“Năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN”, đó là nhận định của ông Lê Lương Minh, nguyên Tổng Thư ký ASEAN.

Việt Nam có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong thương mại nội khối, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với việc tham gia vào Hiệp định CPTPP, đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP, ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Liên minh Kinh tế Á - Âu, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN, trong khi đó đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn.

Tại phiên khai mạc toàn thể với chủ đề “ASEAN 50 tuổi trẻ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với các nhà lãnh đạo các nước ASEAN về những thành tựu phát triển và hội nhập khu vực mà ASEAN đã đạt được trong 50 năm qua.

Thủ tướng nhấn mạnh sự phát triển năng động của ASEAN đang mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất với GDP tăng bình quân 6% trong 30 năm qua và dự kiến tăng 6,5-7% trong 2017-2020.

Thủ tướng đánh giá, cũng như các nước ASEAN khác, Việt Nam có thị trường tiềm năng lớn về đổi mới sáng tạo với dân số trẻ dồi dào, trong đó 60% dân số dưới 35 tuổi và khoảng 52% dân số sử dụng internet; đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua ký nhiều FTA có tiêu chuẩn cao và cùng các nước ASEAN tiến tới thị trường ASEAN thống nhất…

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2017.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang xuất hiện xu hướng bảo hộ mậu dịch, ASEAN vẫn tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế mở, tạo ra những cơ hội lớn không chỉ cho quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của ASEAN mà cả các doanh nghiệp ASEAN, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam.

Nói về tương lai phát triển, ông Lê Lương Minh, nguyên Tổng thư ký ASEAN nhìn nhận, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN. Khi ASEAN phát triển, thúc đẩy hơn nữa hội nhập thì cả đầu tư và thương mại giữa Việt Nam với các nước trong ASEAN cũng sẽ phát triển tương ứng.

“Việt Nam đã nâng cao được năng lực phát triển kinh tế của mình, ông Lê Lương Minh phát biểu tại tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội cho cộng đồng DN Việt Nam”.

Nhìn vào nội khối, hiện nay, 10 quốc gia ASEAN đang có tổng GDP khoảng gần 2.600 tỷ USD, lớn hơn nước Pháp và đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, thứ 3 ở châu Á. Không những vậy, ASEAN còn 640 triệu dân với một nửa số đó là người dưới 30 tuổi. “Đây là thị trường lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ”, ông Minh khẳng định.

Không chỉ vậy, ASEAN cũng đã thực hiện rất nhiều sáng kiến ở cấp độ quốc gia và khu vực. Trong đó có việc loại bỏ thuế nhập khẩu nội khối, dần dần mở cửa thị trường dịch vụ và đơn giản hóa những thủ tục thông quan xuyên biên giới. Các nước đã hài hòa hóa quy chuẩn và đưa ra được những hiệp định công nhận lẫn nhau.

Tuy nhiên, nghịch lý là doanh nghiệp Việt còn khá mơ hồ về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), dù ASEAN đang là trung tâm tăng trưởng của thế giới và tiếp tục cải cách môi trường đầu tư để trở nên hấp dẫn hơn.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các Hội nghị cấp cao liên quan. (Ảnh: TTXVN).

Điều này cũng khiến ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trăn trở. Ông Dũng chia sẻ nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có câu trả lời cho những những câu hỏi đơn giản như: AEC đem lại những gì cho doanh nghiệp? Thách thức nào đang chờ đợi phía trước? Khó khăn nào cần phải giải quyết và vượt qua?

“Thành công sẽ chỉ đến với những doanh nghiệp nhận thức được cơ hội và nắm bắt được cơ hội” - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói.

Và để tận dụng các cơ hội, vượt thách thức, trước tiên các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu được cơ hội là gì, thách thức là gì? Trong 10 năm qua (2006 - 2016), tỷ lệ GDP của Việt Nam trong ASEAN đã tăng hai lần, từ chỉ khoảng 3,5% lên hơn 7%. Điều đó cho thấy việc tham gia vào ASEAN đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế. Tỷ lệ thương mại nội khối ASEAN - Việt Nam cũng ở mức hơn 1000%. Đầu tư nội khối của các nước ASEAN vào Việt Nam cũng tăng 120%. Kết nối giữa Việt Nam với các nước ASEAN cũng chặt chẽ hơn không chỉ về hạ tầng, thể chế, con người…

Tất cả những điều này đều tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Diên Vỹ - Lê Thu Hương