{keywords}
Kế hoạch Tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 cũng đưa ra bức tranh về một khu vực mà mọi người từ mọi thành phần đều được hưởng lợi.

Ông Lê Lương Minh, nguyên Tổng Thư ký ASEAN đã nhấn mạnh tầm nhìn tiến tới sự tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Kế hoạch Tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 cũng đưa ra bức tranh về một khu vực mà mọi người từ mọi thành phần đều được hưởng lợi – một nền kinh tế có sức bật, phát triển toàn diện, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm.

Trong khu vực, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong các thập kỷ gần đây. Trong vòng ít hơn 5 thập kỷ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng từ $37,6 tỷ vào năm 1970 lên $2,6 nghìn tỷ vào năm 2016, phần lớn là do sự tăng trưởng nhanh chóng của các doanh nghiệp tư nhân. Trong hai thập kỷ gần đây, hơn 100 triệu người đã có việc làm và hàng triệu người đã thoát nghèo. Đầu tư tăng, cơ sở hạ tầng phát triển, thương mại mở rộng và sự thịnh vượng của khu vực tăng vọt. 

Với thành tựu như vậy, liệu có vấn đề gì chăng?

Mặc dù nền kinh tế có bước tăng trưởng vượt bậc, hàng triệu người dân vẫn đang vật lộn trong đói nghèo. Có một nghịch lý là: trong khi Châu Á-Thái Bình Dương có nhiều tỷ phú hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, vẫn còn hơn 70 triệu người dân tại Đông Nam và Đông Á bị thiếu ăn. Các thành tựu kinh tế phần lớn là do các doanh nghiệp đạt được, gần như chỉ tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận, đã gây ra khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo. 

Theo Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP), bất bình đẳng thu nhập tại chấu Á đã tăng 20 phần trăm trong vòng 20 năm qua. Các bằng chứng cho thấy rằng: bốn người đàn ông giàu có nhất Indonesia có lượng của cải nhiều hơn 100 triệu người cộng lại; số tiền mà người đàn ông giàu có nhất Việt Nam kiếm được trong một ngày nhiều hơn số tiền mà người nghèo nhất kiếm được trong 10 năm; và tại Thái Lan, 56% của cải của quốc gia thuộc về 1% người giàu có nhất.

Phụ nữ và trẻ em gái đang bị bỏ lại phía sau. Mặc dù họ có tiềm năng đóng góp lớn về mặt kinh tế, mức lương của phụ nữ lại vẫn thấp hơn 30% so với nam giới khi làm cùng một công việc trong khi họ còn phải đảm nhận các công việc nội trợ và chăm sóc khác nhiều hơn gấp 2,5 lần so với nam giới. Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính rằng nếu sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động tăng từ 57,7% lên 66,2%, thì chỉ trong một thế hệ, nền kinh tế của Châu Á có thể tăng trưởng 30%.

Rõ ràng, chúng ta có một vấn đề chung, vậy đâu là giải pháp? Vì sự tăng trưởng và bất bình đẳng là kết quả của việc kinh doanh, chúng tôi tin rằng doanh nghiệp có tiềm năng lớn nhất trong việc thay đổi các động lực chia sẻ thịnh vượng theo hướng bao trùm và có trách nhiệm hơn.

Đây không chỉ là một việc đúng đắn mà còn là định hướng của tương lai và xu hướng của nhu cầu tiêu dùng.

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng trên khắp thế giới nói rằng họ muốn mua sản phẩm từ các công ty đạt tiêu chuẩn về đạo đức và xây dựng được các giải pháp thị trường để giải quyết các thách thức về xã hội và môi trường. 64% người dân Đông Nam Á nói rằng họ sẽ trả giá cao hơn cho các công ty quan tâm đến các yếu tố ngoài lợi nhuận, và họ cũng chào đón các doanh nghiệp bao trùm và bền vững hơn là người dân của các quốc gia phát triển tại Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, và New Zealand. 

Không chỉ người tiêu dùng, các nhà đầu tư và các chính phủ cũng kêu gọi sự thay đổi, yêu cầu và thúc đẩy các thực hành kinh doanh có đạo đức và có trách nhiệm với xã hội. Đầu tư Môi trường, Xã hội và Quản trị Nhà Nước (ESG) đang tăng, và các đầu tư có tác động xã hội cũng đang thu hút sự quan tâm nhiều hơn bao giờ hết. Điều này thể hiện qua con số thực tế khoảng $3,6 tỷ đã được chi tại Đông Nam Á. 

Các chính phủ đang tích cực thúc đẩy các mô hình kinh doanh công bằng, đặc biệt là mô hình doanh nghiệp xã hội, bằng cách thiết lập các động lực và ưu đãi về pháp lý và tài chính mềm dẻo. Ví dụ, Thái Lan có Văn phòng Kinh tế Xã hội và miễn trừ thuế cho các doanh nghiệp xã hội; Malaysia có Quỹ Tác động Xã hội để tài trợ cho những cá nhân, tổ chức phục vụ cho lợi ích của người nghèo và những người bị tụt lại phía sau; Singapore thì tích cực hỗ trợ và hướng dẫn những cá nhân và tổ chức tương tự. Con đường phía trước còn dài, nhưng các nỗ lực của chính phủ trong khu vực để thúc đẩy doanh nghiệp xã hội đang dẫn đầu thế giới, chỉ sau Bắc Mỹ.

Vậy, điều gì tạo nên thành công của các mô hình kinh doanh bao trùm? Oxfam tin rằng mô hình này có 3 đặc điểm chính. 

Thứ nhất, các doanh nghiệp cải thiện điều kiện sống của người nghèo bằng cách tạo ra việc làm và cơ hội để họ có thể sống một cuộc sống xứng đáng, cung cấp cho họ các kỹ năng, tiếp cận với thị trường và cơ sở hạ tầng hoặc cung ứng các mặt hàng và dịch vụ cần thiết và trong khả năng chi trả của họ. 

Thứ hai, các công ty làm việc cùng cộng đồng trong các chuỗi giá trị trên tinh thần hợp tác cùng có lợi để người sản xuất có thể kiếm đủ tiền sống một cuộc sống thỏa đáng, đồng thời thúc đẩy quá trình kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh hơn.

Thứ ba, doanh nghiệp sẽ đạt được các thành công về thương mại thông qua việc cải thiện năng suất và chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị trường bằng cách làm việc cùng người nghèo để tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

Từ các sáng kiến thúc đẩy tính bền vững về xã hội và môi trường trong ngành nông nghiệp và may mặc tại Cambodia và các mô hình kinh doanh bao trùm làm việc cùng các cộng đồng nghèo tại Thái Lan và Lào, cho đến các doanh nghiệp xã hội Thương mại Công bằng đưa lợi nhuận trở lại với người sản xuất, rất nhiều mô hình năng động hướng tới kinh doanh công bằng, bao trùm và bền vững hơn đang nổi lên. Trong các doanh nghiệp xã hội, vùng Đông Nam Á dẫn đầu trong việc trả lương công bằng và các cơ hội lãnh đạo cho phụ nữ.

Các doanh nghiệp xã hội này là kết quả của mối quan hệ đối tác giữa các doanh nhân, cộng đồng và tổ chức xã hội dân sự như Oxfam. Những liên minh mới này là có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các doanh nghiệp bao trùm.

Hiện nay, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tôn trọng quyền con người và trả mức lương đủ để người lao động thực hiện các quyền này được coi là nhiệm vụ tiên quyết đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có cơ hội để tạo ra sự khác biệt và trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng bằng cách áp dụng những thực hành giúp doanh nghiệp trở nên thân thiện với con người và môi trường hơn.

Tuy nhiên, phần thưởng thực sự chỉ có thể đạt được bằng các phương thức giúp cả doanh nghiệp và xã hội cùng hưởng lợi thông qua việc lồng ghép các yếu tố xã hội và môi trường vào cốt lõi của hoạt động kinh doanh. Tương lai của doanh nghiệp chính là các mô hình như doanh nghiệp xã hội hướng tới tầm nhìn kép về cả khả năng bền vững tài chính và sự thịnh vượng của xã hội, vượt lên trên mục tiêu chỉ tối đa hóa lợi nhuận.

Lan Mercado - Nguyễn Hồng Thơ