Trên bình diện khu vực, vai trò của ASEAN càng được khẳng định trong bối cảnh tổ chức này đang là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Mỹ và các đồng minh chủ chốt đang triển khai.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề cao vị trí hàng đầu của ASEAN trong chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Cụm từ, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bắt đầu được chú ý đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Donald J. Trump mở đầu bài phát biểu của mình tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) Đà Nẵng từ hồi tháng 11/2017 bằng việc bày tỏ sự vinh hạnh được “hiện diện tại Việt Nam – trái tim của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.” Trong suốt chuyến công du Châu Á dài gần hai tuần của mình, Tổng thống Trump đã liên tục sử dụng thuật ngữ này như có hàm ý về chiến lược mới của Mỹ ở khu vực vẫn thường được biết đến là Châu Á – Thái Bình Dương (Asia – Pacific).

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop tuyên bố “ASEAN là trái tim của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Sự đề cập nhiều lần khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” cùng với những động thái chủ động tiếp cận ASEAN và các nước ASEAN cho thấy Canberra đang nỗ lực đẩy mạnh gia tăng cam kết của mình lên phía Bắc và nhằm biến tầm nhìn chiến lược này thành hiện thực.

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri La năm 2018 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gọi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là “một tập hợp con của chiến lược an ninh rộng lớn hơn, qua đó pháp điển hóa các nguyên tắc của chúng tôi khi nước Mỹ tiếp tục nhìn về phía Tây”. Những “nguyên tắc” này trong thực tế không phải là mới. Như John Lee đã lập luận, “về bản chất, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương  Mở và Tự do là một sự tái khẳng định trật tự an ninh và kinh tế dựa trên các quy tắc đã tồn tại kể từ sau Thế chiến II.”

Tại Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa đề cao vị trí hàng đầu của ASEAN trong chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Washington; Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nhấn mạnh ASEAN có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt ở khu vực Đông Nam Á và có kết nối mạnh mẽ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi Ấn Độ, Hàn Quốc… đều coi ASEAN là một trong những trọng tâm chính sách đối ngoại.

Qua những diễn biến đó, hẳn không ít người đặt câu hỏi, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là gì? Tại sao Mỹ lại đặc biệt chú ý và thậm chí đặt ưu tiên cho khu vực này trên cả Châu Âu và Trung Đông? Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ có ý nghĩa thế nào với hoà bình và an ninh trên thế giới và trong khu vực?

Theo bài viết của 2 tác giả Nguyễn Nhật Huy & Sơ Nguyên trên tờ zing, “tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương đóng vai trò quan trọng cho dòng chảy dầu mỏ, khí đốt, và hàng hoá trên thế giới. Đây cũng là nơi có hai eo biển quan trọng nhất với tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Australia và Đông Á. Trung bình mỗi ngày có 17 triệu thùng dầu mỏ được vận chuyển qua Eo biển Hormuz và 15.2 triệu thùng qua Eo biển Mallacca. Mặt khác, đây cũng là vùng biển nổi tiếng bất ổn định với nạn cướp biển và khủng bố. Trong khi đó năng lực hàng hải của các nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc đảm bảo an ninh cho tuyến huyết mạch của kinh tế thế giới được các quốc gia đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh các yếu tố về chống cướp biển, khủng bố, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn thì còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn tới sự ra đời của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Trong những năm trở lại đây, với Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (BRI), Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển ở các nước Trung Á, Nam Á, và Châu Phi để mở rộng ảnh hưởng của mình. Nhiều dự án làm dấy lên hoài nghi và sự lo ngại ở nhiều nước, đặc biệt là các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản và Ấn Độ. BRI bị phương Tây chỉ trích là thiếu minh bạch, chất lượng thấp, xâm phạm lãnh thổ và làm nhiều nước nghèo ngập trong nợ nần. Tuy nhiên, sự tham gia ở mức độ khác nhau của đông đảo các nước trong khu vực vào sáng kiến này cho thấy sức ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc.

Trước nguy cơ lợi ích địa chính trị, kinh tế và các giá trị cốt lõi của mình trong khu vực có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các cường quốc có liên quan đã nhận thấy cần phải có chiến lược để đối trọng với Trung Quốc. Một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở đã thể hiện rõ tầm nhìn đó.

Tiến Anh - Nguyễn Hồng Thơ