{keywords}
Sông Mekong được xem là nguồn lực lớn của ASEAN.

Hợp tác Mekong là một cấu thành quan trọng của tiến trình liên kết kinh tế ASEAN và khu vực. Những năm gần đây, kết nối hạ tầng giao thông, liên kết thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ trong khu vực Mekong. Việc hình thành các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng như Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam... đã đẩy mạnh kết nối kinh tế giữa các nước Mekong với nhau và giữa khu vực Mekong với các nước ASEAN khác cũng như các nền kinh tế lớn trong khu vực.

Từng là khu vực của những quốc gia nghèo, chậm phát triển và biệt lập trong thế kỷ trước, đến nay GMS đã vươn lên và tự hào có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mở cửa, tích cực hội nhập và có các thị trường rộng lớn, sôi động với tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Thành công của GMS minh chứng cho khát vọng và quyết tâm xây dựng khu vực Mekong hoà bình, thịnh vượng, phát triển bền vững, vì người dân.

Trong hơn 1/4 thế kỷ vừa qua, hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) đã không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định được bản sắc riêng là một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín với chiến lược 3C "Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh". Hàng trăm dự án với tổng vốn trên 21 tỷ USD đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực từ giao thông, năng lượng, viễn thông đến thương mại, nông nghiệp và môi trường. Nhiều chiến lược hợp tác tổng thể có tầm nhìn dài hạn, như hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), Bắc – Nam (NSEC) và phía Nam (SEC).

Quá trình hội nhập của các nước Mekong đã đóng góp quan trọng vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, đồng thời phát huy hiệu quả các tiềm năng và lợi thế bổ sung của các nước Mekong, thúc đẩy đổi mới và cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế và góp phần tích cực nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực.

Mới đây, 5 nhà lãnh đạo của các quốc gia Mekong đã có cuộc thảo luận về tương lai của khu vực này. Mở đầu phiên thảo luận, ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á của WEF cho biết, khu vực Mekong gồm 5 quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar), có dân số là 240 triệu người.

“Nếu Mekong là một nước, đây sẽ là quốc gia đông dân thứ 6 thế giới. GDP của 5 quốc gia cộng lại là 800 tỷ USD. Nếu là một nền kinh tế, Mekong sẽ nằm trong nhóm G20 và lớn thứ 19 trên thế giới. Nếu tính tổng giá trị xuất khẩu của 5 nước là 466 tỷ USD. Nếu Mekong là một quốc gia thì đây sẽ là nước xuất khẩu thứ 9 trên thế giới”, ông Justin Wood nêu giả thiết.

"Những chỉ số trên cho thấy, rõ ràng khu vực Mekong có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, ở thời điểm này, các nước Mekong chưa đạt được toàn bộ tiềm năng nếu hội nhập. Xuất khẩu của các nước này với nhau thì chỉ chiếm 8%, tức là 92% là xuất khẩu ra ngoài khối. Nếu so với châu Âu thì 70% của châu Âu là xuất khẩu sang nhau. Nếu xét về đầu tư nước ngoài thì chỉ có 4% từ các nước Mekong khác đầu tư vào", ông Justin Wood đánh giá.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ tầm nhìn mới về khu vực Mekong hòa bình, ổn định, hội nhập và kết nối, phát triển bền vững.

Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh, “dù xuất phát điểm và lịch sử phát triển khác nhau nhưng các nước đều có tầm nhìn chung là hòa bình, ổn định, hội nhập. Chúng tôi mong muốn và hiểu rằng lợi ích chung của các nước Mekong, của cộng đồng doanh nghiệp, của tầm nhìn này sẽ đóng góp vào xây dựng cộng đồng ASEAN. 5 nước hơn ai hết là củng cố hòa bình, ổn định, phát triển khu vực sông Mekong và khu vực ASEAN".

Còn theo Thủ tướng Campuchia Hun Sen, "nếu xem xét về thương mại giữa Campuchia và Việt Nam, Campuchia và Thái Lan thì có thể thấy chúng ta là các quốc gia bổ trợ cho nhau mặc dù xuất khẩu các mặt hàng giống nhau. Nếu có thể thiết lập 1 khối xuất khẩu gạo trong ASEAN, chúng ta không phải là các quốc gia cạnh tranh mà hợp tác cùng nhau để có thể hợp tác để đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vưc nông nghiệp, vốn là xương sống của ASEAN".

Giờ đây, GMS đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận sáng tạo và tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhằm phát huy nội lực của từng quốc gia; đồng thời liên kết hiệu quả tạo nên sự cộng hưởng về sức mạnh của cả khu vực GMS trong tăng trưởng nhanh, phát triển đồng đều cả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Với những thành tựu đáng tự hào mà GMS đã đạt được bên dòng Mekong trong các năm qua, với quyết tâm của các chính phủ, sự đồng lòng của người dân, GMS hoàn toàn tự tin tiếp tục tiến bước với vai trò là cơ chế hợp tác đầu tiên có vai trò chủ chốt khu vực Mekong, vì hoà bình phát triển bền vững, mang lại thịnh vượng cho mọi người dân khu vực ASEAN.

Vân Chi - Nguyễn Hồng Thơ