{keywords}
ASEAN đang trên đà chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện và công nghệ hứa hẹn mang đến một cách sống mới.

Trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật, không có cách nào khác là chúng ta phải sử dụng sức mạnh công nghệ. Mạng lưới thành phố thông minh sẽ giúp việc quản lý của các nhà lãnh đạo ASEAN trở nên dễ dàng hơn vì có thể kết nối, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm một cách dễ dàng, đặc biệt là có sự tham gia của người dân. Đối với nền quản trị ngày nay, các nước đều đi theo hướng quản trị tốt, đòi hỏi 3 đặc tính quan trọng: sự minh bạch, tính giải trình và tính dự báo, giúp ngăn ngừa rủi ro và đảm bảo phát triển bền vững. Do vậy, những sáng kiến này là phù hợp, mang lại sức mạnh mới cho ASEAN.

Theo bài viết trên ANN mới đây, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở Đông Nam Á dẫn đến một loạt các thách thức, từ cơ sở hạ tầng quá tải cho đến những khó khăn trong việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ cần thiết cho người dân. Tuy nhiên, một báo cáo mới từ Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) cho thấy, công nghệ kỹ thuật số và các giải pháp thông minh có thể là câu trả lời cho các vấn đề đang ngày càng tăng của khu vực.

Việc hình thành mạng lưới ASCN đồng nghĩa với việc các sáng kiến liên quan đến thành phố thông minh của ASEAN sẽ có sức mạnh tổng hợp lớn hơn tổng sức mạnh của từng sáng kiến riêng lẻ và là đòn bẩy giúp đưa khu vực tiến những bước xa hơn trong những tiến bộ liên quan đến thành phố thông minh trên toàn cầu.

Cơ cấu của “Thành phố thông minh” mở ra yêu cầu xây dựng các khu vực thành thị trong đó tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông nhằm nâng cao hoạt động của thành phố về mọi mặt từ quy hoạch giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng đến việc bảo tồn năng lượng và nguồn nước.

Sự phát triển của ASCN và các thành phố thông minh nói chung tại Đông Nam Á ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đô thị hóa ngày càng tăng trong khu vực, vốn tạo áp lực không hề nhỏ lên cơ sở hạ tầng, các biện pháp quản lý khí hậu của thành phố cũng như hệ thống xử lý rác thải và vệ sinh cơ bản cho người dân thành phố.

Khoảng 49% dân số trong khu vực hiện đang sống tại thành thị, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đồng nghĩa với trong khoảng thời gian 2015 đến 2030, có khoảng 100 triệu người trong khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ chuyển từ vùng nông thôn đến sống tại các thành phố.

Sáng kiến mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN) được Singapore khởi xướng. ASCN có mục tiêu chính là cải thiện sinh kế của người dân toàn khu vực đã được thông qua tại hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra hồi tháng vừa rồi tại Singapore nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên hành động cùng nhau để đạt được các mục tiêu về sự phát triển thông minh và bền vững.

Tinh thần chung của một thành phố thông minh là góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội, bên cạnh đó cũng phải đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường thông qua các cơ chế hiệu quả để giải quyết những thách thức trong hiện tại và tương lai của người dân. Ngoài ra cần đảm bảo không có ai bị bỏ lại phía sau.

"Chúng tôi muốn thành lập một mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN, nhằm mở rộng cơ hội cho người dân và các doanh nghiệp địa phương nhỏ và vừa trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Chúng tôi muốn đảm bảo việc tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và người dân, nâng cao khả năng kết nối và cuối cùng là đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong khu vực", Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, ông Vivian Balakrishnan nói.

Trên tờ ANN News, Bộ trưởng Bộ Xã hội và Kinh tế Số của Thái Lan - Tiến sĩ Pichet Durongkaveroj khẳng định, một khi Thái Lan trở thành chủ tịch luận phiên của khối vào năm tới, nước này sẽ đóng vai trò dẫn dắt thực hiện mạng lưới các thành phố thông minh bao gồm 26 thành phố khác nhau ở 10 quốc gia thành viên ASEAN. 

Các dự án trong khuôn khổ Thành phố Thông minh đang được thực hiện tại Đông Nam Á:

Thái Lan – Kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế thành hệ thống sinh thái số hóa với mục tiêu xây dựng hơn 100 thành phố thông minh trong hơn hai thập kỷ tới. 

Việt Nam – Giới thiệu thanh toán không dùng tiền mặt và đưa vào ứng dụng các thiết bị hoặc hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2020. 

Malaysia – Tháng 1/2018, Kula Lumpur ký thỏa thuận với dịch vụ đám mây của Alibaba để sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cho cơ sở hạ tầng máy tính đám mây của quốc gia này. Hệ thống này sẽ hoạt động hỗ trợ hệ thống giao thông, quy hoạch thành phố và ứng phó với các tình huống bất ngờ.

Philippines – Surbana Jurong, công ty quy hoạch đô thị có trụ sở đặt tại Singapore đã ký Biên bản ghi nhớ  với chính phủ Philippine nhằm phát triển New Clark City, định hướng như một thành phố thay thế cho thủ đô Manila đang quá tải. Giai đoạn đầu sẽ được hoàn thành vào năm 2022.

Indonesia: 10 thành phố thí điểm đã áp dụng thẻ thông minh trong việc cung cấp các hỗ trợ và các dịch vụ xã hội tích hợp. Vào tháng 6/2017, Ngân hàng Thế Giới và Chính phủ Thụy Sỹ đã thành lập Quỹ đầu tư ủy thác Đô thị hóa bền vững của Indonesia trị giá 13,4 triệu USD nhằm đảm bảo quá trình đô thị thóa được diễn ra một cách ổn định về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Diên Vỹ- Vũ Thị Huyền (tổng hợp)