ASEAN không chỉ sáng lập và tích cực thúc đẩy hợp tác Đông Á mà còn nắm giữ vị trí trung tâm trong hợp tác khu vực.

Lịch sử đã chứng minh ASEAN có năng lực lãnh đạo hợp tác khu vực Đông Á, đồng thời, dưới sự lãnh đạo của ASEAN, hợp tác Đông Á không ngừng phát triển. Do đó, hợp tác khu vực cần thiết có vai trò chủ đạo của ASEAN, đồng thời cũng cần thiết phải tăng cường và phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN nhằm duy trì đà hợp tác phát triển thuận lợi trong khu vực Đông Á.

Bản thân ASEAN cũng mong muốn trở thành lực lượng thúc đẩy (driving force) và nắm giữ vị trí trung tâm (centrality) trong hợp tác khu vực Đông Á. Tuy nhiên, để duy trì và củng cố vị trí trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực thì không chỉ cần thiết có sự nỗ lực của các nước Đông Nam Á, mà còn cần đến sự ủng hộ và phối hợp của các nước Đông Á nói chung cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc lựa chọn hình thức hợp tác khu vực phù hợp.

{keywords}
Thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN. Ảnh: TTXVN

Nghiên cứu sinh Trần Thị Bảo Hương từng khuyến cáo, nếu không muốn bị “tan chảy”, ASEAN phải đóng vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực, mà việc ASEAN có thể phát huy vai trò chủ đạo hay không phần lớn phụ thuộc vào sức mạnh của chính ASEAN, trong đó ASEAN phải trở thành một lực lượng mạnh mẽ, như Đức và Pháp trong Liên minh châu Âu (EU) hoặc Hoa Kỳ trong Khu thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Do đó, ASEAN cần tăng cường sức mạnh tổng thể, bao gồm cả sức mạnh cứng (hard power) và sức mạnh mềm (soft power).

Vật chất quyết định ý thức, do đó, sức mạnh cứng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, mà sức mạnh cứng lại được quyết định chính bởi sức mạnh về kinh tế, bởi kinh tế phát triển không chỉ có thể cải thiện dân sinh, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tăng cường sức mạnh quân sự, hoàn thiện hệ thống xã hội, hệ thống chính trị và quan hệ đối ngoại… mà còn có thể thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội, qua đó tăng cường sức mạnh tổng thể, hoàn thiện hình ảnh và cải thiện hành vi quốc gia. Sức mạnh kinh tế là thành phần quan trọng nhất để tạo nên sức mạnh tổng thể. Do đó, để tăng cường sức mạnh tổng thể của mình trên thực tế, ASEAN phải tập trung vào phát triển kinh tế, để thành công trong phát triển kinh tế tạo tiền đề phát triển cho các lĩnh vực khác. Chỉ trên một nền tảng sức mạnh tổng hợp vững chắc, ASEAN mới có thể đóng vai trò lớn hơn, có sức ảnh hưởng hơn và có thể duy trì quyền chủ đạo của mình trong hợp tác khu vực.

ASEAN vốn tương đối quan tâm đến việc xây dựng năng lực, thể hiện ở việc ưu tiên hợp tác vễ kỹ thuật, đào tạo nhân lực và hợp tác theo các lĩnh vực. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt là trong bối cảnh ASEAN có nguy cơ bị các nước lớn “thâu tóm”, ASEAN phải chú ý nhiều hơn đến công tác xây dựng năng lực, cần kịp thời phát hiện, đề bạt và đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ.

Đồng thời, ASEAN cũng cần tiếp tục tăng cường hợp tác Bắc-Nam với các nước phát triển, thông qua hợp tác học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý để tăng cường xây dựng năng lực. Ngoài ra, ASEAN cũng cần chú trọng ngoại giao “kênh 2” và kết hợp phát huy tri thức hiền tài của cả ba kênh: quan chức cấp cao, các nhà sản xuất và đội ngũ nghiên cứu học thuật để tăng cường xây dựng năng lực.

Theo nghiên cứu của nghiên cứu sinh Trần Thị Bảo Hương, tuy tiến hành hội nhập nhưng nội bộ ASEAN vẫn tồn tại không ít khoảng cách và bất đồng. Nội bộ ASEAN tương đối phức tạp. Mười nước thành viên có hệ thống chính trị (bao gồm cả chế độ nhà nước và chế độ chính trị) khác nhau, trình độ phát triển không đồng đều…

Những ai thuộc về khu vực văn hóa phương Đông có lẽ đều hiểu về chân lý “đoàn kết là sức mạnh”. Như trong “Câu chuyện bó đũa”, 10 nước ASEAN như mười chiếc đũa, nếu bó lại với nhau thành một khối sẽ kiên cố như sắt, nhưng nếu chia ra từng chiếc sẽ bị bẻ gãy rất dễ dàng.

Vì vậy, muốn phát triển mạnh, ASEAN cần thiết phải thu hẹp khoảng cách và sự khác biệt giữa các nước, nâng cao lòng tin chính trị, tăng cường tình đoàn kết, phát huy sự gắn bó lẫn nhau. ASEAN một mặt tập trung phát triển kinh tế, thu hẹp mức độ phát triển của các nước, mặt khác phải giương cao ngọn cờ “chủ nghĩa khu vực mới”, tăng cường hợp tác và giao lưu chính trị, xã hội, văn hóa trên tinh thần “cầu đồng tồn dị” (chấp nhận sự khác biệt, cố tìm ra điểm chung), cùng có lợi, nội bộ các nước cần có thái độ cởi mở, bao dung, tăng cường tin cậy lẫn nhau về chính trị để xây dựng một ASEAN đoàn kết, hùng mạnh.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ngoài cùng, bên trái) cùng các Trưởng đoàn ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN (gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) chụp ảnh chung. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ xây dựng cộng đồng, ASEAN cũng cần tăng cường công tác xây dựng thể chế, nâng cao mức độ thể chế hóa trong hợp tác. Xét theo tiêu chuẩn về lý thuyết phân cấp trong hệ thống quốc tế của JamesRosenau thì cơ chế hợp tác là một trong những thách thức trước mắt đối với ASEAN. Mức độ thể chế hóa chính là một trong những phương tiện quan trọng để một tổ chức có thể tồn tại bền vững. Do đó, muốn hùng mạnh, ASEAN nên đẩy mạnh việc thể chế hóa.

Mức độ thể chế hóa của ASEAN có liên quan mật thiết đến công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đẩy mạnh thể chế hóa có tác dụng thúc đẩy, đẩy nhanh tốc độ hội nhập, rút ngắn tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; ngược lại, đẩy nhanh xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng chính là một trong những biện pháp cải thiện mức độ thể chế hóa trong hợp tác.

ASEAN là tâm điểm trong hợp tác Đông Á, nhưng cơ chế hợp tác chủ yếu vẫn dựa vào “phương thức ASEAN”, nguyên tắc“đồng thuận” và “không can thiệp nội bộ”, chủ yếu dựa vào việc triển khai các tuyên bố chung của lãnh đạo sau các kỳ hội nghị, thiếu yếu tố ràng buộc cần thiết.

Trong nghiên cứu của Walter Mattli về tiến trình hội nhập của ASEAN thì, so với Châu Âu, trong những nguyên nhân “thất bại” của ASEAN có hai lý do quan trọng, đó là mức độ thể chế hóa thấp và thiếu vai trò của “nước lãnh đạo”. Vì vậy, trong tương lai, ASEAN nếu muốn tiếp tục phát triển thành một cộng đồng vững mạnh thì phải nâng cao trình độ thể chế hóa của nó, trong đó quan trọng nhất, ngoài việc nâng cao vai trò của “nước trọng tâm”, rất cần thiết phải nâng cao mức độ thể chế hóa trong tiến trình hội nhập.

Hồng Lê - Thúy Hồng