AEC được xem là sự mở rộng logic những sáng kiến mà ASEAN đã thực hiện cho đến nay để tiến tới hội nhập kinh tế ASEAN sâu rộng hơn.

LTS: Cách nay đúng 3 năm (sáng ngày 22/11/2015), các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về “Thành lập Cộng đồng ASEAN” hình thành một nền kinh tế gắn kết với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.600 tỷ USD (tăng 80% trong 7 năm qua). Nhìn lại chặng đường 3 năm qua, chúng tôi xin giới thiệu góc nhìn của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Nhìn lại quá khứ có thể thấy, việc xây dựng cộng đồng gắn kết về kinh tế, đặc biệt là tự do hoá đầu tư thương mại, dịch vụ đã giúp thương mại và đầu tư nội khối có gia tăng mặc dù tỷ trọng chưa phải chiếm tối đa.

Bên cạnh đó, điều có thể thấy rất rõ là ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang dần trở thành khu vực hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư ngoài khối. Trong những năm gần đây, đầu tư nước ngoài vào ASEAN tăng mạnh, dần dần đưa ASEAN trở thành căn cứ của các tập đoàn lớn.

Tác động trong tương lai chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn vì mức độ mở cửa và kết nối tốt hơn. Đầu tư và thương mại sẽ có điều kiện phát triển trong khi nguồn lực dịch chuyển nhanh hơn, phân bố nguồn lực cho kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, mang lại thuận lợi cho các nước thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng.

ASEAN ngày càng gắn kết với bên ngoài khi sắp tới sẽ là đàm phán ASEAN + 6, ASEAN - EU, nhiều nước tham gia hiệp định thương mại tự do với các nước bên ngoài. Chơi với ASEAN, các nước sẽ thấy thị trường ngày càng thống nhất và liên kết giúp tăng khả năng tiếp cận cơ hội mới trong kinh doanh.

Do đó, thay đổi lớn nhất và cũng rất quan trọng cho các bước phát triển tiếp theo là cảm nhận của ASEAN và cảm nhận của các nước ngoại khối rằng, chơi với ASEAN không chỉ là chơi với ASEAN mà là đang chơi với cả thế giới.

{keywords}
Quang cảnh Toạ đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.". (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 vào tháng 10/2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thỏa thuận thiết lập Cộng đồng ASEAN (Tại Hiệp ước Ba Li 2) với 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - xã hội.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur, Malaysia vừa qua, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố "Thành lập Cộng đồng ASEAN". Đây là tuyên bố chính trị của các nguyên thủ, Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN thể hiện bước phát triển mới của Hiệp hội ASEAN.

AEC được xem là sự mở rộng logic những sáng kiến mà ASEAN đã thực hiện cho đến nay để tiến tới hội nhập kinh tế ASEAN sâu rộng hơn. Đây là sáng kiến của các nhà lãnh đạo ASEAN với tham vọng biến ASEAN 600 triệu dân thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất nhất thể hóa trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề cao được chu chuyển tự do. Một biện pháp táo bạo như vậy sẽ giúp đẩy mạnh sự gắn kết khu vực, và tăng cường sức cạnh tranh để đương đầu với những thách thức mới trên thế giới, đặc biệt là trong khu vực nơi ASEAN có thể bị vượt mặt bởi các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ...

Ban Thư Ký ASEAN đã đưa ra “Bản Kế hoạch chi tiết cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN” (AEC Blueprint), với lịch trình thực hiện 45 nội dung then chốt ở tất cả các ngành kinh tế chủ đạo nhằm theo đuổi mục tiêu tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư và các lĩnh vực khác.

Nhìn chung, bản chất của AEC là thị trường mang lại cho chúng ta 2 lợi ích cơ bản, đó là: Mở rộng thị trường cho buôn bán, giao thương và tập hợp lực lượng để bảo vệ an ninh tổ quốc. Tuy nhiên, có tận dụng được những cơ hội này không và tận dụng được đến đâu, đều chủ yếu do mỗi thành viên ASEAN quyết định mà xuyên suốt tất cả là sức cạnh tranh, thế và lực của chính chúng ta quyết định.

{keywords}
Đại biểu trong nước và quốc tế dự tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Nhìn lại chặng đường vừa qua chúng ta thấy: nói chung, việc thực thi những cam kết ở nhiều lĩnh vực vẫn còn kém ấn tượng. Thương mại và đầu tư nội khối vẫn còn thấp so với thương mại và đầu tư ngoại khối. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ những ưu đãi của AFTA và Hiệp định khung về Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) được sử dụng vì mức ưu đãi thấp. Đặc biệt là mức thuế ưu đãi trung bình mà các nước ASEAN-5 dành cho các nước ASEAN khác không lớn và hay thay đổi trong các năm do mức giảm thuế của Hiệp định ưu đãi Thuế quan có Hiệu lực chung (CEPT) và mức thuế MFN (Đãi ngộ tối huệ quốc) khác nhau, mà các nước này lại được tự do định đoạt theo ý mình.

Về AFTA, việc sử dụng các ưu đãi miễn giảm theo Hiệp định CEPT đến nay vẫn còn rất thấp bởi lẽ: Xu thế hướng ngoại vẫn còn mạnh hơn hợp tác nội khối nên chủ trương thanh toán bằng đồng tiền nội khối không thành; Thiếu tin tưởng giữa bên cho và bên nhận ưu đãi và mức ưu đãi thường thấp; Giới kinh doanh ASEAN còn thiếu hiểu biết về những miễn trừ của AFTA, thêm vào đó là hiệu quả AFTA thấp do bệnh quan liêu...

ASEAN thường đứng đầu hoặc thứ hai thế giới và khu vực về xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, thủy hải sản, dệt may...Nguồn năng lượng, than đá, dầu khí, thủy điện cũng rất lớn. Nhưng rất tiếc, sự hợp tác giữa các thành viên để vươn lên chi phối thị trường còn thấp.

Bên cạnh đó còn có những rào cản về mặt tổ chức như nguyên tắc “Đồng thuận” mà ASEAN áp dụng trong hoạt động của mình và như vậy dẫn tới một thực tế là: nhiều chương trình của ASEAN không thể nào thực hiện như đã cam kết. Chẳng hạn như, những cam kết của mỗi nước ASEAN về AFTA có giá trị ràng buộc pháp lý nhưng ASEAN lại không có cơ chế để đưa ra các hình thức chế tài hay hình phạt đối với những ai không thực thi nghĩa vụ. Nói cách khác, việc cam kết và thực hiện là tùy ý.

Để tháo gỡ những rào cản ấy, ASEAN cần một cơ chế siêu quốc gia, có quyền ra quyết định cho các vấn đề của ASEAN. Rất tiếc, làm như vậy thì lại đi ngược lại nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và đồng thuận mà ASEAN đã nhiều đời áp dụng và bây giờ vẫn có một số nước ủng hộ.

Trong một thế giới đa cực, phức tạp hiện nay, liên minh, tập hợp lực lượng là một tất yếu. Tuy nhiên bước đi này rất cần một niềm tin chiến lược, một sự cam kết kiên định của tất cả các thành viên ASEAN. Tất cả hội tụ trong một liên minh, có tư duy, tầm hoạt động khu vực, vươn lên thành một thực thể đủ mạnh để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Để thực thi chức năng có hiệu quả, AEC phải là một tổ chức hoạt động trên cơ sở luật lệ. Như vậy AEC phải được điều tiết bởi luật pháp và quy chế. Ai không tuân thủ luật pháp AEC sẽ bị trừng phạt.

Các nước thành viên ASEAN nên lập những liên minh mặt hàng như Liên minh gạo, Liên minh cà phê, Liên minh hải sản, cao su...nhằm hình thành những tập đoàn có sức cạnh tranh đủ mạnh để chi phối thị trường tương tự như hình thức OPEC.

ASEAN cũng nên chuyển đổi hình thức hợp tác liên chính phủ như hiện nay sang hình thức tổ chức khu vực, trong đó Ban Thư Ký ASEAN nên được tăng cường thành một cơ quan trung ương có quyền ra quyết định về những vấn đề đối nội và đối ngoại mà lãnh đạo ASEAN ủy thác. Nói khác đi, nguyên tắc hợp tác “đồng thuận” hiện nay cần được xem lại và cải tiến.

Thành lập AEC chỉ là bước khởi đầu. Trước mắt vẫn còn rất nhiều cơ hội, thách thức. Thị trường mở cửa sẽ là vô nghĩa nếu hàng hóa dịch vụ và môi trường đầu tư của chúng ta kém chất lượng. Thế chính trị của một thành viên dù có được nâng lên trên trường quốc tế nhờ AEC, nhưng năng lực quốc phòng của nước ấy không được tăng cường thì đất nước vẫn không đủ sức mạnh để tự vệ. Bởi vậy, để nắm bắt được thời cơ vượt qua được thách thức chúng ta cần đoàn kết lại xây dựng sức mạnh tập thể, đưa AEC đến thành công. Đoàn kết chúng ta sẽ bền vững, đơn độc sẽ bị nhấn chìm!

Tiến Anh - Lê Thu Hương (ghi)