Trong quá trình xây dựng cộng đồng an ninh ASEAN, mong muốn tăng cường niềm tin với nhau đã được các quốc gia thành viên chủ động đẩy mạnh. Mục tiêu là hướng đến một cộng đồng an ninh thịnh vượng trong tương lai.

Cơ chế an ninh khu vực ASEAN đã được hình thành, chủ yếu bao gồm: cơ chế an ninh khu vực nội khối như hội nghị cấp cao ASEAN; cơ chế an ninh ngoài khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, ASEAN+6, ASEAN+x…v…v… ASEAN đã phát huy được vai trò trung tâm của mọi sự hợp tác. Mô hình “10+x” đã trở thành phương thức chủ yếu trong mọi hợp tác khu vực. Và phương thức ASEAN (ASEAN Way) được xem là một trong những phương thức hợp tác phù hợp nhất tại khu vực Đông Á.

Trong quá trình xây dựng cộng đồng an ninh ASEAN, mong muốn tăng cường niềm tin với nhau đã được các quốc gia thành viên chủ động đẩy mạnh. Họ luôn tìm kiếm những biện pháp hòa bình nhằm giải quyết các vấn đề mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ. Mục tiêu là hướng đến một cộng đồng an ninh thịnh vượng trong tương lai.

Về tổng thể, lãnh đạo các nước ASEAN luôn hiểu rằng mọi cơ chế hợp tác trong và ngoài khu vực đều phải lấy ASEAN làm trung tâm, đẩy mạnh hợp tác toàn diện với 6 quốc gia ngoài khu vực (RCEP), đồng thời duy trì vai trò, vị trí trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực.

Khu vực ASEAN là một trong những khu vực năng động và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, và là một trong những khu vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất. Tuy nhiên, do các vấn đề tồn tại của lịch sử, cũng như sự chênh lệch về trình độ phát triển, nên quá trình xây dựng cộng đồng an ninh cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn và thách thức.

{keywords}
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 50 (AEM 50) đã khai mạc tại Singapore. Ảnh TTXVN

Đông Nam Á có vị trí địa – chính trị đặc biệt, là điểm xoáy chiến lược, giao thoa quyền lợi của nhiều cường quốc lớn trên thế giới. Họ luôn tìm kiếm và cố gắng tạo ra những ảnh hưởng nhất định, từ đó hy vọng có thể dẫn dắt khu vực phát triển theo hướng có lợi cho mình.

Chính sự tranh giành quyền lãnh đạo kinh tế trong nội bộ ASEAN cũng như các quốc gia ngoài khu vực luôn tìm kiếm cơ hội gây ảnh hưởng lên ASEAN. Điều này đã vô tình biến ASEAN trở thành điểm nóng về cạnh tranh kinh tế và tranh giành ảnh hưởng về chính trị của các quốc gia trong khu vực Đông Á. Đây có thể xem là một trong những lý do quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng cộng đồng an ninh khu vực. Cộng đồng an ninh chỉ có thể hình thành nếu các quốc gia trong vùng, đặc biệt là các quốc gia thành viên ASEAN cùng nhận ra vấn đề này và nhanh chóng đưa ra các biện pháp giải quyết.

Ngoài ra ASEAN còn tồn tại rất nhiều vấn đề khác như khủng hoảng nội bộ của các quốc gia thành viên: vấn đề sắc tộc tôn giáo, vấn đề giàu nghèo, an sinh xã hội và bình đẳng giới, thậm chí là vấn đề chính trị. Trong đó, đặc biệt, trình độ chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các quốc gia thành viên là rất lớn.

Muốn cộng đồng an ninh khu vực sớm hình thành và phát triển, các quốc gia ASEAN phải tìm cách rút ngắn sự chênh lệch về kinh tế, từng bước ổn định tình hình an ninh, chính trị xã hội của quốc gia mình. Đồng thời, ASEAN phải tìm cách duy trì sự ổn định về chính trị trên phạm vi toàn khu vực. Tuyệt đối không để hiểu lầm, mâu thuẫn dẫn đến việc chạy đua vũ trang hay chiến tranh cục bộ. Không ngừng củng cố, xây dựng niềm tin với nhau, đồng thời cùng chia sẻ các vấn đề khủng hoảng của khu vực. Có như vậy, ASEAN mới đủ nền tảng và điều kiện để xây dựng một cộng đồng an ninh đúng nghĩa.

Tóm lại, do sự phát triển của kinh tế khu vực mà nền kinh tế của các quốc gia ASEAN ngày càng phụ thuộc nhau hơn một cách cơ hữu. Trong những năm gần đây, các quốc gia thành viên đã không ngừng điều chỉnh sự khác biệt trong chính sách của mình sao cho phù hợp với xu hướng hội nhập của khu vực, từng bước nâng cao tinh thần hợp tác nhằm tạo ra những giá trị chung cho ASEAN. 

Chính vì vậy, hội nhập khu vực ngày càng được các quốc gia thành viên tích cực thực hiện và quán triệt một cách sâu rộng. Bên cạnh những thuận lợi về mặt tự nhiên, sự đồng lòng của các quốc gia thành viên thì vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước đang chờ đợi ASEAN kề vai sát cánh cùng nhau giải quyết. Chúng ta có quyền tin tưởng và lạc quan về hướng phát triển của cộng đồng an ninh Đông Nam Á trong tương lai không xa. Chỉ cần tất cả các quốc gia thành viên không ngừng tăng cường hợp tác, tích cực tuyên truyền, giáo dục công dân trong vùng về một cộng đồng ASEAN hòa bình, thịnh vượng thì chắc chắn mục tiêu này sẽ sớm trở thành hiện thực.

Hồng Lê - Nguyễn Hồng Thơ (lược trích)