“Chúng ta không thể trở thành Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, phát triển bền vững nếu thiếu sự tham gia quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái”.

Những tiến bộ của hợp tác ASEAN về bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái là một trong những chủ đề quan trọng đang được ASEAN đặc biệt quan tâm.

Một trong những tuyên bố vừa được trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN là những cam kết tập trung vào đào tạo và tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ, hình thành mạng lưới học tập suốt đời tại ASEAN, phù hợp với sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực, việc làm; tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt thông qua việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội; mở rộng độ bao phủ tới mọi đối tượng, bao gồm khu vực phi chính thức và người lao động di cư.

Tuyên bố này là kết quả thu được tại Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba (AMMW-3) được tổ chức tại Việt Nam hồi tháng 10, sau khi đại diện các nước đã nhận diện những thách thức mà phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực ASEAN đang phải đối mặt.

Hẳn mọi người còn nhớ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mở đầu bài phát biểu khai mạc AMMW-3 rất ấn tượng với chủ đề “An sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái: Hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025”.

Trong khu vực ASEAN, kể từ năm 1967 đến nay, phụ nữ ASEAN đã có những cống hiến rất tích cực vào tăng trưởng và thịnh vượng của các nước thành viên. Về y tế, tuổi thọ của phụ nữ đã tăng lên đáng kể, với tỷ lệ nữ trong độ tuổi từ 60-64 đã tăng 3,7% năm 2015. Tỷ lệ sinh sớm của phụ nữ trong độ tuổi 15-19 ở khu vực đã giảm từ 77% xuống 37%.Các cơ hội giáo dục được mở rộng.Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội tại nhiều quốc gia ASEAN đã đạt mức hơn 20%.Số lượng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã tăng đáng kể gần đây, nhiều phụ nữ là chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ở Việt Nam, Chính phủ đã chủ động triển khai, lồng ghép các sáng kiến, ưu tiên khu vực vào các chương trình, đề án ở cấp quốc gia nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái. Hằng năm, Chính phủ dành khoảng 2,6% tổng GDP cho các chính sách, chương trình về trợ giúp xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái. Điểm nổi bật là nỗ lực thực hiện Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba (AMMW-3). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Chia sẻ với các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba, Thủ tướng Việt Nam nói, dù phụ nữ chiếm 45% lực lượng lao động ở khu vực Đông - Nam Á (với dân số hơn 640 triệu người và quy mô GDP hằng năm tăng khá đồng đều), nhưng mức thu nhập của phụ nữ trong khu vực nói chung vẫn thấp hơn nam giới làm cùng một công việc, chênh lệc trung bình lên tới 25% ở một số quốc gia. Theo báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen), nền kinh tế ASEAN đã tăng trưởng mỗi năm ở mức 5% trong thập kỷ vừa qua và dự kiến sẽ tăng thêm 30% trong giai đoạn 2013-2025, nhưng phụ nữ chỉ đóng góp vào 11% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN. Những vấn đề này thúc giục chúng ta phải chung tay hành động và có các giải pháp hiệu quả để nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời đại mới.

Hướng tới Cộng đồng ASEAN luôn là một nơi đáng sống và một khu vực an toàn, bình đẳng cho tất cả mọi người; đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ba nội dung hợp tác sau:

Một là, đào tạo và tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ, hình thành mạng lưới học tập suốt đời tại ASEAN, phù hợp với sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hai là, bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực, việc làm.

Ba là, tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt thông qua việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội; mở rộng độ bao phủ tới mọi đối tượng, bao gồm khu vực phi chính thức và người lao động di cư.

AMMW-3 là cuộc họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN kể từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập vào cuối năm 2015. Trong thời gian gian vừa qua, ASEAN đã có những bước tiến quan trọng về bình đẳng giới và tăng cường quyền năng, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái như Tuyên bố về Thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Mục tiêu phát triển bền vững có đáp ứng giới, Tuyên bố Manila về Lồng ghép tăng cường quyền năng kinh tế của Phụ nữ trong ASEAN, Tuyên bố chung về Phụ nữ, hoà bình và an ninh, Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư… Đây là những văn kiện quan trọng định hướng cho việc thực hiện các hoạt động của hợp tác về phụ nữ trong ASEAN trong thời gian tới.

Để hướng tới một cộng đồng phát triển bền vững, tự cường và năng động như Tầm nhìn của ASEAN đến năm 2025, một nhiệm vụ trọng tâm cần phối hợp là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm tiếp cận đồng đều các cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em gái. Đây là tiền đề cho sự tiến bộ và bình đẳng trong khu vực. Nếu không thực hiện được nhiệm vụ này, dù tăng trưởng kinh tế cao bao nhiêu cũng không mang lại ý nghĩa về sự tiến bộ đối với mỗi quốc gia thành viên ASEAN nói riêng và khu vực Đông - Nam Á nói chung, đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Tiến Anh - Vũ Thị Huyền