Đa số các nước đối tác ASEAN đều khẳng định cùng chung tay nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, để Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, hợp tác và phát triển, trong đó có việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông  (COC).

Không thể phủ nhận Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị cấp cao liên quan được đánh giá là một trong những kỳ hội nghị thành công nhất của ASEAN.

Kết thúc các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Nhà Lãnh đạo đã thông qua 63 văn kiện làm nền tảng cho hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong các năm tiếp theo mà điểm nhấn quan trọng là các nước ASEAN, Trung Quốc và nhiều đối tác đều nhất trí tiến tới sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thỏa thuận này được coi là một bước tiến quan trọng hướng tới việc thu hẹp sự khác biệt giữa các bên trong giải quyết vấn đề Biển Đông.

{keywords}
Ngoại trưởng các nước ASEAN tham dự hội nghị toàn thể trong khuôn khổ ARF 2018 tại Singapore hôm 2/8. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan mô tả đây là “một cột mốc nữa” trong tiến trình xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Ngoài ra hai bên cũng đã thống nhất các phương thức chính cho các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trong tương lai.

Theo ông Balakrishnan, các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã bắt đầu từ tháng 3 và cả ASEAN và Trung Quốc đã đi đến dự thảo đầu tiên trong các cuộc đàm phán được tổ chức từ hai tháng trước tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, hiện vẫn còn quá sớm để đặt ra hạn chót cho các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về bộ quy tắc ứng xử vì điều đó còn phụ thuộc vào bối cảnh không ngừng thay đổi. Nhận định này cũng được ngoại trường Singapore lưu ý, "mặc dù COC có thể không thể giải quyết được vấn đề tranh chấp chủ quyền nhưng nó sẽ đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, góp phần xây dựng lòng tin để thúc đẩy các bước tiến tích cực hơn trong giải quyết các tranh chấp này", ông Balakrishnan được báo chí dẫn lời.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định, tại Hội nghị ASEAN lần thứ 33 vừa diễn ra tại Singapore,một quan chức chính phủ Thái Lan đã dẫn lời Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng ASEAN và Trung Quốc nên hợp tác để biến Biển Đông trở thành "vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Trong bài phát biểu tại Singapore, ông Lý Khắc Cường cũng bày tỏ hy vọng hoàn tất Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 15 nước khác vào năm 2019.

Các nhà quan sát cho biết thỏa thuận này cho thấy Trung Quốc và ASEAN có thể tiến bộ thông qua các cuộc đàm phán bất chấp căng thẳng trong khu vực, nhưng họ cũng cảnh báo rằng vẫn còn một chặng đường dài.

Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết sự đồng thuận về dự thảo có nghĩa là những người yêu cầu bồi thường có một tập hợp các thuật ngữ tham khảo chung cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

{keywords}
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hội đàm bên lề ARF 2018 ở Singapore hôm 2/8. Ảnh: Reuters.

Tiến trình về quy tắc ứng xử cũng có thể giúp cho lợi ích của Bắc Kinh khi "cần một bước đột phá về chính sách đối ngoại để làm nổi bật mong muốn hòa bình và ổn định. Điều này sẽ được sử dụng để tiếp tục phản đối sự can thiệp bên ngoài trên Biển Đông” ông Koh nhận định.

Còn chuyên gia Đông Nam Á Zhang Mingliang của Đại học Tế Nam (Trung Quốc) nói rằng, căng thẳng với Mỹ có thể đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước láng giềng.

Mỗi khi bàn tới chuyện Biển Đông, đa số các nước đối tác ASEAN cũng luôn khẳng định cùng chung tay nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, để Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, hợp tác và phát triển, trong đó có đàm phán COC hiệu quả và thực chất, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, song song với việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC.

Được ký từ năm 2002, DOC kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy vậy, cả ASEAN và Trung Quốc đều mong muốn đẩy mạnh cam kết chung trên Biển Đông bằng một bộ quy tắc ứng xử.

Năm 2016, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên Biển Đông, tiếp đó thiết lập một đường dây nóng để xử lý các tình huống khẩn cấp trên Biển Đông.

Ngọc Châu - Thúy Hồng