Chính tốc độ phát triển kinh tế đã khiến các quốc gia trong vùng khao khát đưa ASEAN trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm về xã hội.

Nền kinh tế của các quốc gia ASEAN những năm gần đây luôn là điểm nóng về tăng trưởng. Chính tốc độ phát triển kinh tế đã khiến các quốc gia trong vùng khao khát đưa ASEAN trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm về xã hội.

Cùng với sự phát triển và hội nhập sâu rộng của kinh tế khu vực, mức độ phụ thuộc của các quốc gia trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày một rõ. Vì vậy việc hình thành cộng đồng an ninh trong khối ASEAN được các nước thành viên quan tâm, chú trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc hình thành cộng đồng an ninh khu vực không chỉ đơn thuần là cảm xúc, suy nghĩ nhất thời mà nó cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Từ đó đưa ra các giải pháp tương ứng nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh cũng như thách thức phải đối mặt.

{keywords}
Các đại biểu tham dự hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN. Ảnh VietNamNet

Ông Nguyễn Tăng Nghị, trong bài viết có tựa đề, Cộng đồng an ninh ASEAN: Cơ sở hình thành và thách thức, đăng trên Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 3/2018 cho rằng, cần hiểu rằng cộng đồng an ninh không phải là một cơ chế quốc tế. Mặt khác, cộng đồng an ninh không giống như kiểu an ninh tập thể. Vì an ninh tập thể được xây dựng trên cơ sở gồm những lực lượng có thế mạnh về quân sự như NATO – với mục tiêu trừng phạt các thế lực bên ngoài uy hiếp đến an ninh, an toàn của khu vực.

Cộng đồng an ninh được xây dựng theo quy chuẩn chung là không sử dụng vũ lực. Nó hoàn toàn không đề cập đến cơ chế trừng phạt về những hành vi xâm phạm lãnh thổ hay dùng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn. Cộng đồng an ninh chủ trương đề xuất các biện pháp hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp, bất đồng trong nội bộ.

Toàn cầu hóa đã mang lại diện mạo hòa bình, ổn định trên phạm vi rộng lớn. Xu hướng hợp tác giữa các quốc gia trong vùng với nhau sẽ ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn. Và ASEAN cũng không ngoại lệ, nó đã chuyển từ hình thái xung đột sang cơ chế an ninh, hợp tác.

ASEAN ngày nay hội đủ các đặc trưng cơ bản của một cộng đồng an ninh khu vực. ASEAN đang hướng tới một nền hòa bình và an ninh dựa trên những cam kết và lực xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột. Ngày càng nhiều học giả quan tâm, thậm chí là lạc quan về hướng phát triển cộng đồng an ninh của ASEAN trong thời gian tới.

Theo tác giả Nguyễn Tăng Nghị, những năm gần đây, hợp tác khu vực ASEAN không ngừng được tăng cường và củng cố. ASEAN có thuận lợi về mặt địa lý và cơ sở hạ tầng; đồng thời, mức độ hợp tác và lệ thuộc nhau về kinh tế ngày càng rõ nét; cuối cùng là niềm tin và mong muốn xây dựng một khu vực hòa bình thịnh vượng. Đây chính là tiền đề quan trọng để ASEAN xây dựng cộng đồng an ninh theo cách của riêng mình.

Yếu tố địa lý có ảnh hưởng không nhỏ đối với quá trình hợp tác phát triển kinh tế của các quốc gia thành viên. Vị trí địa lý càng gần thì quan niệm, ý chí về hội nhập khu vực càng rõ nét. Lịch sử đã chứng minh, các quốc gia trong vùng khi có sự liên hệ mật thiết về kinh tế và tương đồng về an ninh, chính trị thì họ dễ dàng thừa nhận các giá trị chung như vấn đề lịch sử và cả những quan điểm về nhận thức khu vực. Họ dễ tìm ra tiếng nói chung, hợp tác khu vực vì thế sẽ từng bước hình thành.

Về vị trí địa lý, khu vực ASEAN phần lớn giáp với biển. Phía Tây giáp Ấn Độ Dương, phía Đông giáp Thái Bình Dương, phía Nam tiếp giáp Châu Đại Dương, phía Bắc tiếp giáp Trung Quốc đại lục. Điều này làm cho ASEAN được chia cắt với các khu vực khác một cách tự nhiên. Các thế lực bên ngoài rất khó để có thể tấn công hoặc gây tổn hại về mặt an ninh đối với ASEAN. Đây có thể xem là ưu thế và là sự khác biệt giữa ASEAN với các khu vực còn lại trên thế giới.

Về giao thông vận tải, khu vực ASEAN với thế đất bằng phẳng, sông ngòi chằng chịt, hệ thống cao tốc, đường sắt và vận tải hàng không của các quốc gia thành viên cơ bản đã được kết nối. Ngoài ra, khu vực ASEAN nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, vì vậy giao thông đường biển được xem là thế mạnh. Điều kiện giao thông thuận lợi như trên giúp các quốc gia trong vùng hợp tác mọi mặt trở nên dễ dàng hơn. Điều kiện tự nhiên thuận lợi không chỉ tăng cường sự kết nối giữa các quốc gia thành viên, mà còn tạo cơ sở để mở rộng sự giao lưu hợp tác giữa ASEAN với các quốc gia ngoài khu vực.

{keywords}
 

Bên cạnh đó là thành quả của hội nhập kinh tế khu vực ASEAN. Trong hơn 50 năm qua, các quốc gia thành viên đã không ngừng củng cố và phát triển, tích cực hội nhập sâu rộng với mong muốn đưa ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, tạo nền tảng quan trọng để ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc các mối liên kết, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên.

Tăng trưởng GDP của ASEAN duy trì ở mức 4,8% năm 2017. Tổng thương mại hàng hóa của ASEAN đạt 2,22 nghìn tỷ USD năm 2016, trong đó 23,5% là thương mại nội khối[8]. Tổng thương mại dịch vụ của ASEAN là 643,4 tỷ USD trong đó 16,6% là thương mại nội khối. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đạt 96,72 tỷ USD năm 2016, trong đó 24,8% là đầu tư nội khối ASEAN. Từ đó cho thấy mức độ phụ thuộc giữa các nền kinh tế trong ASEAN ngày càng lớn. Điều này ít nhiều sẽ khiến các quốc gia trong khối ASEAN khi xử lý các vấn đề trong khu vực sẽ trở nên thận trọng và cân nhắc kỹ hơn, hạn chế tối đa xảy ra xung đột.

Lê Hồng - Lê Thu Hương (lược trích)