Theo số liệu thống kê của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), có ít nhất khoảng 250 triệu người, tương đương 5% dân số thế giới đang sử dụng ma túy. Khu vực Đông và Đông Nam Á hiện có hơn 3 triệu người sử dụng heroin và hơn 5 triệu người sử dụng ma túy tổng hợp. Thế giới đang phải đối mặt với sự xuất hiện và gia tăng các chất hướng thần mới.

{keywords}
ASEAN đã xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống lại hiểm họa ma túy cho giai đoạn 2016-2025.

Khu vực Tam giác vàng bao trùm nhiều nước thành viên ASEAN, vẫn đang là một trung tâm sản xuất heroin và aphetamin lớn. Địa hình rừng núi của Myanmar rất phức tạp, nhiều điểm tiếp giáp với các quốc gia láng giềng Thái Lan, Lào khiến việc kiểm soát tất cả các tuyến đường vô cùng khó khăn. Vì vậy, để triệt phá hoàn toàn lượng ma túy từ Tam giác vàng đưa ra, Myanmar cần có chương trình cấp quốc gia cũng như nhân lực hỗ trợ từ các quốc gia ASEAN.

Các nước Thái Lan, Lào, Ấn Độ đang hỗ trợ Myanmar một hình thức kiểm soát an ninh chặt chẽ. Chính phủ Myanmar đã đạt được thỏa thuận với các cơ quan hữu quan ở khu vực trong việc hợp tác, kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường ma túy từ Tam giác vàng tuồn ra, hoặc các luồng đưa tiền chất vào khu vực Tam giác vàng

Thông tin là yếu tố cốt lõi

Có thể nói sự phát triển về công nghệ kéo theo thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng lôi kéo, mua chuộc các chuyên gia về hóa học nghiên cứu, phát minh ra nhiều loại ma túy mới. Nhiều loại tiền chất, hóa chất mới không nằm trong danh mục kiểm soát của các Công ước quốc tế được chúng sử dụng điều chế ma túy tổng hợp. Các trang Web đen, các chợ ma túy trên internet đang ngày càng phát triển. Một số quốc gia trên thế giới đang xuất hiện xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy,…

Để kịp thời ứng phó với tình hình ma túy hiện nay, Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, tại Hội nghị Quan chức cấp cao trù bị cho Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy, tổ chức tại Hà Nội đã nhấn mạnh, ASEAN cần tập trung tăng cường hiệu quả, chất lượng nghị sự của các kỳ Hội nghị cấp Quan chức cao cấp và cấp Bộ trưởng, bám sát diễn biến, tình hình ma túy thế giới và khu vực để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các nội dung nghị sự, đảm bảo vai trò tham vấn, định hướng chung về chính sách phòng, chống ma túy trong khối ASEAN. Đồng thời, với các sáng kiến, cơ chế hợp tác đã có, cần đẩy mạnh các hoạt động đi vào thực chất, đa dạng về nội dung, hình thức triển khai, tạo sự gắn kết và phát huy các thế mạnh của từng quốc gia cũng như sức mạnh tổng thể của các quốc gia trong khối ASEAN.

"Trong lĩnh vực này, thông tin là yếu tố cốt lõi. Do đó, cần phải phát huy hơn nữa hiệu quả trao đổi, xử lý thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ các đối tượng, đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tích cực cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia ASEAN để phục vụ công tác đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này...", Thiếu tướng Phạm Văn Các nêu sáng kiến.

Lần đầu tiên đạt được đồng thuận

Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 38 về vấn đề ma túy (ASOD 38) ASOD 38 thống nhất ghi nhận hợp tác ASEAN trong phòng, chống ma túy ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực hơn. Lần đầu tiên sau nhiều năm hợp tác phòng, chống ma túy, ASEAN đã đạt được sự đồng thuận cao khi đưa ta Tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề ma túy tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu năm 2016 tại New York (Hoa Kỳ).

Tuyên bố chung đã khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán của ASEAN trển trường quốc tế về vấn đề ma túy toàn cầu, thể hiện thái độ không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy và kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy.

Theo định hướng này, ASEAN đã xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống lại hiểm họa ma túy cho giai đoạn 2016-2025; duy trì có hiệu quả cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng, Hội nghị quan chức cấp cao về vấn đề ma túy; đồng thời đề ra và triển khai thục hiện nhiều sáng kiến như Trung tâm thông tin phòng, chóng tội phạm ma túy; các tổ công tác về thực thi pháp luật phòng, chống ma túy qua đường hàng không và tại cảng biển. Những sáng kiến này đã trở thành khuôn khổ hợp tác hiệu quả trong việc trao đổi thông tin và đấu tranh ngăn chặn ma túy bất hợp pháp ở khu vực.

Tiến Anh - Vũ Thị Huyền