Hôm qua, 14/11 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 21 và kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu chính về quan hệ ASEAN-Nhật Bản, với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản.

{keywords}
Quan hệ Đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản không ngừng được đẩy mạnh, đạt kết quả rất tích cực.

45 năm Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác

Với tư cách là nước điều phối, thay mặt các nước ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhận định, quan hệ Đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản không ngừng được đẩy mạnh, đạt kết quả rất tích cực trên cả 3 trụ cột hợp tác vì hòa bình và an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư, và hướng đến người dân. Nhiều hoạt động đã và đang được triển khai tích cực, nhất là về an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, đào tạo nâng cao năng lực pháp luật, thúc đẩy pháp quyền và hợp tác quốc phòng. Nhật Bản là đối tác thương mại thứ 4, nhà đầu tư 2 tại ASEAN, nhà cung cấp hỗ trợ phát triển ODA hàng đầu cho nhiều nước ASEAN.

Thủ tướng khẳng định ASEAN đánh giá cao hỗ trợ của Nhật Bản qua Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản (JAIF) trong các lĩnh vực hợp tác y tế, môi trường, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ và sáng tạo; tăng cường kết nối thông qua triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Kế hoạch Công tác ASEAN về Thu hẹp khoảng cách, phát triển tiểu vùng Mê Công… Thủ tướng nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của ASEAN trong thúc đẩy và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của mỗi bên cũng như của khu vực.

Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định coi trọng vai trò của ASEAN, nhất trí tăng cường hợp tác toàn diện với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm và các nỗ lực thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực của ASEAN. Thủ tướng Shinzo Abe thông báo về kế hoạch tổ chức Ngày ASEAN-Nhật Bản tại Việt Nam trong năm 2019 nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa người dân hai bên. Thủ tướng Nhật cũng công bố nhiều sáng kiến hợp tác quan trọng như quỹ hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) về phát triển hạ tầng khu vực, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng (khoảng 80 ngàn người trong 5 năm), khai thác cơ hội cách mạng 4.0, ngăn ngừa rác thải nhựa trên biển, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe người dân...

Ông Shinzo Abe cũng nhấn mạnh ASEAN và Nhật Bản cần nỗ lực đóng góp củng cố hệ thống thương mại đa phương tự do rộng mở, công bằng và dựa trên luật lệ. Thủ tướng ghi nhận một số nước ASEAN, trong đó có Singapore, Việt Nam và Nhật Bản phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trông đợi sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, tự do an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng, nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả và thực chất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông và mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, tạo dựng môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, vì một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh Nhật Bản chia sẻ ý tưởng về thúc đẩy hợp tác kết nối hai bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Shinzo Abe tổ chức Ngày ASEAN-Nhật Bản, và sẵn sàng cùng Nhật Bản tổ chức thành công sự kiện trong năm 2019.

“Hạt nhân của Hợp tác khu vực Đông Á”

Trong khuôn khổ hợp tác khu vực, Nhật Bản đặc biệt coi trọng cơ chế ASEAN+1 không chỉ bởi hiệu quả thực chất của diễn đàn này mà đối với Nhật Bản, quan hệ với ASEAN còn được coi như “hạt nhân của Hợp tác khu vực Đông Á”, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và tiếp tục hợp tác và hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Nhật Bản hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của ASEAN và nguồn FDI lớn thứ 2 vào ASEAN.

Tháng 01/1997, Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto Ryutaro đã đề xuất mở rộng và làm sâu sắc thêm đối thoại ở các lĩnh vực và các cấp giữa ASEAN và Nhật Bản. Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản tổ chức không định kỳ trước đây chuyển thành hội nghị thường niên. Cơ chế hợp tác ASEAN+1 lúc này chính thức được khởi động thúc đẩy tiến trình liên kết Đông Á.

Kể từ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 16/12/1997, đến nay, Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản đã được tổ chức 33 lần, tại nhiều quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản.

Tại đây, các nhà lãnh đạo hai bên đã đề ra nhiều Tuyên bố và Chương trình hành động cụ thể, hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ ASEAN - Nhật Bản hợp tác, hữu nghị và hiệu quả hơn góp phần vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực.

Nhật Bản cam kết sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME), giao thông, năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, xoá đói nghèo, y tế, chăm sóc người già, đồng thời tăng cường giao lưu nhân dân và trao đổi thanh niên thông qua các chương trình giao lưu hợp tác thể thao và văn hoá, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, an ninh mạng…

Vân Chi - Nguyễn Hồng Thơ