{keywords}
Việc tham gia ASEAN đã tạo đà để con tàu Việt Nam tiến ra biển lớn.

Một cây làm chẳng nên non…

Thành công của ASEAN là do sự tụ hội của nhiều nhân tố, nhưng trước hết là xuất phát từ sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Đứng riêng lẻ, mỗi nước thành viên ASEAN chỉ là các quốc gia vừa và nhỏ.

Tập hợp lại, ASEAN là một Cộng đồng với hơn 600 triệu dân có tổng GDP 3.000 tỷ USD, có lực lượng lao động dồi dào đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 với ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội sẽ góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

ASEAN ngày nay đã trở thành một thực thể chính trị-kinh tế gắn kết, có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Châu Á-TBD, là đối tác quan trọng của nhiều nước và tổ chức quốc tế, được dư luận quốc tế đánh giá là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất.

Lịch sử đã chỉ ra một quy luật: khi đoàn kết, ASEAN là một nhân tố mà bất cứ nước lớn nào cũng phải tính đến; lúc chia rẽ, không những ASEAN mà cả các nước thành viên đều đánh mất vai trò.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực ngày càng gay gắt, có thể nói đoàn kết và đồng thuận chính là “lẽ sống” của ASEAN. ASEAN có vững, thì Việt Nam mới mạnh. Nhận thức rõ điều đó, Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình để củng cố đoàn kết, đồng thuận của ASEAN, nhất là trong những vấn đề mang tính chiến lược ở khu vực.

Vững tin hướng tới chặng đường phía trước

Trong thế giới ngày nay, một quốc gia dẫu kinh tế không mạnh, dân không đông, song vẫn có thể phát huy vai trò và nâng cao vị thế của mình bằng một chính sách đối ngoại đúng đắn và khôn khéo.

Thực tiễn tham gia ASEAN đã giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về những cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn, đồng thời rút ra được những bài học quý giá. Trong đó, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự tham gia trực tiếp của Lãnh đạo cấp cao, và phối hợp, đóng góp hiệu quả của các Bộ ngành, địa phương cả nước là nhân tố vô cùng quan trọng.

Giai đoạn phát triển mới của ASEAN với những cơ hội và thách thức đan xen nhau đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ về mặt nội bộ để nâng cao hiệu quả tham gia hợp tác ASEAN và tranh thủ được tối đa những lợi ích có được.

Trước hết, nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN và tầm quan trọng chiến lược của việc Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN là yêu cầu bắt buộc.

Thực trạng có đến 70% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát vẫn rất “mù mờ” về Cộng đồng Kinh tế ASEAN là điều đáng quan ngại. Do đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về những cơ hội và thách thức từ việc tham gia Cộng đồng ASEAN không chỉ là việc riêng của các cơ quan Nhà nước, mà cũng là nghĩa vụ và lợi ích sát sườn của mỗi doanh nghiệp, thậm chí mỗi người dân.

Sức nóng của việc hình thành Cộng đồng ASEAN nói riêng và thực thi các cam kết quốc tế nói chung đòi hỏi tất cả các Bộ, ban ngành Trung ương, các địa phương cũng như doanh nghiệp và người dân cùng nhau vào cuộc.

Hai là, trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam có thể chủ động phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu trong ASEAN trong các lĩnh vực ta có lợi ích và thế mạnh, bằng việc chủ động đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác cụ thể. Để làm được điều đó, chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về những vấn đề liên quan đến ASEAN cũng như đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương và chuyên gia về ASEAN cần được đầu tư nhiều hơn nữa.

Ba là, ASEAN và Việt Nam đang đứng trước yêu cầu thích ứng, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh việc kiên trì các nguyên tắc đã làm nên nền tảng và bản sắc của Hiệp hội, sự linh hoạt về biện pháp, cách làm sẽ giúp làm tăng điểm đồng, hạn chế và thu hẹp sự khác biệt giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN và các đối tác.

Cuối cùng, thành bại của việc tham gia ASEAN nói riêng cũng như hội nhập quốc tế nói chung nằm ở chỗ có chiến lược, lộ trình và bước đi bài bản. Việc tham gia ASEAN đã tạo đà để con tàu Việt Nam tiến ra biển lớn.

Trong thời gian tới, với kim chỉ nam là Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, địa phương cả nước cũng như sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò tích cực của mình, tiếp tục đồng hành cùng ASEAN vì mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Khánh Lynh - Lê Thu Hương (lược ghi phát biểu của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh)