Sự phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cùng việc công nghệ này ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống sẽ giúp khu vựcASEAN tăng năng suất và thịnh vượng.

28 triệu lao động ở ASEAN nguy cơ bị trí tuệ nhân tạo thay thế

ASEAN được đánh giá là khu vực có sự phát triển đầy ấn tượng, khi cân bằng được tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, giúp hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Song, già hóa dân số, năng suất lao động chưa cao, sự lệ thuộc vào đầu tư ngoài khối, khoảng cách phát triển cơ sở hạ tầng nội khối..., nhất là tác động từ các công nghệ mới, đang gây ra không ít thách thức cho tăng trưởng bền vững của ASEAN.

Bởi vậy, sự phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cùng việc công nghệ này ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống sẽ tác động lớn đến các nước thành viên ASEAN trong thập kỷ tới, giúp các quốc gia tăng năng suất và thịnh vượng.

Tiến sĩ Kazuo Yano, Kỹ sư trưởng Tập đoàn Hitachi, Nhà tiên phong về công nghệ AI ở Nhật Bản giải thích cơ chế của AI là học tập từ dữ liệu và thử nghiệm không ngừng để đem đến kết quả tối ưu, đặc biệt khi con người có những định hướng rõ ràng, AI sẽ cung cấp quy trình và kết quả tốt hơn.

TS. Kazuo Yano đã đưa ra những ví dụ thực tế cho thấy khả năng vượt trội của AI trong nhiều phương diện kinh doanh đối với doanh nghiệp từ tự động tối tưu hóa kho vận chuyển giúp tăng năng suất 8%, giúp tăng 15% doanh số trên mỗi khách hàng tại các cửa hàng bán lẻ hay giảm lượng điện năng tiêu thụ trong ngành đường sắt…

Trong hơn một thập kỷ, ông đã nghiên cứu cách kết hợp AI và công nghệ không chỉ trong giải các bài toán kinh tế mà còn trong đo lường, cải thiện hạnh phúc và đời sống của con người. Đối với ông, một tổ chức hạnh phúc là một tổ chức có năng suất, và nếu con người có thể định lượng “hạnh phúc” và đưa nó vào AI làm dữ liệu, con người có thể tận dụng khả năng của AI để cải thiện năng suất của tổ chức nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Trí tuệ nhân tạo, từ đó, sẽ đưa con người bước sang kỷ nguyên mới, từ kỷ nguyên định hướng bởi các quy tắc tiến đến kỷ nguyên định hướng bởi kết quả.

{keywords}
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 Bùi Thanh Sơn (phải) và ông Borge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) (trái) chủ trì Họp báo Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018. Ảnh: TTXVN

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF on ASEAN 2018), Chủ tịch Hãng Công nghệ Cisco (Mỹ) khu vực ASEAN Naveen Menon đã loan báo về việc Cisco công bố kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (Al) lên việc làm của con người. Nghiên cứu cho thấy sẽ có sự dịch chuyển lớn về mô hình hoạt động, nhiều kỹ năng trong tương lai trở nên dư thừa.

Trong vòng 10 năm tới sẽ có 28 triệu công việc của người lao động (tương đương 10,2% tổng lực lượng lao động) bị ảnh hưởng bởi sự thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (Al).

AI sẽ tạo ra thêm 4,5 triệu công việc mới tại khu vực ASEAN trong vòng một thập kỷ tới, trong đó 1,8 triệu việc làm được tạo ra trong ngành bán buôn bán lẻ; 0,9 triệu việc làm trong ngành chế tạo; 1 triệu việc làm trong ngành xây dựng và 0,4 triệu việc làm trong khối khách sạn, nhà hàng cũng như một số ngành dịch vụ khác.

Trong đó, Singapore sẽ là quốc gia có tỷ lệ lực lượng lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất với 21% tổng lực lượng lao động tương đương khoảng 500.000 việc làm; tiếp đến là Việt Nam với 13,8% tương đương 7,5 triệu việc làm; Thái Lan là 11,9% với 4,9 triệu việc làm; Philippines là 10,1% với 4,5 triệu việc làm; Indonesia có 8% tương đương 9,5 triệu việc làm và Malaysia là 7,4% tương đương 1,2 triệu việc làm.

Theo ông Naveen Menon, trong số 28 triệu việc làm này, sẽ có 6,6 triệu việc làm với các kỹ năng không còn cần thiết trong tương lai. Cần bồi dưỡng thêm kỹ năng cho lao động hoặc họ sẽ phải dịch chuyển ngành nghề, học kỹ năng mới về giải quyết vấn đề, xử lý công việc hoặc chuyển sang nước khác để làm việc. Chẳng hạn người lao động tại Philippines sẽ phải chuyển sang làm việc tại Việt Nam vì công việc đó không còn cần thiết tại Philippines.

Kết quả này cảng khẳng định xã hội đang phát triển với những bước tiến vượt bậc về công nghệ, trong đó AI và Big Data đang trở thành những “yếu tố thay đổi cuộc chơi”.

Trong xu thế đó, thách thức không nằm ở tình trạng thiếu việc làm hay lao động bị thay thế mà vấn đề then chốt là giáo dục và đào tạo. Thách thức lớn nhất là “quản trị nhân sự”, là “phân tích con người” để tìm ra lao động tay nghề cao và phù hợp với vị trí công việc lại chưa được đầu tư tương xứng với sự phát triển của thời đại.

Điều đó đỏi hỏi, các chính phủ và các trường đại học cần phối hợp nỗ lực để đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ cho kỷ nguyên số”.

Diên Vỹ - Vũ Thị Huyền