai bên đã phát triển dưới nhiều hình thức: hợp tác giữa các Chính phủ, giữa các trường học, giữa các tổ chức, giữa các cá nhân. Chương trình trao đổi lưu học sinh nằm trong dự án “giao lưu con người”, hằng năm Chính phủ Nhật Bản giành hàng nghìn suất học bổng du học Nhật cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các nước ASEAN.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng cung cấp nhiều gói học bổng về giáo dục cho các viện, trường học và nhiều nhà khoa học của các quốc gia ASEAN thông qua các quỹ giao lưu và hợp tác, các quỹ tài chính của Nhật Bản như Quỹ Japan (JF), Quỹ khuyến học Nhật bản (JSPS), Quỹ Toyota... Hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện kế hoạch thu hút khoảng 300.000 sinh viên quốc tế đến năm 2020.

Thúc đẩy giao lưu thế hệ trẻ giữa Nhật Bản và ASEAN trong thế kỷ XXI, thể hiện quan điểm coi trọng nguồn nhân lực của Chính phủ Nhật Bản, những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhật Bản đã đặc biệt chú trọng tới đối tượng thanh niên, những nhà lãnh đạo tương lai, thông qua việc khởi xướng nhiều hoạt động hợp tác với thanh niên ASEAN.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ II diễn ra ở Cebu (Philippines) tháng 1/01-2007, Thủ tướng Shinzo Abe đã đề xuất sáng kiến “Chương trình giao lưu sinh viên và thanh niên Nhật Bản - Đông Á”. Sáng kiến với tổng kinh phí 315 triệu USD do Quỹ hội nhập ASEAN - Nhật Bản (JAIF) tài trợ, được thực hiện trong 5 năm. Theo đó, mỗi năm có 6.000 thanh niên từ ASEAN và các nước thành viên tham gia tiến trình thượng đỉnh Đông Á được mời tới thăm quan Nhật Bản.

Tính đến năm 2013, JENESYS đã đưa hơn 14.000 thanh thiếu niên từ ASEAN sang Nhật Bản và khoảng 700 thanh thiếu niên người Nhật đã đến thăm các quốc gia thành viên ASEAN nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên.

Tiếp nối thành công này, trong chuyến thăm tới Indonesia tháng 1/2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục tuyên bố Chương trình giao lưu sinh viên và thanh niên Nhật Bản - Đông Á 2.0 (JENESYS 2.0).

Đến tháng 3/2016, JENESYS 2016 với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác kinh tế Thái Bình Dương” đã được chính thức khởi động với nguồn đóng góp của Nhật Bản lên tới 979,56 triệu Yên (tương đương 8,6 triệu USD). Chương trình đã đưa khoảng 2.360 thanh thiếu niên (trong đó có khoảng 2.000 người từ các quốc gia thành viên ASEAN) tới Nhật Bản.

Tóm lại, với việc thành lập cơ chế ASEAN+Nhật Bản đã mang lại những thành tựu hợp tác to lớn cho cả hai bên, khiến quan hệ kinh tế song phương do Nhật Bản chủ đạo trước đây phát triển theo hướng tương đối bình đẳng hơn, đặc biệt hai bên tăng cường thúc đẩy “quan hệ hợp tác” để thay thế mối quan hệ “viện trợ - được viện trợ”.

Từ đầu tư kinh tế là chủ đạo, Nhật Bản đã dần mở rộng hợp tác song phương sang các lĩnh vực khác như chính trị, văn hoá-xã hội, an ninh quốc phòng và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Từ thực tiễn hợp tác, có thể khẳng định, ASEAN+Nhật Bản là cơ chế đạt được hiệu quả nhất, hiện thực hóa chính sách ASEAN của Nhật Bản trong thế kỷ XXI.

Quang Anh - Nguyễn Hồng Thơ